Bãi cọc Đầm Thượng, xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên): Những nhận định quan trọng ban đầu về giá trị lịch sử

18:34 16/06/2020

Như Báo An ninh Hải Phòng đã đưa tin: Ngày 14-6, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng phối hợp Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), UBND huyện Thủy Nguyên tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khẩn cấp di tích bãi cọc Đầm Thượng, xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên). Ngoài cơ quan quản lý, hội thảo có sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành cả nước về lĩnh vực khảo cổ học, địa chất, lịch sử, dân tộc học... Còn rất nhiều điều bí ẩn và lý thú đang chờ được giải đáp song bước đầu hội nghị đưa ra nhận định: bãi cọc Đầm Thượng mang tính chất một trận địa thủy chiến, là một trong các điểm đánh chặn và tiêu diệt đoàn thuyền chiến của quân Nguyên trên đường rút lui năm 1288.

Thêm phát hiện quan trọng

 Đoàn khảo sát thực địa tại Bãi cọc Đầm Thượng, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên (Ảnh: Xuân Hạ)

Tháng 12-2019, trong quá trình khai quật lần thứ nhất di tích bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, Thủy Nguyên), cán bộ đoàn khai quật Viện Khảo cổ học và Phòng Văn hóa huyện Thủy Nguyên đã tiến hành khảo sát mở rộng ra các xã xung quanh, bao gồm: Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, Lại Xuân.

Tại khu vực xã Lại Xuân, từ thông tin ban đầu của người dân, đoàn đã đến khảo sát khu vực Đầm Thượng và ao nuôi cá nhà ông Đào Văn Đến, ở thôn 11. Theo phản ánh, trong quá trình đào ao, tại đây đã phát hiện một số cọc song thời điểm đó do nước đầy trong ao nên không quan sát được hiện trạng đáy.

Vào ngày 9-2-2020, khi tiến hành vét ao nuôi cá, gia đình ông Đến đã bất ngờ phát hiện một số cọc nổi lên dưới đáy ao. Ngay khi nhận tin, các nhà nghiên cứu thuộc Khoa lịch sử và Địa chất (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đến khảo sát. Kết quả cho thấy, nhiều đầu cọc đã xuất lộ phía đông nam của ao.

Ngày 12-2, một cuộc khảo sát tiếp theo được các nhà khảo cổ thực hiện, bước đầu đã phát hiện 13 cọc gỗ tại khu Đầm Thượng. Trong đó, nhiều đầu cọc có hiện tượng bị mòn, gãy, nứt nẻ. Trước tình trạng các cọc gỗ xuất lộ dễ bị hủy hoại do phơi ra môi trường tự nhiên, Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng đã đề xuất UBND thành phố cho phép Viện Khảo cổ phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên khai quật khẩn cấp trong diện tích 400m2 khu vực ao nhà ông Đào Văn Đến.

Sau hơn 4 tháng triển khai trong 2 đợt, đoàn đã khai quật 2 hố khai quật và 1 hố thám sát. Cũng trong thời gian này, việc san ủi đất trong khu vực nhà ông Nguyễn Văn Hay (cách ao cá nhà ông Đến 18 m về phía đông nam) đã làm xuất lộ nhiều cọc gỗ. Để kịp thời nghiên cứu, đoàn đã thực hiện 2 hố đào tại khu vực này.

Các cọc gỗ xuất lộ sau khai quật 

Kết quả, tại hố H1, phát hiện tổng số 11 cọc gỗ. Trong đó, hầu hết các cọc có hình dáng tự nhiên, một số còn dấu vết mắt gỗ, bị cong và thường có mộng khoét sơ sài ở phần dưới chân. 5 cọc có đường kính loại lớn (26-32cm), số còn lại có đường kính từ 9-16cm, chỉ xuất lộ 1 phần hoặc chỉ dài 50-80cm.

Đáng chú ý, một cọc có các dấu tích đặc biệt, gồm các mộng đuôi én và các cặp lỗ nhỏ thông nhau trên phần được xẻ bớt ½.

Tại hố H2, xuất lộ 6 cọc. Cọc cao nhất và có đường kính lớn nhất ở độ sâu -1,72m, phần xuất lộ dài 54cm. Các cọc khác kích thước nhỏ, đường kính chủ yếu từ 12-14cm, phần lớn chỉ còn một đoạn ngắn dưới chân, cắm xuống lớp bùn đen.

Tại hố khai quật H4 (được mở trong khu ruộng nhà ông Nguyễn Văn Hay), xuất lộ 19 cọc trải đều. Đường kính cọc nhỏ nhất 7cm, phổ biến 8-12cm, số ít có đường kính 15-20cm. Ngoài các hố khai quật, tại hố thám sát, đoàn phát hiện 1 cọc gỗ ở độ sâu -1,9m, dài 55cm, trong lớp bùn đen, phần đầu đã bị mục.

Một hố khai quật bãi cọc Đầm Thượng, xã Lại Xuân, Thủy Nguyên

Nghiên cứu ban đầu cho thấy: Đặc điểm của các bãi cọc không phải cọc kiến trúc hay phục vụ các mục đích dân sinh. Bãi cọc nằm ở vị trí chiến lược, án ngữ phía sau nút thắt tạo ra bởi các núi đá trên sông Đá Bạc và các núi trên sông Kinh Thầy.

Có thể thấy rõ tính chất quân sự của bãi cọc này. Sự có mặt của các cọc lớn, xen lẫn cọc nhỏ, được đóng rất chắc chắn xuống vùng đầm lầy ở phần giáp ngã ba sông, trong khi các cọc nhỏ hơn được đóng phía sau, trong phạm vi rất rộng cho thấy tính chất một trận địa vừa nhằm mục đích phòng thủ, ngăn chặn vừa nhằm tiêu diệt sinh lực địch.  

Từ một số dấu hiệu ban đầu, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết: bãi cọc Đầm Thượng là một trong các điểm đánh chặn và tiêu diệt đoàn thuyền chiến của quân Nguyên trên đường rút lui năm 1288.

Cơ quan quản lý nhận định gì?

Để bạn đọc hình dung rõ hơn về di tích bãi cọc Đầm Thượng, ngay sau hội thảo, phóng viên Báo ANHP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng.

- Thưa ông, căn cứ nào để bước đầu đưa ra nhận định bãi cọc Đầm Thượng có tính chất một trận địa?

Ông Lê Văn Quý: Đặc điểm của các cọc cho thấy đây không phải là cọc kiến trúc, cũng không phải cọc đáy, cọc kè đê hay phục vụ cho các mục đích dân sinh khác. Cũng chưa phát hiện thấy các dấu hiệu và di vật của di chỉ cư trú, bến cảng, kiến trúc... trong phạm vi khai quật.

Kết hợp với kết quả khảo sát cảnh quan và địa hình khu vực, có thể thấy bãi cọc nằm ở vị trí chiến lược, án ngữ phía sau nút thắt tạo ra bởi các núi đá trên sông Đá Bạc và Kinh Thầy, thể hiện rõ tính chất quân sự của bãi cọc này. Cùng với đó là sự có mặt của các cọc lớn, xen lẫn các cọc nhỏ, được đóng rất chắc chắn xuống vùng đầm lầy ở phần giáp ngã ba, trong khi các cọc nhỏ hơn được đóng phía sau, trong phạm vi rất rộng, cho thấy tính chất một trận địa vừa nhằm mục đích phòng thủ, ngăn chặn vừa nhằm tiêu diệt sinh lực địch.

Với giả thiết đặt ra đây là một bãi cọc trong một trận thủy chiến, các cọc phải nhô lên khỏi mặt bùn ít nhất 1-2m để phát huy tác dụng. Có thể dự đoán các cọc lớn tối thiểu dài 4-5m và việc bà con thông tin các cọc dài tới 6-7m là có khả năng.

Giả thuyết về lịch sử bãi cọc là gì, thưa ông?

Ông Lê Văn Quý: Bãi cọc được đóng từ bao giờ? Ai là chủ nhân của bãi cọc? Đây là các câu hỏi đang được tiếp tục nghiên cứu. Các mẫu gỗ và mẫu đất đang được tiến hành phân tích.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đặt ra nhiều giả thuyết khác nhau. Song từ kết quả khảo sát và khai quật, bước đầu có thể đánh giá một số điểm về bãi cọc Đầm Thượng nằm trong một địa điểm có tính chất chiến lược trên sông Đá Bạc nối với sông Bạch Đằng, nơi đã phát hiện ra nhiều cọc.

Trong đó, bãi cọc ở Yên Hưng (Quảng Ninh) đã được xác định do quân và dân triều Trần đóng trong trận chiến quân Nguyên năm 1288. Bãi cọc Cao Quỳ là phát hiện mới nhất, bước đầu được xác định có liên quan đến cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1288. Ngoài ra, đối diện với Đầm Thượng, bên kia sông Đá Bạc, các cuộc khai quật khảo cổ học gần đây đã phát hiện khu căn cứ địa thời Trần trong dãy núi Phượng Hoàng.

Với một số tín hiệu ban đầu, đoàn khai quật đưa ra giả thuyết bãi cọc là một trong các điểm đánh chặn và tiêu diệt đoàn thuyền chiến của quân Nguyên trên đường rút lui năm 1288. Tuy nhiên, giả thuyết này cần tiếp tục được kiểm chứng qua việc mở rộng phạm vi nghiên cứu khảo cổ học và các khoa học liên ngành (địa chất, địa mạo, cổ môi trường, lịch sử, tư liệu dân gian...) và việc nghiên cứu chi tiết hơn các chứng tích khảo cổ học và kết quả phân tích các mẫu vật thu được.

Vậy hướng nghiên cứu tiếp theo về bãi cọc Đầm Thượng là gì, thưa ông?

Ông Lê Văn Quý: Từ phát hiện ban đầu của người dân, tôi cho rằng đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt không chỉ về lịch sử mà cả dân tộc học. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện khai quật mở rộng các khu vực có cọc và tiến hành nghiên cứu, phân tích các mẫu gỗ và mẫu đất nhằm làm rõ hơn đặc điểm cũng như chức năng của di tích bãi cọc này.

Đặc biệt, cần nhanh chóng có phương án bảo tồn, bảo quản di tích, tiến tới lập hồ sơ công nhận di tích. Cùng với đó là mở rộng pham vi nghiên cứu khảo cổ học một số di tích khác thuộc khu vực tổng Trúc động xưa (huyện Thủy Nguyên ngày nay) và cả các khu vực lân cận để xây dựng một hồ sô đầy đủ cho các di tích có liên quan hoặc cùng loại ở khu vực này; đồng thời thực hiện các hướng nghiên cứu liên ngành: địa chất, địa mạo và môi trường cổ, lịch sử và sử liệu địa phương, truyền thuyết dân gian... Các hướng nghiên cứu trên nhằm làm rõ hơn các giả thuyết đặt ra về chức năng, chủ nhân, niên đại của di tích và mối liên hệ với các di tích khác thuộc hệ thống Bạch Đằng Giang.

Trên cơ sở đó sẽ đề nghị UBND thành phố Hải Phòng có phương án cụ thể bảo tồn, bảo quản di tích tiến tới lập hồ sơ công nhận di tích, đối với bãi cọc Đầm Thượng nói riêng và quần thể di tích gắn với trận chiến trên sông Bạch Đằng nói chung.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

* Tìm hiểu của PV, nhiều người dân thuộc xã Lại Xuân cho biết, từ lâu trong quá trình làm ruộng, đào ao đã phát hiện nhiều cọc ở khu Đầm Thượng. Theo đó, nhiều cọc đã bị chặt trước đây để cấy lúa, kéo cá hoặc lấy lên để xẻ làm ván.

Có thông tin cho thấy có cọc đường kính tới 50-60 cn, dài 5-6m. Cọc được cắm dày tới mức không cày được, phải dùng cuốc để làm đất. Sau này, khi đào ao do có máy xúc nên nhiều cọc được nhổ lên bằng máy.

THỦY NGUYÊN (thực hiện)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông