Chủ động nguồn vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố

19:16 27/04/2023

Căn cứ các Quyết định của UBND TP về việc phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật, phân bổ kinh phí phòng chống dịch bệnh động vật năm 2023; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phát đi thông báo số 44/TB-SNN ngày 21-3-2023 về việc phân bổ vắc xin tiêm phòng bệnh Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trâu bò; triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) nuôi trên địa bàn thành phố năm 2023.

Ngân sách thành phố hỗ trợ vắc xin tiêm phòng bệnh GSGC

Theo đó, năm nay, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 9.815.000 liều vắc xin tiêm phòng bệnh Cúm gia cầm. Thời gian tiêm phòng sẽ được triển khai thành 2 đợt tiêm chính. Đợt 1 từ tháng 3 đến tháng 6-2023 với 4.895.100 liều. Đợt 2 từ tháng 9 đến tháng 11-2023 với 4.919.900 liều vắc xin.

Đối tượng tiêm phòng là đàn gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng khỏe mạnh) từ 14 ngày tuổi trở lên, nuôi tại các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ và phải thực hiện kê khai hoạt động động chăn nuôi với UBND cấp xã theo quy định. Về tiêm phòng bổ sung, hàng tháng, các địa phương sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm nuôi mới, gia cầm chưa được tiêm phòng trong đợt chính, gia cầm hết thời gian miễn dịch bảo hộ theo quy định.

Chủ động bảo vệ đàn gia cầm trước dịch bệnh

Về nguồn vắc xin tiêm phòng bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 9.900 liều để các địa phương tổ chức tiêm phòng cho trâu, bò, bê, nghé khỏe mạnh từ 4 tháng tuổi trở lên.

Riêng đối với những vùng áp lực vùng dịch cao thì tiêm phòng cho trâu, bò, bê, nghé khỏe mạnh từ 2 tháng tuổi trở lên. Không tiêm phòng cho trâu, bò, bê, nghé đang có triệu chứng của bệnh Viêm da nổi cục hoặc đang mắc các bệnh khác.Thời gian tiêm phòng chính sẽ được tiến hành từ tháng 4 đến tháng 10-2023.

Về tiêm phòng bổ sung đối với đàn GSGC, hàng tháng các địa phương sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm, đàn trâu, bò nuôi mới; gia cầm, trâu, bò chưa được tiêm phòng trong đợt tiêm chính hoặc hết thời gian miễn dịch bảo hộ theo quy định. Trường hợp khi có dịch xảy ra trên địa bàn thành phố, các địa phương phải thực hiện tiêm phòng bao vây ổ dịch tại vùng dịch uy hiếp, vùng đệm theo phạm vi xác định và hướng dẫn của Sở NN&PTNT.

Việc sử dụng vắc xin phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cán bộ thú y. Trường hợp, người chăn nuôi không chấp hành tiêm phòng cho đàn GSGC và để xảy ra dịch bệnh, UBND các huyện, quận, xã, phường, thị trấn lập biên bản tiêu hủy bắt buộc toàn bộ đàn GSGC mắc bệnh, đồng thời chủ chăn nuôi không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Chủ động bảo vệ đàn gia cầm trước dịch bệnh

Công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn GSGC không do ngân sách thành phố hỗ trợ

Đối với công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn GSGC không do ngân sách thành phố hỗ trợ theo quy định thì chủ cơ sở, hộ chăn nuôi tự mua vắc xin, tổ chức tiêm phòng các bệnh có trong Danh mục các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho động vật nuôi (quy định tại Phụ lục 07 Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ NN&PTNT) và chịu mọi chi phí tiêm phòng; lập sổ theo dõi, ghi chép quy trình phòng bệnh, chữa bệnh cho đàn GSGC trong suốt quá trình nuôi.

Đồng thời báo cáo kết quả về UBND cấp xã, Trạm Chăn nuôi & Thú y các huyện, quận về kế hoạch xuất - nhập đàn, lịch tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm theo quy định.

Về chủng loại vắc xin tiêm phòng đối với vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Viêm da nổi cục trâu bò, căn cứ vào kết quả giám sát sự lưu hành vi rút Cúm gia cầm năm 2021 – 2022, cơ quan chức năng xác định các chủng vi rút Cúm gia cầm lưu hành tại Hải Phòng gồm: A/H5N6 nhánh 2.3.4.4h; A/H5N1 nhánh 2.3.4.4b; A/H5N8 nhánh 2.3.4.4b.

Căn cứ đặc điểm dịch tễ bệnh, Sở NN&PTNT yêu cầu phòng bệnh tại cơ sở chăn nuôi, người chăn nuôi sử dụng vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Viêm da nổi cục trâu bò theo khuyến cáo tại Công văn số 113/TY-DT ngày 30-1-2023 của Cục Thú y về việc Cập nhật tình hình lưu hành vi rút Cúm gia cầm, Lở mồm long móng và khuyến cáo sử dụng vắc xin.

Chủ động bảo vệ đàn gia súc trước dịch bệnh

Đối với các loại vắc xin Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng lợn, Tụ huyết trùng trâu, bò, Dại chó, mèo, Dịch tả vịt, Niu cát xơn gà, hiện nay trên thị trường có nhiều loại vắc xin do trong nước sản xuất và nhập khẩu đã được cấp Giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam, người chăn nuôi cần chủ động lựa chọn sử dụng loại vắc xin phù hợp có trong Danh mục vắc xin được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định của Bộ NN&PTNT. Quy trình sử dụng vắc xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Cam kết phòng bệnh bắt buộc cho vật nuôi bằng vắc xin

Để triển khai hiệu quả công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn GSGC, chủ cơ sở, hộ chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt một số nội dung sau: Thực hiện kê khai, đăng ký hoạt động chăn nuôi, cam kết với UBND cấp xã và thực hiện phòng bệnh bắt buộc cho vật nuôi bằng vắc xin đối với các bệnh theo quy định.

Cơ sở chăn nuôi GSGC giống và bò sữa, ngoài việc thực hiện phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin đối với các bệnh nêu trên, phải thực hiện giám sát định kỳ đối với các bệnh truyền lây giữa động vật và người, bao gồm các bệnh ở trâu, bò (sảy thai truyền nhiễm, Lao bò, Xoắn khuẩn); các bệnh ở lợn (Xoắn khuẩn, Liên cầu khuẩn lợn); các bệnh ở dê (Xoắn khuẩn); các bệnh ở gia cầm (cúm gia cầm thể độc lực cao hoặc chủng vi rút cúm có khả năng truyền lây bệnh cho người).

Chủ động tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm

Ngoài việc phải sử dụng đúng các loại vắc xin phòng bệnh cho GSGC nuôi có trong Danh mục vắc xin được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định và đúng quy trình kỹ thuật, theo hướng dẫn của nhà sản xuất, các chủ cơ sở, hộ chăn nuôi cần lập sổ theo dõi, ghi chép quy trình phòng, chữa bệnh, lịch tiêm vắc xin phòng cho đàn GSGC trong suốt quá trình nuôi và xuất trình với chính quyền địa phương, cơ quan thú y khi có yêu cầu.

Đối với các cơ sở, hộ chăn nuôi không thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi, không chấp hành thực hiện phòng bệnh bắt buộc cho đàn vật nuôi bằng vắc xin đối với các bệnh theo quy định và để xảy ra dịch bệnh phải chịu các hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định và không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong trường hợp phải tiêu hủy bắt buộc đàn GSGC theo đúng quy định phòng chống dịch hiện hành.

Chi cục Chăn nuôi&Thú y thành phố sẽ có trách nhiệm thực hiện thủ tục mua sắm vắc xin, tiếp nhận, bảo quản, xuất cấp, hướng dẫn việc sử dụng vắc xin tiêm phòng đúng quy trình kỹ thuật; chỉ đạo màng lưới thú y cơ sở thực hiện việc tiêm phòng cho đàn GSGC đạt hiệu quả. Mặt khác, phối hợp với các địa phương kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, đôn đốc công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn GSGC nuôi, tổng hợp, báo cáo kết quả tiêm phòng trên địa bàn thành phố.

Chủ động tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm

Tổ chức giám sát định kỳ đối với các cơ sở chăn nuôi GSGC giống; giám sát sau tiêm phòng các loại vắc xin với đàn GSGC nuôi. Thanh tra Sở NN&PTNT thì chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra công tác tiêm vắc xin phòng bệnh GSGC tại các cơ sở, hộ chăn nuôi và hoạt động kinh doanh, sử dụng vắc xin tại các địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

UBND các huyện, quận có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức điều tra thống kê đàn GSSGC tới từng hộ dân; chỉ đạo tiêm phòng bắt buộc vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trâu bò đảm bảo kế hoạch thành phố giao.

Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trên địa bàn chủ động tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm trong Danh mục các bệnh bắt buộc phải tiêm vắc xin phòng bệnh theo quy định. Mặt khác, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện kê khai, đăng ký hoạt động chăn nuôi, thống kê quản lý đàn vật nuôi đến tận các cơ sở, hộ chăn nuôi theo quy định.

Triển khai thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trâu bò và tiêm phòng bổ sung hàng tháng, đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch thành phố giao; xây dựng kế hoạch tiêm phòng cụ thể, không để thất thoát vắc xin. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chịu trách nhiệm về kết quả tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm cho đàn gia cầm, vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò tại địa phương…

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông