10:08 29/10/2024 Bài 2: Mẫu hóa, quy trình hóa để cải cách
Cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động của các cơ quan Đảng là quá trình liên tục, đặt trong tổng thể cải cách hành chính của hệ thống chính trị, nhằm góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong các lĩnh vực chính trị, KT-XH, QP-AN. Trọng tâm của cải cách thủ tục hành chính trong Đảng là cải cách thủ tục trong công tác xây dựng và ban hành văn kiện của cấp ủy các cấp; trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền; trong công tác cán bộ của các cấp ủy; trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng; trong ứng dụng công nghệ thông tin… Đây đều là những việc khó nhưng khi đã quyết liệt, quyết tâm thì khó mấy cũng làm được và thực tế tại Hải Phòng đã chứng minh điều đó.
Những tấm gương đi đầu
Đồng chí Lê Ngọc Trữ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Hồng Bàng là người luôn trăn trở với công tác cải cách hành chính của địa phương nói chung và cải cách hành chính Đảng nói riêng.
Bởi vậy, là người đứng đầu quận Hồng Bàng, đồng chí đã truyền cảm hứng tới tất cả các ban, ngành, đơn vị, các phòng, các phường về cải cách hành chính mà trọng tâm là ứng dụng CNTT và quận Hồng Bàng luôn phát huy vai trò đi trước, đón đầu trong CCHC Đảng.
Cụ thể, từ năm 2016, Ban Thường vụ Quận ủy ban hành Quyết định số 335-QĐ/QU, áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Theo đó, đã quy trình hóa 22 thủ tục bao gồm: quy trình thành lập, chia tách, sáp nhập, chuyển giao, tiếp nhận giải thể tổ chức Đảng; quy trình kết nạp, chuyển chính thức, cấp thẻ Đảng; quy trình xét trao tặng Huy hiệu Đảng; quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo bồi dưỡng cán bộ…
Theo đồng chí Đỗ Việt Hưng, Phó bí thư Thường trực Quận ủy Hồng Bàng, qua các năm, các quy trình thủ tục tiếp tục được hoàn thiện và chuẩn hóa. Đến nay, quận xây dựng được 45 quy trình cụ thể trong công tác tổ chức, tuyên giáo, kiểm tra, văn phòng…
Nhưng quan trọng hơn cả là Quận ủy Hồng Bàng ứng dụng mạnh mẽ CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách hành chính Đảng. Hồng Bàng là một trong những địa phương đi đầu trong khối quận uỷ, huyện uỷ của thành phố quản lý, khai thác, sử dụng phần mềm quản lý văn bản Hpnet - eOffice trên mạng Internet, triển khai từ quận đến 100% các phường, 100% văn bản được xử lý trên môi trường mạng (trừ văn bản mật), triển khai tích hợp chữ ký số chuyên dùng để thực hiện ký số văn bản điện tử.
Phần mềm khi được đưa vào sử dụng đã góp phần giúp công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện quy trình xử lý văn bản đi đến, tra cứu, lập hồ sơ công việc…được thao tác một cách đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả xử lý công việc từ đó được cải thiện, nâng lên rõ rệt.
Theo Phó bí thư Quận ủy Đỗ Việt Hưng, mỗi năm, quận xử lý khoảng 4000 văn bản đi; 2500 văn bản đến; mỗi năm ký khoảng 1500 văn bản về kết nạp đảng viên, chuyển Đảng chính thức…
Nhờ các quy trình, thủ tục được chuẩn hóa và ứng dụng CNTT nên rút ngắn đáng kể thời gian xử lý, giảm thời gian, giảm việc các tổ chức Đảng, đảng viên phải trực tiếp tới cơ quan Quận ủy để giải quyết công việc.
Các cuộc họp của Quận ủy, UBND quận giờ đây đều “không giấy”, mỗi năm, quận tiết kiệm được khối lượng văn phòng phẩm không nhỏ mà chất lượng, hiệu quả được nâng cao.
Ngoài ra, Hồng Bàng cũng là địa phương đầu tiên của Hải Phòng ra mắt ấn phẩm điện tử “Bản tin Đảng bộ quận Hồng Bàng” trên nền tảng điện tử với tính năng nổi bật là tích hợp dữ liệu file, chuyển đổi file text thành file nói, sử dụng giọng đọc trí tuệ nhân tạo AI. Từ đây, cán bộ, đảng viên, kể cả người cao tuổi có thể tiếp cận thông tin về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quận ủy một cách dễ dàng và thuận tiện.
Cùng với đó, quận ra mắt thiết kế ứng dụng số quản lý sinh hoạt chi bộ, góp phần hỗ trợ đắc lực cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền, tiếp cận thông tin, tài liệu; theo dõi, tương tác, tham gia đóng góp ý kiến, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Quận ủy Ngô Quyền cũng có nhiều cách làm bài bản, hiệu quả trong CCHC Đảng. Đồng chí Phạm Văn Hà, Bí thư Quận ủy Ngô Quyền cho biết: việc xây dựng các quy trình nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng là cần thiết giúp cho các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Quận ủy, các cấp ủy cơ sở xác định rõ mục tiêu, các bước thực hiện một cách logic, khoa học, dễ thực hiện.
Đến nay, Quận ủy đã xây dựng 9 quy trìnhnghiệp vụ về công tác tổ chức xây dựng Đảng nhằm cụ thể hóa các khâu, các bước, mẫu hoá giúp các tổ chức đảng dễ dàng áp dụng, triển khaigồm sinh hoạt chi bộ thường kỳ; sinh hoạt chi bộ chuyên đề; kết nạp đảng viên; chuyển đảng chính thức; xét tặng huy hiệu Đảng; quy trình chuyển sinh hoạt đảng chính thức; quy trình chuyển sinh hoạt đảng tạm thời; quy trình thành lập tổ chức đảng theo Nghị quyết 28-NQ/TU; quy trình gợi ý kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12; Kết luận số 21-KL/TW khóa 13.
Cùng với đó, đã thể chế hóa bằng 1 kết luận, 1 kế hoạch, 9 quy định và 1 quy trình về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ với nhiều nội dung tiên tiến. Đối với các chức danh cán bộ diện Thành uỷ, Quận uỷ quản lý, một số tiêu chuẩn cán bộ của quận có yêu cầu cao hơn mức chuẩn chung so với quy định của Trung ương, Thành ủy, góp phần nâng cao chất lượng, chuẩn hoá đội ngũ, đáp ứng yêu cầu phát triển quận trong tình hình mới.
Quận ủy Ngô Quyền chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Quận ủy xây dựng hệ thống hoá 5 quy trình của cấp uỷ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và xây dựng 259 biểu mẫu (áp dụng riêng cho cấp quận, Đảng ủy cơ sở và các chi bộ); ban hành sổ tay nghiệp vụ hỏi đáp, tổ chức tập huấn theo nhóm đối tượng đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện khoa học, bài bản, đúng quy trình, quy định, theo phân cấp, rõ thẩm quyền, khắc phục những khó khăn trong thực hiện quy trình, các bước của các cuộc kiểm tra, giám sát.
Đáng chú ý, để CCHC Đảng, phương thức lãnh đạo của cấp ủy tại quận Ngô Quyền được đổi mới theo hướng sâu sát cụ thể, chi tiết, có chiều sâu, tầm nhìn dài hạn; giao nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả, rõ tiến độ gắn với hướng dẫn thực hiện, đôn đốc, kiểm tra sát sao, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, biểu dương, khen thưởng, kiểm điểm, phê bình kịp thời.
Thực hiện Chương trình 72 của Thành ủy, Quận ủy Ngô Quyền đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị rà soát rút ngắn các quy trình đã ban hành theo hướng tinh gọn, đơn giản và nâng cao chất lượng xử lý trong từng khâu của quy trình. Trong năm 2024, Quận ủy Ngô Quyền giao Ban Tổ chức Quận ủy xây dựng quy trình chuẩn bị, tổ chức Đại hội Đảng cấp quận và cấp cơ sở đối với các loại hình tổ chức cơ sở đảng (đã hoàn thành mẫu hóa, xây dựng 9 bộ quy trình và các biểu mẫu hướng dẫn chi tiết); quy trình thẩm định, kết luận về tiêu chuẩn chính trị phục vụ công tác cán bộ, công tác kết nạp quần chúng xin vào Đảng; quy trình quản lý cán bộ, đảng viên đi công tác, học tập, tham quan, du lịch, đi việc riêng ra nước ngoài; cán bộ đi ra ngoài thành phố; quy trình theo dõi, đánh giá cán bộ luân chuyển, điều động. Ban Tuyên giáo Quận ủy tham mưu xây dựng quy trình về sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Quận ủy; quy trình quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng.
Văn phòng Quận ủy tham mưu xây dựng quy trình xử lý văn bản trên trục liên thông văn bản điện tử; quy trình xây dựng Chương trình công tác của Quận ủy, Ban Thường vụ Quận ủy. Ủy ban Kiểm tra Quận ủy tham mưu xây dựng quy trình xử lý đơn thư của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cơ sở. Ban Dân vận Quận ủy tham mưu xây dựng quy trình phê duyệt chương trình giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội quận; quy trình theo dõi, đánh giá chất lượng mô hình “Dân vận khéo”…
Theo Bí thư Quận ủy Lê Chân Trần Thu Hương, công việc trọng tâm thực hiện CCHC Đảng của quận hiện nay tập trung ứng dụng CNTT, xây dựng bộ quy trình về xử lý công việc; quy định rõ thời gian tối đa phải xử lý, giải quyết đối với các công việc liên quan tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Quận ủy; quy trình theo dõi tiến độ thực hiện; quản lý văn bản trên trang quản lý văn bản Hpnet-eOffice… Nhiều công việc đã được xử lý rất nhanh, đáp ứng yêu cầu phát triển của quận.
Đồng chí Đào Phú Thùy Dương, Bí thư Đảng ủy Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, trước đây, thủ tục, thời gian kết nạp Đảng cho đảng viên làm việc tại các doanh nghiệp FDI thường rất lâu, có trường hợp phải mất tới 6 tháng- 1 năm do phải xác minh lý lịch ở tỉnh ngoài và cần có xác nhận của công an. Nhưng gần đây, công việc này được rút ngắn đáng kể nhờ ký kết quy chế phối hợp giữa BQLKKT Hải Phòng và Công an Hải Phòng cùng quy trình hóa, mẫu hóa thủ tục, hồ sơ kết nạp Đảng. Nhờ vậy mà Đảng ủy Khu Kinh tế luôn hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu kết nạp đảng viên. 9 tháng năm 2024, đã kết nạp 213 đảng viên mới (đạt 112% chỉ tiêu của Thành ủy giao; 349% chỉ tiêu theo Nghị quyết 28)...
Quyết tâm tạo chuyển biến
Tại các cuộc họp của Thành ủy, đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu luôn yêu cầu Văn phòng Thành ủy báo cáo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Thành ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy giao các ngành, các địa phương, biểu dương kịp thời các đơn vị làm tốt, phê bình đơn vị làm chậm, thậm chí xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để công việc kéo dài quá lâu, không đáp ứng được yêu cầu. Đây cũng được coi là sự cải cách rất quan trọng trong công tác lãnh đạo của Thành ủy Hải Phòng để rút ngắn thời gian, thủ tục, sớm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển thành phố.
Điều đáng ghi nhận là hầu hết các công việc liên quan tới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy giờ đây được đẩy nhanh hơn rất nhiều nhờ các cơ quan, đơn vị trong hệ thống Đảng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng kế hoạch hóa, chương trình hóa, đề cao trách nhiệm cá nhân theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và thời gian hoàn thành. Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong hoạt động của cấp ủy, Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy nhằm giảm bớt thủ tục hành chính trong Đảng và rút gọn thời gian, các khâu trong giải quyết công việc.
Thực hiện Chương trình 72, Văn phòng Thành ủy; các Ban Xây dựng Đảng của Thành ủy đang khẩn trương hoàn thành các quy trình, thủ tục, đáp ứng yêu cầu CCHC Đảng với mục tiêu trong năm 2024, 100% các cơ quan, đơn vị trong hệ thống Đảng chuẩn hóa quy trình, thủ tục, giải quyết hồ sơ, công việc của đơn vị mình, xây dựng và ban hành công khai Bộ quy trình xử lý công việc.
Theo đó, Văn phòng Thành ủy chủ trì tham mưu xây dựng quy trình về xử lý văn bản của Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ, Thường trực Thành uỷ, các đồng chí Thường trực Thành uỷ, trong đó quy định về thời gian tiếp nhận, trình tự xử lý và thông báo kết quả xử lý hoặc chủ trương của cấp ủy.
Ban Tuyên giáo Thành uỷ chủ trì, tham mưu xây dựng quy trình về sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận ... của Trung ương và Thành uỷ.
Ban Tổ chức Thành ủy có kế hoạch xây dựng các quy trình liên quan tới công tác cán bộ như thẩm định, kết luận tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên; quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đối với nguồn nhân sự tại chỗ; quy trình bổ nhiệm lại cán bộ; xây dựng thí điểm phần mềm hỗ trợ đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân, cán bộ diện Thành ủy quản lý; tiêu chí thực hiện CCHC Đảng trong các cơ quan để đánh giá, xếp loại thi đua…
Cùng với đó, Thành ủy Hải Phòng cũng có chỉ đạo cụ thể, rõ ràng trong đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng, đoàn thể để thúc đẩy nhanh quá trình CCHC Đảng.
Trong quá trình thực hiện CCHC Đảng, hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan tới bộ máy, nhân lực, sự tương thích, đồng bộ giữa các phần mềm đang được ứng dụng; mức đầu tư cho CNTT để thực hiện CCHC Đảng tại các đơn vị, địa phương… Tất cả những vấn đề này đang được Thành ủy Hải Phòng tập trung chỉ đạo, khắc phục bằng được những điểm nghẽn, rào cản để công cuộc CCHC Đảng tại Hải Phòng đạt kết quả toàn diện, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển thành phố.
Cải cách hành chính trong Đảng là nội dung quan trọng, là quá trình liên tục đặt trong tổng thể cải cách hành chính của hệ thống chính trị nhằm góp phần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội cũng như công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới. Thực chất cải cách hành chính trong Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng, là đổi mới ở cấp độ cao hơn, mạnh mẽ hơn nội dung, phương pháp, lề lối làm việc của các cấp ủy, cơ quan của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.
Công tác cải cách hành chính trong Đảng được đề cập tại Nghị quyết Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30/7/2007 (Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5, khóa 10) về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”.
Kết luận số 82-KL/TW, ngày 16/8/2010 của Bộ Chính trị về cải cách thủ tục hành chính trong Đảng xác định rõ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ và các giải pháp về cải cách hành chính trong Đảng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tại đảng bộ, chi bộ.
Chủ trương cải cách hành chính Đảng cũng được thể hiện rõ trong các văn kiện đại hội 12; đại hội 13 của Đảng.
Hội nghị Trung ương 6 (khóa 13) đã tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết 15 về ngày 30/7/2007 về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” và ban hành nghị quyết 28 ngày 17-11- 2022 về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”. Trong đó, cũng xác định rõ: đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Ðảng từ Trung ương tới cơ sở.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024