15:47 27/07/2020 Năm 1972, nạn sử dụng thuyền áp sát các phương tiện vận tải tuyến đường thủy xuất phát từ cảng Hải Phòng đi các nơi để trộm cắp tài sản, tham ô tài sản chủ yếu là lương thực hay gòn gọi là bám “míc” diễn ra rất táo tợn.
Để chặn đứng tình trạng trên, tháng 5-1972, Giám đốc Sở Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa và đấu tranh kiên quyết với loại tội phạm này.
Đồng thời, Giám đốc Sở Công an thành phố khi đó là đồng chí Trần Đông trực tiếp giao nhiệm vụ cho Công an huyện An Thụy (là huyện An Lão và Kiến Thụy) phối hợp cùng lực lượng cảnh sát đường sông tổ chức bắt quả tang một số vụ để xử lý điểm.
Ở địa bàn huyện An Thụy khi đó có đến 18 xã ven sông. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn về lương thực thực phẩm, những chuyến hàng vận chuyển qua đây chính là mục tiêu các đối tượng lợi dụng ban đêm bám “míc” mua bán, tham ô, trộm cắp tài sản XHCN. Đêm đêm, mỗ khi có “míc” chạy qua, thuyền mủng lao ra tơi tới trao đổi mua bán lương thực.
Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Sở, Công an huyện An Thụy và lực lượng cảnh sát đường sông khẩn trương xác lập chuyên án đặc biệt với yêu cầu: phải bắt quả tang các đối tượng tham ô, trộm cắp tài sản XHCN cũng như một số đối tượng mua bán, tiêu thụ đưa ra xét xử điểm nhằm góp phần răn đe, tạo điểm tựa để phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an toàn tài sản XHCN.
Đồng thời giao cho đồng chí Nguyên Văn Cáp, Trưởng Công an huyện (sau này là Phó Giám đốc CATP) và đồng chí Phạm Hiệp, Đội trưởng Hình sự (sau này là Phó Giám đốc CATP) tham gia chỉ huy phá án.
Thực hiện nghiêm kế hoạch, Công an huyện An Thụy đã huy động gần 20 cán bộ, chiến sỹ có kinh nghiệm hoạt động trên sông vào tổ công tác đặc biệt; lực lượng công an trên sông (nay là Cảnh sát Đường thủy) cũng cử một tổ công tác gồm 4 cán bộ, chiến sỹ, Công an Cảng cử 3 cán bộ, chiến sỹ cùng tham gia chuyên án...
Tuy nhiên, phương tiện phục vụ cho đấu tranh chuyên án lúc đó rất khó khăn, duy nhất chỉ có một xuồng máy của Cảnh sát Đường sông và một bộ đàm. Song yêu cầu đặt ra là trong bất kể điều kiện nào cũng phải bắt quả tang các đối tượng. Bởi vậy, sau khi khảo sát, Ban chuyên án quyết định bố trí lực lượng phục kích, nắm bắt quy luật hoạt động của các đối tượng tại vụng Liễu Dinh (xã Trường Thọ), Tri Lai (xã Trường Thành), Câu Thượng (xã Quang Trung), Kênh Đồng (xã Bát Trang).
Vào thời gian đó, đầu những ngày hè nắng nóng, trên trời máy bay địch quần đảo trinh sát, đánh phá. Ban ngày, các tổ công tác cắt cử trinh sát theo dõi xem đối tượng nào hay lui tới đây, ban đêm trinh sát lại bám dọc tuyến sông để nắm bắt quy luật hoạt động. Tất cả cán bộ, chiến sỹ tham gia chuyên án đều phải ăn ở tập trung tại công an huyện và cứ 16h hàng ngày lại có mặt tại vị trí phục kích. Một tuần, rồi hai tuần, các đồng chí ta có lúc đã thấy bải hoải vì thời tiết nóng ghê người.
Đặc biệt, đối với xuồng máy của lực lượng Cảnh sát Đường sông tham gia chuyên án, ban ngày phải phủ cói ngụy trang để ở gần trọng điểm Tri Lai. Công an huyện bố trí một cơ sở quần chúng chăn nuôi ở khu vực đó bảo vệ, giữ được bí mật cho đến khi phá án. Sau 4 tuần triển khai, nắm khá đầy đủ phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm pháp của đối tượng, Ban chuyên án ra quyết định phá án.
Đến trung tuần tháng 6-1972, đúng nửa đêm về sáng, trinh sát phục kích tại vụng Liễu Dinh, phát hiện một xà lan tự hành đến gần khu vực này rồi cho máy nổ nhỏ dần, sau đó tắt hẳn để “míc” trôi trên sông. Từ trong bờ, các thuyền nan nhỏ lao ra giữa sông. Khi áp mạn, các đối tượng leo lên “míc” rất nhanh rồi thi nhau chuyển những bao gạo xuống thuyền.
Tại nơi phục kích sẵn, trinh sát nổ súng phát lệnh tấn công, lập tức chiếc xuồng máy của Ban chuyên án lao vun vút đưa một tổ công tác áp sát “míc” rồi các mũi khác cũng kịp thời ập đến. Thuyền viên và các đối tượng chạy nháo nhác định phi tang các bao gạo xuống sông nhưng không thoát. Lúc đó thuyền trưởng là Nguyễn Văn Kịch cùng 5 thủy thủ khác cũng không kịp trở tay.
Khi thành viên Ban chuyên án tiến hành kiểm tra trong tủ của thuyền trưởng vẫn còn những gói tiền mới nhận của các đối tượng vứt ngổn ngang và Nguyễn Văn Kịch đã thừa nhận hành vi thực hiện tham ô gạo, bán cho đối tượng chuyên bám “míc” trên sông. Lực lượng phá án đã lập biên bản bắt quả tang và yêu cầu đưa người, phương tiện về Chi Lai.
Trong lúc Ban chuyên án nổ súng xây bắt, một số đối tượng đã nhảy xuống sông, bơi vào bờ. Sau một hồi tìm kiếm, đến đoạn lạch hướng vào khu vực nghĩa trang thuộc cánh đồng thôn Liễu Dinh, trinh sát phát hiện có dấu vết kéo hàng nặng, tiến hành kiểm tra khu vực xung quanh, phát hiện 10 bao gạo ngấm nước được xếp gọn gàng. Tại cơ quan công an, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội.
Khoảng 3 tuần sau, vụ án được xét xử công khai. Hơn 10 đối tượng đã bị truy tố về các tội: tham ô tài sản XHCN, tiêu thụ trái pháp tài sản XHCN, hủy hoại tài sản XHCN. Chuyên án thành công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là ngăn chặn nạn bám “míc” cũng như vấn nạn tham ô, mua bán, tiêu thụ tài sản XHCN của những đối tượng xấu từng lợi dụng sơ hở trong quản lý, góp phần cung cấp những hàng hóa chiến lược cho miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng đất nước.
TRỌNG CÁT
10:14 27/09/2024
10:14 27/09/2024