Cháy rừng Indonesia đe dọa cuộc sống khu vực

17:14 25/09/2019

Tổ chức LHQ cảnh báo cháy rừng ở Indonesia đe dọa sức khỏe của 10 triệu trẻ em ở khu vực Đông Nam Á do không khí bị ô nhiễm, phát thải nhiều khí nhà kính vào khí quyển.

Học sinh ở Sarawak (Malaysia) phải sử dụng khẩu trang khi đến trường

Hàng chục ngàn nhân viên cứu hỏa Indonesia hiện đang phải tiếp tục vật lộn với các đám cháy lớn trong rừng trên đảo Sumatra và Borneo kéo dài nhiều tuần qua. Trong khi tại Brazil, người dân đốt rừng lấy đất chăn nuôi bò, trồng ngô hay đậu nành thì người Indonesia đốt rừng trồng cọ. Số liệu chính thức cho thấy 80% số vụ cháy rừng tại Indonesia là do người dân lấy đất trồng cọ.

Dầu cọ được dùng rộng rãi trong nhiều mặt hàng tiêu dùng, từ sữa bột trẻ em cho đến dầu gội đầu hay kem đánh răng và phần lớn chúng đến từ Indonesia - nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Năm 2018, Indonesia cung cấp đến 56% dầu cọ cho toàn thế giới, kim ngạch xuất khẩu dầu cọ của nước này sang thị trường EU đạt gần 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, cái giá mà Indonesia phải trả cũng vô cùng đắt. Những cánh rừng nguyên sinh tại đây là nơi sinh sống của 10% số động vật hoang dã trên thế giới, đồng thời đóng vai trò quan trọng cho hệ thống sinh thái môi trường đang bị hủy hoại nghiêm trọng.

Việc đốt phá rừng bừa bãi tại Indonesia đã không chỉ thải lượng lớn khói bụi trong khu vực mà còn khiến lượng khí nhà kính ngày một tăng cao. Ngoài ra, việc trồng cọ quá nhiều cũng phá hoại hệ sinh thái, làm giảm chất lượng đất cũng như ảnh hưởng đến nguồn nước.

Hàng năm, Indonesia đều đốt phá một lượng rừng nhất định nhưng năm nay tình hình lại đặc biệt nghiêm trọng do tình hình khô ráo khiến nhiều ngọn lửa lan nhanh ngoài tầm kiểm soát. Trong khoảng từ năm 2001 đến năm 2018, Indonesia đã mất 16% diện tích rừng xanh, tương đương 26 triệu ha, đồng nghĩa với việc 10,5 tỷ tấn khí thải nhà kính bị thải ra môi trường.

Năm 2015, khói bụi quá nhiều từ việc đốt rừng tại Indonesia đã làm hàng trăm nghìn người phải vào viện do bị bệnh cùng nhiều sân bay phải đóng cửa. Báo cáo của chính phủ cho thấy hơn 80% số trang trại trồng cọ tại Indonesia không tuân thủ quy định khi đốt rừng lấy đất và tình trạng này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.

Bên cạnh đó, lại một lần nữa cái tên Trung Quốc được nhắc đến trong công cuộc đốt rừng này. Nếu những người dân Brazil đốt rừng Amazon trồng đậu nành xuất khẩu sang Trung Quốc để nuôi lợn thì Indonesia cũng xuất khẩu lượng lớn dầu cọ sang thị trường này. Kim ngạch nhập khẩu dầu cọ của Trung Quốc từ Indonesia đã tăng 50% kể từ tháng 6/2019.

Cơ quan Địa vật lý và khí tượng học Indonesia cho biết, vệ tinh Himawari 8 SM đã chụp được hình ảnh khói mù từ đảo Sumatra của Indonesia bay sang Singapore, Malaysia và Thái Lan, khói từ đảo Tây Kalimantan của Indonesia cũng lan tới Serawak của Malaysia.

Giới chức Malaysia đã cung cấp 500.000 khẩu trang cho người dân tại bang Serawak do mức độ ô nhiễm không khí tại bang miền Đông này tăng cao. Chính quyền nhiều tỉnh ở miền Nam Thái Lan cũng đã phân phát khẩu trang cho người dân và du khách.

Theo Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF), gần 10 triệu trẻ em Đông Nam Á, đang sống trong các khu vực chịu ảnh hưởng vì tình trạng đốt rừng của Indonesia bị mắc các chứng bệnh về đường hô hấp.

Nhiều năm qua, các nhà hoạt động môi trường đã phát động các chiến dịch kêu gọi thế giới "tẩy chay" dầu cọ, đồng thời lên án việc đốn hủy các cánh rừng nhiệt đới để trồng các loại cây lấy dầu.

Tuy nhiên, dầu cọ là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Indonesia. Bởi vậy, không dễ gì nước này từ bỏ lợi ích, cho dù cái giá phải trả của họ không hề rẻ cũng như ảnh hưởng tới các nước láng giềng.

Theo PGS TS Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM, ô nhiễm không khí tại TP.HCM và phía nam Việt Nam từ ngày 18 đến 22-9 ở mức rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân do khói bụi bay sang từ cháy rừng Indonesia.

Trần Hoàng tổng hợp

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích