09:47 12/07/2019 Trong các tháng đầu năm, tuy tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu trên cả nước không đều nhưng với mức tăng trưởng tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đây vẫn là con số khả quan, đáng ghi nhận…
Cụ thể, theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6/2019 (từ ngày 1 đến ngày 15-6) đạt 19,87 tỷ USD, giảm 16,3% (tương ứng giảm 3,87 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 5. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15-6, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 222,45 tỷ USD, tăng 8,3% (tương ứng 16,97 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.
Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6 năm 2019 có mức thặng dư 485 triệu USD; đưa mức thặng dư hương mại hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15-6 đạt 67 triệu USD.
Trong 15 ngày đầu tháng 6, nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có trị giá xuất nhập khẩu đạt 12,42 tỷ USD, giảm 17,7%; tương ứng giảm 2,68 tỷ USD so với nửa cuối tháng 5. Như vậy tính đến hết ngày 15-6, nhóm doanh nghiệp FDI có trị giá xuất nhập khẩu 140,51 tỷ USD, tăng 6,2%; tương ứng tăng 8,2 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2018. Cán cân thương mại hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt thặng dư 1,2 tỷ USD trong nửa đầu tháng 6 và tính đến hết ngày 15-6 đạt 13,16 tỷ USD.
Phân tích riêng lĩnh vực xuất khẩu, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6 đạt 10,18 tỷ USD, giảm 16,5% (tương ứng giảm 2,01 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 5. Tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15-6, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 111,26 tỷ USD, tăng 7,1% (tăng 7,36 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.
So với nửa cuối tháng 5/2019, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 6 biến động giảm ở một số mặt hàng như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 289 triệu USD (giảm 14,4%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 245 triệu USD (giảm 14,7%); máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 183 triệu USD (giảm 21,3%); hàng dệt may giảm 155 triệu USD (giảm 10%); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 105 triệu USD (giảm 20,9%); giày dép các loại giảm 103 triệu USD (giảm 11%); hàng thủy sản giảm 95 triệu USD (giảm 21,5%)...
Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt 6,81 tỷ USD, giảm 20,9% (tương ứng giảm 1,8 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 5/2019. Như vậy, tính đến hết ngày 15-6, tổng trị giá xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 76,84 tỷ USD, tăng 5,6% tương ứng tăng 4,09 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2018 và chiếm 69,1% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Về nhập khẩu, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6 đạt 9,69 tỷ USD, giảm 16,1% (giảm 1,86 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 5/2019. Tính chung đến hết ngày 15-6, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 111,19 tỷ USD, tăng 9,5% (tương ứng tăng 9,61 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.
So với nửa cuối tháng 5/2019, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 6/2019 biến động giảm ở một số mặt hàng như: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 207 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 157 triệu USD, điện thoại các loại và linh kiện giảm 113 triệu USD; vải các loại giảm 90 triệu USD; hóa chất giảm 62 triệu USD...
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 6 đạt 5,61 tỷ USD, giảm 13,5% (tương ứng giảm 872 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 5. Như vậy, tính đến hết ngày 15-6, tổng trị giá nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt 63,68 tỷ USD, tăng 6,9%, tương ứng tăng 4,11 tỷ USD, chiếm 57,3% tổng trị giá ngạch nhập khẩu của cả nước.
Kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tiếp tục giữ đà tăng trưởng
Trong năm 2019, Quốc hội đặt chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 7 – 8%. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn do thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động khó lường; nguy cơ leo thang của cuộc chiến tranh thương mại đang hiện hữu ảnh hưởng xấu tới chuỗi cung ứng trong khu vực gây khó khăn cho cho các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu ở trong nước.
Mặt khác, hành động của Mỹ áp thuế cao đối với các mặt hàng của Trung Quốc sẽ dẫn tới gia tăng các biện pháp giám sát chống lẩn tránh thuế để đảm bảo hàng hóa Trung Quốc không vào được thị trường Mỹ từ nước thứ ba. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam có thể cũng bị giám sát chặt chẽ và khả năng bị điều tra, áp thuế chống lẩn tránh có thể gia tăng. Việc bị hạn chế xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng buộc Trung Quốc phải gia tăng xuất khẩu vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trên thị trường trong nước. Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khó lường, gây nhiều thiệt hại trên diện rộng với chi phí khắc phục ngày càng lớn, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa cũng sẽ gặp nhiều thuận lợi nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, cũng như đổi mới trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực ngày 14/01/2019 và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết đang tạo ra sức hút mới cho các nhà đầu tư nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới… Đó là những yếu tố khả quan giúp cho kim ngạch xuất khẩu cả nước sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra.
Bùi Hạnh (tổng hợp)
18:01 14/11/2024
10:46 07/07/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão