Bồi hồi ngày về lại Hải Phòng của hơn 200 cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc

22:34 07/12/2019

Tham gia chuyến tham quan lần này có hơn 200 cựu học sinh miền Nam đã từng có quãng thời gian sinh sống, học tập và gắn bó với thành phố Cảng. Trong sáng 7-12, đoàn đã làm lễ dâng hương tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại vườn hoa trung tâm và biểu tượng Hạt giống Đỏ; công trình cầu Hoàng Văn Thụ; Khu di tích danh thắng Tràng Kênh và trao tặng Hội cựu giáo chức và Quỹ khuyến học thành phố một thời họ trải qua tuổi thơ số tiền 200 triệu đồng...

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng đã trao tượng đồng Nữ tướng Lê Chân tặng Đoàn cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 65 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc và 50 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện Di chúc của Bác Hồ, sáng 7-12, Đoàn cựu học sinh miền Nam do ông Phan Túy, Phó Trưởng ban liên lạc cựu học sinh miền Nam Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Dược Hà Nội làm trưởng đoàn, đã về thăm Hải Phòng, nơi được coi là cái nôi lớn nhất nuôi dưỡng “Hạt giống Đỏ” học sinh miền Nam trưởng thành.

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã chủ trì buổi đón tiếp Đoàn cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc về thăm Hải Phòng. Cùng tiếp đoàn có các đồng chí: Lê Khắc Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Kim Pha, Chánh Văn phòng UBND thành phố; NGUT.PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT; bà Bùi Thị Sinh, Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam phát biểu tại buổi gặp mặt

Theo Hiệp định Genève 1954, bộ đội và cán bộ miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào phải tập kết ra Bắc. Trong điều khoản không nói tới lực lượng tập kết là thiếu nhi và học sinh. Nhưng nhìn xa hiểu rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định đưa một số lớn học sinh, thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc học tập trong thời gian tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Đây là những “Hạt giống Đỏ” trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Chỉ sau một thời gian ngắn, hệ thống các trường học sinh miền Nam được thành lập tại nhiều địa phương. Đầu năm 1955, trên miền Bắc có 5 cụm trường: Hải Phòng, Hà Đông, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam với 17.500 học sinh cấp I, II, III phổ thông và bổ túc văn hóa. Đến năm 1955, trên toàn miền Bắc có khoảng 32.000 học sinh, riêng Hải Phòng có 15.000 học sinh học tại gần 20 trường. Vì vậy, Hải Phòng được coi là cái nôi lớn nhất nuôi dưỡng “Hạt giống Đỏ” học sinh miền Nam trưởng thành.

Đoàn cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc trao 200 triệu đồng tặng Hội Cựu giáo chức Hải Phòng và Sở GD-ĐT để đóng góp vào Quỹ Khuyến học của thành phố Hải Phòng

Tuy chỉ tồn tại và phát triển trong 21 năm (1954-1975), song hệ thống 28 trường học sinh miền Nam trên đất Bắc tổ chức nuôi dạy và đào tạo cho đất nước hơn 32.000 cán bộ có trình độ chính trị, văn hóa chất lượng cao. Nhiều người trong số này trở thành lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội; nhiều tướng lĩnh cấp cao trong các lực lượng vũ trang; nhiều nghệ sỹ tài giỏi trong các ngành nghệ thuật. Hiện tại, nhiều người vẫn đảm nhận những trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Tham gia chuyến tham quan lần này có hơn 200 cựu học sinh miền Nam đã từng có quãng thời gian sinh sống, học tập và gắn bó với thành phố Cảng. Trong buổi sáng 7-12, đoàn đã làm lễ dâng hương tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại vườn hoa trung tâm và biểu tượng Hạt giống Đỏ; công trình cầu Hoàng Văn Thụ; Khu di tích danh thắng Tràng Kênh.

Đoàn cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc tham quan Tượng đài Nữ tướng Lê Chân

Dù đã trải qua hành trình từ TP Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội ngày 6-12, rồi đến thành phố Hải Phòng vào sáng 7-12, nhiều cựu học sinh đã ở tuổi thất thập cho biết đã bồi hồi suốt đêm, khởi hành từ 6h sáng để về với Hải Phòng. Trong đoàn có người đã 92 tuổi, song các cựu học sinh không bỏ qua bất kỳ một điểm tham quan nào trong hành trình.

Vẻ đẹp khang trang hiện đại và các công trình văn hóa lưu giữ khí thế hào hùng của người xưa cùng tồn tại song hành trong đô thị Hải Phòng hôm nay đã mang đến các thành viên trong đoàn niềm cảm khái về sự phát triển mạnh mẽ của thành phố.

Nhiều năm trở lại Hải Phòng, nhiều cựu học sinh ngỡ ngàng trước sự phát triển của thành phố

Một vợ chồng cựu học sinh cho biết, những năm cùng là học sinh miền Nam ra Bắc gặp nhau tại Hải Phòng đã không chỉ cưu mang họ những năm tháng chiến tranh, mà còn là nơi giúp họ gắn kết, có những kỷ niệm không thể nào quên đi suốt cuộc đời. Về Hải Phòng hôm nay vừa để tìm lại dấu ấn ngày xưa và cảm thấy vui khi thành phố phát triển mạnh mẽ…

Tại tiệc tiếp xúc Đoàn cựu học sinh miền Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam đã phát biểu chào mừng các thế hệ học sinh miền Nam năm xưa về thăm và tri ân Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng. Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí gửi tới các thành viên trong đoàn lời chúc sức khỏe và những tình cảm thương mến nhất.

Biểu tượng Hạt giống Đỏ - một điểm tham quan của Đoàn cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc tại Hải Phòng

Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã thông tin với Đoàn về tình hình phát triển kinh tế xã hội thành phố có những phát triển đột phá trong những năm gần đây và định hướng phát triển của Hải Phòng được xác định tại Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp CNH, HĐH; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước…

Thay mặt lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng đã trao tượng đồng Nữ tướng Lê Chân tặng Đoàn cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc. Đoàn cũng đã trao 100 triệu đồng tặng Hội Cựu giáo chức thành phố Hải Phòng; trao 100 triệu đồng tặng Sở GD-ĐT để đóng góp vào Quỹ Khuyến học của thành phố Hải Phòng…

Đoàn đã đi tham quan Khu di tích danh thắng Tràng Kênh

Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa của Ban liên lạc cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc nhằm kỷ niệm 65 năm trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc và 50 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Dịp này có trên 3 nghìn cựu học sinh miền Nam sẽ tham gia các hoạt động tại các tỉnh phía Bắc. Đây là dịp để các cựu học sinh miền Nam ôn lại những tình cảm thầy trò, bạn học gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, hy sinh gian khổ để giành độc lập tự do cho dân tộc, thực hiện một chủ trương lớn của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chuẩn bị cán bộ cho cách mạng miền Nam, góp phần hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa đất nước vào kỷ nguyên phát triển mới.

HẢI HẬU

 

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông