Xuất khẩu gạo – điểm sáng bức tranh xuất khẩu những tháng đầu năm

17:19 22/03/2020

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị tác động tiêu cực thì vẫn còn điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam khi lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm tiếp tục tăng mạnh…

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2-2020, nước ta đã xuất khẩu được 532.836 tấn gạo, trị giá trên 238,1 triệu USD, tăng 29,7% về lượng và 21,2 trị giá so với tháng 1-2020.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, lượng gạo xuất khẩu ra thị trường thế giới đạt 928.798 tấn, thu về 430,49 triệu USD, tăng 31,7% về lượng và tăng 39,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Trung Tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công thương (VITIC), giá xuất khẩu gạo trong tháng 2/2020 giảm 6,5% so với tháng 1/2020 nhưng tăng 5,3% so với tháng 2/2019, đạt trung bình 446,9 USD/tấn. Tính trung bình cả 2 tháng đầu năm đạt 463,5 USD/tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong các thị trường tiêu thụ, Philippines là một trong những thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam thời gian qua với việc nhập khẩu tới 222.182 tấn, trị giá trên 93,49 triệu USD. Tính dồn cả 2 tháng đầu năm 2020, Philippines đã nhập khẩu tới 357.055 tấn gạo với trị giá lên đến trên 154,7 triệu USD.

Iraq là thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 của Việt Nam với tổng lượng gạo 2 tháng đầu năm lên tới 90.000 tấn với tổng trị giá đạt 47,61 triệ, chiếm gần 9,7% trong tổng lượng và chiếm gần 11,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu sang Malaysia – thị trường lớn thứ 3 tăng mạnh 148,8% về lượng và tăng 127,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng tháng 2 xuất khẩu 67.435 tấn trị giá trên 27,67 triệu USD. Cộng dồn 2 tháng đạt 94.413 tấn, tương đương 40,11 triệu USD, chiếm gần 10,2% trong tổng lượng và chiếm 9,3% trong tổng kim ngạch.

Cũng trong 2 tháng đầu năm ghi nhận lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh với sản lượng xuất khẩu trong tháng 2 đạt 47.863 tấn, tương đương với 26,305 triệu USD. Đưa tổng kim gạch xuất khẩu gạo của nước ta sang thị trường này 2 tháng đầu năm đạt 66.222 tấn, trị giá 37,076 triệu USD, tăng 594,5% về lượng và tăng 723,6% về kim ngạch, chiếm 7,1% trong tổng lượng và chiếm 8,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Nhìn chung, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang đa số các thị trường tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngoài thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhất như trên, còn có một số thị trường cũng tăng rất mạnh như: Pháp tăng 554,1% về lượng và tăng 723,6% về kim ngạch, đạt 641 tấn, tương đương 0,37 triệu USD; Đài Loan tăng 214,9% về lượng và tăng 257,5% về kim ngạch, đạt 2.151 tấn, tương đương 1,18 triệu USD; Senegal tăng 171,9% về lượng và tăng 197,9% về kim ngạch, đạt 968 tấn, tương đương 0,51 triệu USD; Nga tăng 218,2% về lượng và tăng 156,4% kim ngạch, đạt 2.625 tấn, tương đương 1,11 triệu USD.

Như vậy, trong bức tranh chung kim ngạch xuất khẩu của không ít mặt hàng nông sản tỷ USD như cá tra, hạt điều, cao su, rau quả... giảm mạnh bởi dịch COVID-19 thì xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm thực sự là điểm sáng khi tăng cả về giá trị và sản lượng xuất khẩu. Đáng chú ý giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường đang có xu hướng liên tục tăng cao, gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30 - 40 USD/tấn, đạt 380 USD/tấn, cao nhất từ tháng 12-2018 đến nay. Giá gạo xuất khẩu tăng kéo giá lúa trong nước cũng tăng theo, hỗ trợ tốt cho người nông dân.

Gạo là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam những tháng đầu năm

Hiện nay, Thái Lan - nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới - đang chịu thiệt hại lớn do hạn mặn. Sản lượng gạo của nước này giảm gần 2 triệu tấn. Việt Nam cũng bị hạn mặn song chỉ khoảng 28.000 ha lúa bị ảnh hưởng. Bởi vậy, Việt Nam có nguồn cung gạo khá dồi dào. Đó là chưa kể, 2 vụ trước Việt Nam đều trúng mùa, sản lượng tăng mạnh. Ở thị trường nhập khẩu, Philippines, Indonesia đang thiếu gạo và phải nhập khẩu khối lượng rất lớn từ Việt Nam, do vậy càng tạo đà cho gạo Việt Nam càng khởi sắc.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, hiện tại mặc dù giá trị lúa gạo Việt Nam được tăng cao trên thị trường thế giới nhờ một số doanh nghiệp đã xây dựng được chuỗi giá trị cho hạt gạo nhưng số lượng để giải quyết cho cả ngành hàng lúa gạo Việt Nam thì chưa đáng kể. Giai đoạn có thể tăng trưởng xuất khẩu trong khó khăn hiện nay chính là cơ hội để ngành lúa gạo có đủ lực để bình tĩnh phát triển một cách căn cơ hơn. Quan trọng nhất để ngành hàng lúa gạo không phải giải cứu thì mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phải được thực hiện.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, năm nay Việt Nam rất khả quan xuất khẩu được 6,7 triệu tấn gạo. Đặc biệt, với tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới, nhu cầu dự trữ gạo tại các nước, đặc biệt là Trung Quốc sẽ tăng lên. Do đó, gạo Việt Nam càng có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu…

Ngọc Oanh (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích