17:29 02/10/2020 Nhìn vào tổng thể, trong quá trình 35 năm đổi mới, bên cạnh những chuyển biến tích cực, một phần bộ mặt nông thôn truyền thống cũng bị phá vỡ bởi không ít những dòng chảy tiêu cực. Việc mở rộng quy hoạch phát triển công nghiệp, triển khai các dự án hạ tầng kinh tế, đô thị, giao thông… đã đẩy nhiều nông dân vào tình cảnh phải chuyển đổi ngành nghề.
Một góc nông thôn mới trên địa bàn huyện An Lão
Bên cạnh đó, áp lực thụ hưởng cân bằng xã hội trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, kết hợp với những áp lực khác đã khiến nhu cầu thiết thực của khu vực nông thôn đòi hỏi một tầm cao hơn.
Nhìn vào thực tiễn, những hạn chế nội tại liên quan đến nông nghiệp- nông dân- nông thôn trên địa bàn thành phố đã được chỉ ra trước đó vẫn đang hiện hữu. Cụ thể thực trạng về nông nghiệp: Quan hệ sản xuất đổi mới còn chậm, chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu lao động, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ thiếu vững chắc.
Cơ chế chính sách khuyến khích phát triển chưa đồng bộ, cơ cấu cây trồng chậm chuyển đổi, cây lương thực vẫn chiếm tỷ lệ cao trên tổng diện tích đất trồng trọt; về nông thôn: Mức đầu tư cho các chương trình dự án phát triển chưa thực sự tập trung và chưa đồng bộ, nhất là kết cấu hạ tầng trực tiếp phục vụ sản xuất; về nông dân: Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn thấp, các khoản chi phí ngoại ngành cao so với thu nhập như chi phí cho y tế, giáo dục… trong khi phúc lợi xã hội còn hạn chế, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp.
Từ thực trạng đó, Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng rõ cho Hải Phòng trên lĩnh vực này: “Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm phát triển bền vững, với phương châm mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau; mọi người dân Hải Phòng được tiếp cận bình đẳng, thuận lợi, đầy đủ với chất lượng ngày càng cao các dịch vụ công thiết yếu, đặc biệt là y tế, giáo dục, việc làm, điện, nước sạch...”.
Tại Nghị quyết 108/NQ-CP ngày 26-11-2019 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW, Chính phủ cũng nêu rõ Hải Phòng cần “Xây dựng nông thôn mới phồn vinh gắn với quá trình đô thị hoá, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá nông thôn Bắc Bộ, có nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao.
Đồng thời, xây dựng nông thôn mới phải thực sự gắn với giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội để tạo cơ hội, động lực cho người nghèo thông qua các chính sách trợ giúp về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đất đai, tín dụng, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, khuyến nông và tiêu thụ sản phẩm…”.
Hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy an sinh xã hội vùng nông thôn
Trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội 16 sắp tới, quan điểm đánh giá về những hạn chế trên lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn cũng đã được thông qua các đợt lấy ý kiến. Cụ thể là: “Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nhất sản phẩm chủ lực chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ để là động lực tăng trưởng.
Các sản phẩm được xác định có thế mạnh của địa phương, thành phố tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích song lại chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; chưa thực sự nổi bật để tập trung đầu tư sản xuất hàng hóa mang lại giá trị gia tăng cao. Đổi mới hình thức sản xuất tuy có nhiều chuyển biến song chưa tạo được đột phá. Doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn còn hạn chế so với tiềm năng, lợi thế”.
Điều này có thể thấy rõ trong thực tế phát triển kinh tế khu vực nông thôn, đơn cử như vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp cũng còn nhiều điều cần bàn. Chẳng hạn việc kết nối “4 nhà” quản lý - khoa học - doanh nghiệp – nông dân, những năm gần đây thành phố đã có nhiều cố gắng. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn mang tính cục bộ, chưa thực sự đáp ứng được năng lực sản xuất thực tế.
Ngay như ở những vùng chuyên canh tập trung, bài toán kết hợp “4 nhà” được đưa ra từ lâu, ứng dụng nhiều phương pháp nhưng đáp số mới giải quyết được một phần nhu cầu thực tiễn. Trong khi đó, bất cập vẫn hiện hữu trên kênh lưu thoát từ sản xuất đến tiêu dùng, dẫn đến khoảng cách giữa giá trị sản phẩm nông nghiệp đến giá trị hàng hóa còn quá xa, chi phí dịch vụ lớn đang khiến nhà nông chưa thoát cảnh khốn đốn. Trong bối cảnh như vậy, việc triển khai xây dựng nông thôn mới nếu sa vào căn bệnh thành tích, rất có thể sẽ mang lại hiệu ứng ngược.
Thực tiễn luôn đa dạng, khó tìm được những hoàn cảnh tương tự tuyệt đối từ cuộc sống, nên việc đem một mô hình chỗ này đặt vào chỗ khác là điều tối kỵ. Vì thực tiễn chính là từ công tác quần chúng, một môi trường tư tưởng đạt được kết quả cả hai chiều cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, lo cho dân nhưng phải lắng nghe dân để tự sửa mình.
Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: “Có đường lối cách mạng đúng đắn, lại phải có các lực lượng cách mạng để đưa đường lối vào cuộc sống thì mới có thắng lợi của cách mạng”. Vì vậy, vấn đề mấu chốt có lẽ vẫn là yếu tố con người, mà chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ mang tính định hướng chiến lược.
Đây là vấn đề lớn chắc chắn sẽ được thảo luận nghiên cứu kỹ tại Đại hội 16 lần này, với những quyết sách quan trọng trong tình hình mời, đưa nông thôn vào quỹ đạo phát triển bền vững.
Chương trình xây dựng nông thôn mới là nội dung lớn của đất nước, được triển khai cùng nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác, cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước đối với vai trò đặc biệt của nông thôn, liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội và an ninh quốc gia, là hậu phương vững chắc đi lên CNH-HĐH đất nước…
Thiết nghĩ, sẽ không thể có hạ tầng vật chất phát triển đồng bộ, nếu không có hạ tầng tư tưởng và lòng quyết tâm đồng bộ, trong đó sức mạnh đại đoàn kết toàn dân là cốt lõi. Và điều quan trọng cho phát triển bền vững, chính là việc chúng ta sẽ ứng xử thế nào với những thứ đã, đang và sẽ được tạo dựng.
Lê Minh Thắng
16:11 21/11/2024
08:05 13/11/2024