Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi giới chức y tế các nước thựchiện biện pháp khẩn cấp để phòng chống hiểm họa vi khuẩn siêu khángthuốc lây lan rộng trên toàn cầu.
| Nguồn gốc siêu vi khuẩn kháng thuốc được cho là từ Ấn Độ |
Trong tuyên bố phát đi toàn thế giới ngày 20-8, , WHO nhấn mạnh mạng lưới y tế toàn cầu, bao gồm bệnh nhân, bệnh viện, chính phủ, phòng thí nghiệm, công ty dược phẩm và bác sĩ thú y, đều phải được cảnh báo về vấn đề vi khuẩn kháng thuốc và cần phải đưa ra hành động thích hợp. Các chuyên gia của WHO nhấn mạnh vi khuẩn siêu kháng thuốc đang tạo ra một vấn đề y tế cộng đồng "ngày càng lớn và có quy mô toàn cầu". Do vậy, việc đề ra những biện pháp kiểm soát sự lây nhiễm của những loại vi khuẩn kháng thuốc cũng như thận trọng trong việc sử dụng kháng sinh là rất cần thiết.
Trước đó, hôm 11-8, nhóm nghiên cứu y học ở trường Đại học Cardiff (Anh) do chuyên gia Timothy Walsh đưng đầu đã cảnh báo với thế giới về một loại siêu vi khuẩn tiết ra men NDM-1 có thể kháng lại hầu hết các loại kháng sinh cực mạnh, bao gồm cả kháng sinh mạnh nhất hiện nay là carbapenem. Loại siêu vi khuẩn này bắt nguồn từ các bệnh viện của Pakistan và Ấn Độ, lây lan qua các khách du lịch chữa bệnh, chủ yếu là tới Nam Á để phẫu thuật thẩm mỹ. Họ cho biết bệnh đã lan rộng từ các nước Nam Á sang Anh và có thể lan ra toàn thế giới, đồng thời khẳng định trong tương lai gần chưa có loại thuốc nào có khả năng đối phó với căn bệnh này.
Sau khi các nhà khoa học Anh lên tiếng, ông Abdul Ghaffar, chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ cho biết, lạm dụng thuốc kháng sinh là nguyên nhân xuất hiện siêu vi khuẩn.Ấn Độ là quốc gia diễn ra hiện tượng lạm dụng thuốc kháng sinh nghiêm trọng nhất thế giới, khiến cho một số thuốc kháng sinh không thế phát huy tác dụng chống vi khuẩn đối với 60-70% dân số. Trong khi đó tỷ lệ này ở các nước phát triển bình quân chỉ là 15%. Ông Abdul Ghaffar cũng cho biết loại siêu vi khuẩn mới chỉ truyền nhiễm trong phạm vi các bệnh viện, chưa có báo cáo về việc truyền nhiễm trong các khu dân cư. Tuy nhiên, giới chức y tế Mỹ cho biết đến nay, họ đã ghi nhận ba trường hợp mắc vi khuẩn này ở Mỹ - tất cả đều là những bệnh nhân vừa tới Ấn Độ chữa bệnh.
Trước nguy cơ xảy ra một đợt dịch bệnh lớn, WHO cho rằng các biện pháp phòng ngừa của các nước cần tập trung vào bốn lĩnh vực chủ yếu, gồm giám sát và phát hiện sớm loại vi khuẩn kháng thuốc, sử dụng thuốc kháng sinh hợp tiêu chuẩn, tăng cường thực thi luật để hạn chế việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát, đặc biệt là vô trùng trong các cơ sở y tế. Ngay sau lời kêu gọi của WHO, nhiều nước đã ban hành và thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát và ngăn ngừa này, nhờ đó có thể làm giảm sự lan truyền của các loại vi khuẩn kháng thuốc.
Ngoài các biện pháp kiểm soát lây nhiễm tại các bệnh viện, siết chặt các chính sách về sử dụng thận trọng thuốc kháng sinh, WHO cũng yêu cầu các nước nghiên cứu sâu hơn về quy mô và các hình thức lan truyền của các loại vi khuẩn này để tìm ra các biện pháp kiểm soát hiệu quả nhất. WHO sẽ hỗ trợ các nước phát triển các chính sách phù hợp và phối hợp các nỗ lực quốc tế để chống các loại vi khuẩn này. Đây cũng là chủ đề của Ngày Sức khỏe thế giới năm 2011.
Theo tiến sỹ Graham Harrison, cán bộ phụ trách văn phòng WHO tại Việt Nam, WHO chưa nhận thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự lây lan trong cộng đồng của loại vi khuẩn đa kháng thuốc NDM-1. Ông khẳng định: “Các sinh vật đa kháng thuốc đã từng xuất hiện và người dân không nên lo lắng quá mức”.
VIỆT ANH (tổng hợp) |