Giành chiếc ghế Tổng giám đốc đang bỏ trống của định chế tài chính lớn nhất thế giới đang là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các nước mới nổi và châu Âu.
| Một phiên họp của IMF |
Nếu vụ án “cưỡng dâm” không được tháo gỡ nhanh chóng thì IMF sẽ phải có thông cáo chính thức về số phận của người đứng đầu tổ chức, rằng liệu ông Strauss-Kahn sẽ phải từ chức hay sẽ bị thay thế bằng một người khác. Hôm 15-5, IMF mới chỉ bổ nhiệm quan chức số hai trong tổ chức này là ông John Lipsky đảm nhận chứcquyền Tổng giám đốcIMF trong thời gian ông Strauss-Kahn vắng mặt mà thôi.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã nói rằng hiển nhiên là ông không chạy đua vào chiếc ghế bỏ trống đó. Bởi theo truyền thống thì thường là châu Âu nắm IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) còn Mỹ thì sẽ nắm WB (Ngân hàng thế giới). Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tiếng nói từ các nền kinh tế mới nổi, đề xuất ý kiến rằng người nằm giữ chiếc ghế Tổng giám đốc không nhất thiết phải là một người phương Tây. Ý kiến này khiến Liên minh châu Âu (EU) lo ngại về khả năng bị mất chiếc ghế lãnh đạo IMF, vốn do châu Âu nắm giữ liên tục từ năm 1946.
Châu Âu cho rằng một trong những mục tiêu hàng đầu của IMF bây giờ là giải quyết món nợ ở khu vực đồng tiền chung Euro, vì thế người nắm giữ cương vị đứng đầu IMF nên là một nhân vật xuất thân từ lục địa già. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh “châu Âu có những ứng cử viên phù hợp để đề cử” vào chức vụ Tổng giám đốc IMF.Chủ tịch EC Jose Barroso cũng nói với đài truyền hình của Hà Lan rằng, nếu phải tiến hành bầu một Tổng giám đốc mới của IMF, châu Âu cần đề cử một ứng cử viên.Những nhân vật được đề cập đến như những ứng cử viên sáng giá cho chức vụ này gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Đức, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ba Lan và Bộ trưởng Tài chính Pháp.
Về phía châu Á, theo trang tin Asia Channel News, Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam hiện được coi là một trong những người dẫn đầu trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng giám đốc IMF, tiếp đó là vị Thống đốc Ngân hàng Mexico và cựu Bộ trưởng Tài chính Nam Phi cùng một số quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Trong khi đó, giới quan sát đánh giá Trung Quốc có vẻ là một lựa chọn rõ ràng, bởi có quy mô kinh tế và sức ảnh hưởng với thế giới của quốc gia châu Á này đang trở nên rõ ràng hơn.Tuy nhiên, người Trung Quốc chưa được nhiều nước láng giềng lớn ở châu Á cũng như phương Tây ủng hộ.
Một ứng cử viên người Nhật Bản luôn được xem là lựa chọn hàng đầu, vì nước này từ lâu đã là một nền kinh tế phát triển, và đóng vai trò quan trọng trong IMF. Còn nếu cương vị lãnh đạo về tay một ứng viên người Hàn Quốc, rất có thể sẽ dẫn tới quan điểm cho rằng Hàn Quốc “quá được ưu ái” khi nắm cả vị trí hàng đầu ở LHQ lẫn tại IMF. Tổng thư ký Liên hợp quốc đương nhiệm, ông Ban Ki-moon nhiều khả năng sẽ làm thêm một nhiệm kỳ nữa. Hơn nữa, Hàn Quốc là một quốc gia khá nhỏ, trong khi các đời Tổng giám đốc IMF người châu Âu đều từ các nước lớn.
Hiện nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barck Obama vẫn chưa có phản hồi chính thức nào về vụ bê bối liên quan đến ông Tổng giám đốc IMF, để tránh làm bùng lên những cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề nhạy cảm này. Người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney cho biết: “Chúng tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng vào IMF và hy vọng định chế này sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như vai trò của mình đối với nền kinh tế thế giới trong thời điểm khó khăn hiện nay”.
VIỆT ANH (tổng hợp) |