16:18 18/09/2019 Kỳ 2-Lập “công ty ma” để kinh doanh hồ sơ thương mại xuất nhập khẩu giả
Các đối tượng trong đường dây tại phiên tòa
Sau khi có lời khai của Đinh Thị Ngọc, Lê Thị Liên và các đối tượng nằm trong nhóm tiểu thương hoạt động vận chuyển tiền tệ xuyên lục địa trên, cơ quan điều tra đã lần lượt bắt giữ các đối tượng: Nghiêm Tiến Khôi, Vũ Hồng Hải, Lê Tiến Thành (Nguyễn Văn Ất bỏ trốn, đang bị truy nã)… đồng thời làm rõ: Trước đó năm 2008, Nghiêm Tiến Khôi ra Móng Cái làm ăn và thành lập Công ty Khôi Nguyên, đồng thời làm kế toán thuê cho một số công ty tại đây.
Giữa năm 2010, hắn được một số đối tượng đặt vấn đề mua lại các bộ hồ sơ xuất nhập khẩu của các công ty không thanh toán quốc tế để làm thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài.
Trong thời gian này, do việc kinh doanh của các công ty với nước ngoài không nhiều, giá trị hợp đồng thấp nên Khôi nghĩ cách làm giả toàn bộ các hồ sơ thương mại xuất nhâp khẩu hàng hóa của các công ty này với các công ty đối tác ở Trung Quốc để bán.
Để thực hiện ý đồ trên, Khôi sang Đông Hưng, Trung Quốc, đặt khắc giả dấu một công ty Trung Quốc, dấu Hải quan và dấu tên của công chức Hải quan cửa khẩu Móng Cái, sau đó đem về Việt Nam vào phần mềm kê khai hải quan, in các mẫu tờ khai, đánh máy các nội dung cần thiết lên tờ khai rồi ký giả, đóng dấu công chức Hải quan giả và làm giả hóa đơn thương mại để hoàn chỉnh hồ sơ bán cho người mua với giá từ 1 đến 2 triệu đồng/100.000 USD giá trị ghi trên hợp đồng.
Được một thời gian, thấy bị động nên hắn dừng lại và chuyển vào TP Hồ Chí Minh ẩn náu để nghe ngóng. Cuối năm 2014, thấy tình hình yên ổn, Khôi mò trở lại Móng Cái, nhận chuyển nhượng lại Công ty Hoàng Anh Victory và lấy tên một người trong chứng minh nhân dân (do Khôi nhặt được) là Đỗ Minh Kiết làm giám đốc mới cho công ty này.
Sau khi móc nối được với Đinh Thị Ngọc, tiếp tục tham gia vào đường dây vận chuyển trái phép tiền tệ ra nước ngoài, Khôi mua thêm Công ty Minh Kỳ Việt Trung chỉ để làm giả hồ sơ thương mại bán cho Ngọc, kiếm lời.
Tương tự như Nghiêm Tiến Khôi, năm 2008, Vũ Hồng Hải thành lập Công ty CPTM Long Hải và đứng tên Giám đốc để hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có làm dịch vụ hàng tạm nhập tái xuất tại TP Móng Cái.
Do làm trung gian ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa với một công ty Trung Quốc, sau đó bán lại cho một công ty Trung Quốc khác để thu phí dịch vụ nên trong tay Hải có sẵn những bộ hồ sơ thương mại chưa được thanh khoản qua ngân hàng.
Năm 2011, Hải được Đinh Thị Ngọc đặt vấn đề mua các bộ hồ sơ thương mại trên với giá từ 10 triệu đến 20 triệu đồng/1 bộ. Thời gian sau đó, hắn được Lê Thị Liên và Nguyễn Thu Hằng đến liên hệ mua hồ sơ để hoạt động vận chuyển trái phép ra nước ngoài, đã mượn danh nghĩa Công ty Hoa Vũ và mua lại Công ty Sơn Long để kinh doanh, cung cấp hồ sơ cho Ngọc, Liên và Hằng.
Đối với Lê Tiến Thành - Giám đốc công ty Hà Chung là kẻ đã mua lại 8 “công ty ma” khác để tham gia hoạt động tạm nhập tái xuất các mặt hàng như sâm, củ cải, nấm Hàn Quốc có giá trị thấp từ 150 đến 500 USD/1 lô hàng/ 1 tờ khai Hải quan và thuê các dịch vụ ở các cửa khẩu Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh làm thủ tục mở tờ khai Hải quan cho các lô hàng của các công ty mà Thành quản lý, điều hành tại các cửa khẩu ở Hải Phòng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Do các tờ khai xuất nhập khẩu của các công ty của mình có giá trị hàng hóa thấp nên không đáp ứng được yêu cầu của những khách hàng mua dùng hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài.
Lực lượng công an dẫn giải các bị cáo sau phiên tòa
Vì vậy, Thành chỉ đạo kế toán là Nguyễn Hoài Thu, sinh 1979, ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, làm lại các hồ sơ tạm nhập tái xuất bằng cách sửa lại trên phai mềm của máy tính nội dung tờ khai hải quan, hợp đồng, hóa đơn thay đổi lượng hàng hóa, đơn vị xuất nhập khẩu... để nâng giá trị tờ khai hải quan thành 4.000.000 USD đến 5.000.000 USD/1 tờ khai.
Cùng với đó, Thành tìm hiểu trên mạng sao chép mẫu dấu một số công ty nước ngoài rồi giao cho Thu thuê người làm giả để hoàn thiện hồ sơ các công ty, đem bán cho những người có nhu cầu mua để chuyển tiền ra nước ngoài, trong đó có Đậu Thị Lan Anh.
Một trong những kẻ chuyên thuê vận chuyển tiền ra nước ngoài trên là Nguyễn Anh Tuấn, sinh 1986, chủ tiệm vàng Tuấn Hường, ở 6C/89 Lý Nam Đế, TP Hà Nội, khai nhận: Từ năm 2014, Tuấn được một số đối tượng (không rõ địa chỉ) thuê chuyển tiền ngoại tệ ra nước ngoài với giá 1,5 triệu đồng/1 tỷ đồng tiền chuyển.
Quá trình thuê, các khách hàng chỉ cung cấp qua Viber hoặc tin nhắn điện thoại về các thông tin như: số tiền cần chuyển, địa chỉ và số tài khoản của người thụ hưởng...
Trước món lợi trên, Tuấn đã nhận lời và thuê lại Đinh Thị Ngọc, Lê Thị Liên và Đậu Thị Lan Anh thực hiện với giá 1 triệu đồng/1 tỷ đồng tiển chuyển và thu phí dịch vụ là 500.000 đồng/1 tỷ đồng.
Sau khi thống nhất về giá cả, khách chuyển tiền trực tiếp cho Tuấn tại tiệm vàng Tuấn Hường hay chuyển trực tiếp vào tài khoản cá nhân hoặc tài khoản công ty của Ngọc, Liên, Lan Anh theo chỉ định của các đối tượng này.
Cơ quan ANĐT xác định từ năm 2010 đến 2017, với 1.815 lệnh chuyển tiền tại các ngân hàng, Đinh Thị Ngọc đã chuyển trái phép ra nước ngoài tổng số tiền là 9.870.579.316.988 đồng để hưởng lợi bất chính số tiền hơn 360.000.000 đồng.
Từ năm 2015 đến năm 2017, Lê Thị Liên đã chuyển trái phép ra nước ngoài 875.869.830.270 đồng, hưởng lợi gần 90 triệu đồng; Đậu Thị Lan Anh chuyển 4.472.971.289.664 đồng, hưởng lợi trái phép hơn 200 triệu đồng; Nguyễn Anh Tuấn nhận tiền của khách hàng thuê và thuê lại các đối tượng vận chuyển trái phép 1.594.988.927.270 đồng, hưởng lợi gần 160 triệu đồng.
Trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2015, Nghiêm Tiến Khôi đã làm giả 177 bộ hồ sơ bán cho khách hàng sử dụng chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, hưởng lợi bất chính hơn 7,3 tỷ đồng và cùng đồng bọn tham gia vận chuyển tiền trái phép ra nước ngoài hơn 6.361 tỷ đồng; Lê Tiến Thành từ năm 2015 đến năm 2016, đã làm giả 7 con dấu và 32 bộ hồ sơ giả để bán cho các đối tượng trong đường dây, thu lợi hơn 4,2 tỷ đồng, đồng thời tham gia vận chuyển tiền trái phép ra nước ngoài gần 4.162 tỷ đồng…
Ngày 31-8-2018, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt: Nghiêm Tiến Khôi 4 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và 6 năm 6 tháng tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, tổng hợp buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là 10 năm 6 tháng tù; Lê Tiến Thành 3 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức cùng 6 năm tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, tổng hợp buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 9 năm tù; Nguyễn Hoài Thu 1 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức cộng 2 năm tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, tổng hợp bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 3 năm tù.
Các bị cáo còn lại bị xử phạt với các mức án: Vũ Hồng Hải 4 năm tù, Nguyễn Thu Hằng 3 năm tù, Đinh Thị Ngọc, Lê Thị Liên, Đậu Thị Lan Anh và Nguyễn Anh Tuấn chung mức 36 tháng tù cho hưởng án treo cùng về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Khắc Đoàn
10:14 27/09/2024
10:14 27/09/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão