Chuyên án C30-một chiến dịch phản gián hoàn hảo

15:53 27/07/2020

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đế quốc Mỹ lộ rõ ý đồ thù địch can thiệp ngày càng sâu hơn vào nội bộ Việt Nam. Những đường mòn trên bộ, trên biển, trùng trùng đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã biểu lộ quyết tâm của Đảng, toàn quân và toàn dân ta không sợ Mỹ-một đế quốc hùng cường. Chuyên án C30, một vụ án kinh điển trong đấu tranh chống gián điệp của lực lượng An ninh-Công an Việt Nam đã thể hiện quyết tâm ấy: Dám đánh Mỹ và đánh thắng giặc Mỹ ngay trong lòng miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội.

XÁC LẬP CHUYÊN ÁN C30

Cụ Ấm Di ở phố Lê Lợi (nay là Bà Triệu), Hà Nội, có anh con rể tên Nguyễn Đình Long. Tay này kẻng trai, nhưng hay huênh hoang và có thái độ ăn chơi phung phí. Vào khoảng tháng 8-1954, một hôm Long rỉ tai cho cả nhà biết: Anh ta sắp sửa được đi học tình báo ở nước ngoài. Nguồn tin này nhanh chóng được cụ Ấm Di báo cho Công an ta.

Lực lượng Bảo vệ chính trị-Công an Hà Nội khẩn trương điều tra về Long, các mối quan hệ của hắn, lập hồ sơ theo dõi và có đủ cơ sở kết luận: Tên Long và một số phần tử Đại Việt đang có hoạt động phản cách mạng dưới sự chỉ đạo của cơ quan tình báo nước ngoài, cụ thể là đế quốc Mỹ.

Trần Minh Châu gặp đồng bọn. Ảnh do trinh sát chụp

Thật “trùng khớp”, vào khoảng tháng 2-1955, khi tên Long “đi học” trở về thì cũng là lúc Công an Hải Phòng thấy Phạm Rật Đức, trú tại 47 – Phố Gas au một thời gian vắng bóng bỗng xuất hiện. Trước đó, Đức cũng bả với mọi người là đi học ở nước ngoài. Khai thác hồ sơ và thẩm tra tin báo của cơ sở, Công an Hải Phòng phát hiện Đức và một số tên có quan hệ với hắn như Long, Lẫm, Bùi Văn Tiềm đã bị cơ quan tình báo nước ngoài tuyển dụng làm gián điệp.

Cũng trong khoảng thời gian này, các trinh sát xã hội hóa của ta là Đỗ Văn Kha (bí số T31) và Lê Huy Thái (bí số T20) được điều vào hoạt động bí mật trong tổ chức Đại Việt nắm được tin: Bọn cầm đầu tổ chức này đã tuyển lựa cho cơ quan tình báo nước ngoài một số tên đưa đi đào tạo, huấn luyện để tung trở lại miền Bắc hoạt động. Đồng thời, chúng còn móc nối gây dựng một số cơ sở ở lại miền Bắc, chờ số đã huấn luyện trở về để phối hợp hành động.

Qua công tác trinh sát, Công an Hà Nội phát hiện tên Phạm Văn Lan có nhiều biểu hiện nghi vấn. Hiệu cắt tóc của hắn ở phố Hàng Mành có nhiều đối tượng là người của Đại Việt và nhiều người lạ mặt thường xuyên lui tới. Cùng là “người trong tổ chức”, ông Kha đã tiếp cận được với Lan và tên này cho biết: Cao Xuân Tuyến lãnh đạo đảng Đại Việt trước khi di cư vào Nam đã đưa 5.000 đồng Đông Dương cho Lan để mở hiệu cắt tóc tạo vỏ bọc, che giấu hoạt động sẵn sàng đón người ở trong Nam ra phối hợp hành động.

Từ những thông tin ban đầu hết sức quan trọng trên, lực lượng An ninh của ta có đủ cơ sở kết luận: Cơ quan tình báo Mỹ đang tiến hành tung gián điệp vào miền Bắc! Đúng như dự báo: Ngày 3-2-1955, toán đầu tiên xâm nhập về Hải Phòng trong đó có tên Long. Ngày 22-3-1955, toán thứ 2 xâm nhập trong đó có tên Trần Minh Châu (tức Cập). Toán cuối cùng xâm nhập vào cuối tháng 3-1955, trong đó có tên Xuyến.

Ban chuyên án C30 khai quật địa điểm giấu vũ khí, phương tiện hoạt động của tổ chức gián điệp do Trần Minh Châu cầm đầu (năm 1957). Ảnh tư liệu.

Căn cứ kết quả điều tra, lãnh đạo Vụ Bảo vệ chính trị kịp thời báo cáo Đảng Đoàn Bộ Công an và xin lập chuyên án gián điệp để mở rộng đấu tranh. Đảng Đoàn Bộ Công an đồng ý đề nghị của Vụ và xác định chuyên án phải đặt dưới sự chỉ huy thống nhất, chặt chẽ của Bộ và phải đạt được các mục tiêu: Mở rộng điều tra, phát hiện bằng hết số đầu mối của địch; ngăn chặn âm mưu phát triển ngầm và đưa người trốn vào Nam; nắm chắc từng đối tượng, quản lý chặt các kho vũ khí và hạn chế giao thông lien lạc của chúng với trung tâm chỉ huy.

Quán triệt ý kiến chỉ đạo trên, ngày 3-6-1955, Vụ Bảo vệ chính trị quyết định lập chuyên án gián điệp, đặt bí số C30 để thống nhất chỉ đạo hành động.

NHỮNG KẺ HẬU CHIẾN

Qua các biện pháp trinh sát nghiệp vụ, Công an Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định đã nhanh chóng làm rõ các đối tượng trong tổ chức gián điệp này, làm rõ quá trình huấn luyện của chúng ở nước ngoài.

Bọn chúng gồm 16 tên được CIA huấn luyện tại đảo Guam, mỗi tên học một chuyên ngành cụ thể, thành thạo về kỹ năng hoạt động cũng như kỹ năng sử dụng phương tiện và vũ khí. Chúng tổ chức tham gia giao thông lien lạc rất đa dạng và tiến hành các quan hệ móc nối phức tạp. Hệ thống tổ chức của chúng có thể hình dung như sau: Trung tâm chỉ huy “Hải Âu” tại Sài Gòn đứng đầu là chuyên gia tình báo nước ngoài có tên Việt Nam là “Tư Cụt”, gồm 4 tên khác do Đặng Văn Sung và Cao Văn Tuyên chỉ huy.

Chúng lập trạm Nam bến Hải gồm 5 tên do tên Danh cầm đầu làm nơi lien lạc với toán xâm nhập miền Bắc và đưa người từ Nam ra Bắc. Toán đánh trở lại miền Bắc do tên Trần Minh Châu (tức Cập) cầm đầu gồm 7 tên chia thành 3 tổ. Tổ ở Hải Phòng gọi là “Hải Âu” do tên Đức làm tổ trưởng. Tổ ở Hà Nội gọi là khu “An Trạch” do Cập trực tiếp làm tổ trưởng. Tổ ở Nam Định gọi là “Đồng Văn” do tên Vũ Đình Đích làm tổ trưởng.

Với âm mưu thu thập các tin tức tình báo, đẩy mạnh hoạt động phá hoại, phát triển lực lượng chuẩn bị địa bàn sẵn sang đợi thời cơ đón quân Mỹ - Diêm Bắc tiến. Để phục vụ kế hoạch “hậu chiến” này, trước đó, Trung tâm chỉ huy địch ở Sài Gòn đã sử dụng một số đảng viên Đại Việt đang sinh sống ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định lập sẵn 4 hộp thư làm địa điểm liên lạc; chôn giấu bí mật vũ khí, điện đài ở 8 địa điểm trên địa bàn các tỉnh, thành trên.

Khi xâm nhập trở lại miền Bắc, lúc đầu mỗi tên làm một nghề tự do để ngụy trang, che giấu thân phận. Dần dần, chúng tìm mọi cách chui vào các cơ quan, các cơ sở sản xuất của Nhà nước để tạo vỏ bọc và chuẩn bị cho các hoạt động phá hoại. Chẳng hạn: tên Đích làm nghề sửa xe đạp ở 101 ngõ Hoa Kiều; tên Rịu mở hiệu cắt tóc ở số 7, Đồng Khánh, cùng tỉnh Nam Định; tên Long được điều về trú tại số 36 Hàng Dầu và xin vào làm tại nhà máy xay Nam Định.v.v…

Ngoài thu thập tình báo, tổ chức gián điệp này còn âm mưu tiến hành nhiều vụ phá hoại các công trình kinh tế, nhà ga, bến cảng. Trong đó, chúng đã tổ chức 2 vụ đặt chất nổ nhằm phá hoại công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải và Ga xe lửa Hải Phòng. Nghiêm trọng hơn, Cập còn chỉ đạo cho đồng bọn chuẩn bị kế hoạch đón tàu ngầm của Mỹ tiến vào vùng biển Quảng Ninh.

Cập và đồng bọn đã tổ chức 5 lần vượt tuyến vào Nam báo cáo, nhận chỉ thị và kinh tài của địch. Chúng đã móc nối với 25 đầu mối ở địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Quảng Ninh nhằm phát triển lực lượng ngầm. Tên Đích còn lên Phú Thọ tìm địa điểm chuẩn bị cho gián điệp biệt kích nhảy dù, lập chiến khu v.v..

TƯƠNG KẾ, TỰU KẾ

Nắm chắc âm mưu và kế hoạch của địch, với tinh thần chủ động phòng ngừa, liên tục tấn công, chuyên án C30 đã mở một chiến dịch phản gián kết hợp nhiều mảng miếng nghiệp vụ hết sức sắc sảo đã giáng một đòn đau vào kế hoạch “hậu chiến” của cơ quan tình báo Mỹ.

Trước hết, ta đã thực hiện kế hoạch “lót ổ” dụ địch móc nối. Trinh sát “vô hình” Đỗ Văn Kha được cử công tác với ông Lê Hưng-chủ cửa hàng buôn bán vải, tơ, lụa tại 54 Hàng Đào, Hà Nội-một cơ sở bí mật rất tích cực của cách mạng trước đó đã từng được bọn Cập chèo kéo làm việc cho chúng.

Quả nhiên, khi Cập cùng đồng bọn từ Guam về chúng đã móc nối ngay với ông Kha và “bập” vào ngôi nhà của ông Lê Hưng, hòng biến nơi đây thành trụ sở lien lạc của tổ chức gián điệp C30.

Cùng Với các trinh sát xã hội hóa khác, mọi tin tức nhất cử nhất động của bọn Cập các ông đều biết rõ kịp thời báo cáo cấp trên, để từ đó Ban Chuyên án có đối sách vô hiệu hóa toàn bộ hoạt động của chúng.

Khi ta biết Cập có kế hoạch phát triển lực lượng ngầm, nhằm vào số đảng viên Đại Việt, ngụy quân, ngụy quyền, Ban Chuyên án đã phối hợp với các đơn vị chức năng nhân việc đăng ký hộ tịch, hộ khẩu đã gọi hỏi, khai thác, rung dọa tất cả những đối tượng bọn Cập có thể móc nối. Do đó, Cập không thể nào phát triển lực lượng theo ý đồ của Sài Gòn, đẩy tổ chức gián điệp C30 ngày càng lâm vào tình thế khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho ta “đánh” cơ sở vào hoặc “kéo” người trong tổ chức địch ra đánh lại chúng.

Chẳng hạn như trường hợp ông Phạm Đăng Hào vốn là cán bộ biệt động đội bị kỷ luật bỏ đơn vị vào nội thành nhưng không làm gì chống lại cách mạng và đã từng giúp đỡ trinh sát xã hội hóa của ta hoạt động trong long địch. Ông tham gia Đại Việt, hoạt động trong Công đoàn vàng, được Tuyên lựa chọn đi đào tạo gián điệp tại Guam.

Khi về Hà Nội, ổn định chỗ ở cho đồng bọn xong xuôi, ông Hào quyết định quay về Hải Dương tìm gặp đồng chí Tự-Công an Hải Dương là người quen biết cũ nhờ liên hệ báo cáo về tổ chức gián điệp này. Do được làm tốt công tác giáo dục, cảm hóa, ông Hào trở thành người tin cậy hoàn toàn của ta và là một trong những cơ sở phát huy tác dụng tốt. Ông và ông Kha là những người được Ban chuyên án cho xâm nhập vào Trung tâm chỉ huy của địch ở Sài Gòn, dưới danh nghĩa là lien lạc của nhóm gián điệp C30.

Các ông đã trực diện đấu trí với bọn cầm đầu tại hang ổ của chúng, không những vượt qua mọi thử thách mà còn khéo léo đặt vấn đề yêu cầu chúng cấp cho một lượng lớn tài chính. Đồng thời cũng giúp ta nắm được âm mưu mở rộng hoạt động ra một số tỉnh ở miền Bắc, chuyển hướng hoạt động sang Hồng Kông của chúng, các tin tức về hoạt động biệt kích, điều chỉnh hoạt động của Cập… Đặc biệt, khi chúng đặt mìn định phá hoại Ga xe lửa Hải Phòng và công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, ông Hào đã kịp thời báo cáo để ta vô hiệu hóa các khối thuốc nổ, ngăn chặn âm mưu phá hoại.

Do làm tốt công tác hiệp đồng, khéo léo triển khai các chiến thuật thích hợp nên ta đã hóa giải thành công nhiều tình huống bất ngờ và bất lợi xuất hiện, bảo đảm bí mật trong suốt quá trình điều tra đấu tranh chuyên án. Một trong những tình huống đó là: Tên Panh ở trạm Nam Bến Hải có điện cho Cập, yêu cầu chuyển gấp số vũ khí ở 120G ngõ Đông An (Hải Phòng) đi nơi khác. Biết tin này, ta đã nóng vội bắt, khám xét tên Xuyến và tên Tiềm.

Tình huống đó làm Cập và tên Long nghi ngờ, bí mật xuống Hải Phòng kiểm tra. Để xóa lộ, Ban chuyên án đã sử dụng ông Hào công khai tranh luận với Cập, làm cho Cập tin việc khám xét là do cơ quan thuế vụ tình cờ phát hiện, còn Xuyến và Tiềm bị bắt là do dính đến hàng cấm, nếu không có gì to tát thể nào cũng được thả. Với lý do thuyết phục đó, khi Xuyến được trả tự do, Cập vẫn tin dùng và giao cho Xuyến giữ lien lạc V.T.Đ với Sài Gòn

Có thể thấy gần 4 năm đấu tranh chuyên án C30, Ban chuyên án đã lien tục triển khai những chiến thuật đánh địch dài ngày, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén và có tính tổng hợp trên địa bàn rộng lớn ở nhiều tỉnh của miền Bắc, trải dài tới Trung tâm chỉ huy của địch tại Sài Gòn.

Cùng một lúc chúng ta đấu tranh với hơn 30 đối tượng là số đã được huấn luyện và các đầu mối chúng móc nối. Việc vô hiệu hóa hoàn toàn hoạt động của ổ gián điệp này, đấu tranh thắng lợi chuyên án C30, tất cả đã được thực hiện bởi một chiến dịch phản gián hoàn hảo.

Phiên tòa xử vụ án C30

Ngày 11-11-1958, Vụ Bảo vệ chính trị ra lệnh đồng loạt phá án. Công an Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định đã bắt tổng số 12 đối tượng, khai quật 8 kho vũ khí, thu giữ 171 súng các loại (tiểu lien giảm thanh, các-bin, Thomson, súng lục, súng ám sát), 5 hòm với hàng tram viên mìn (hình dáng tựa than kíp-lê), mìn điện và dây cháy nổ, hàng nghìn chông 4 cạnh, 8 bộ điện đài, 4 la bàn, 4 ống nhóm, hàng nghìn viên đạn.

Ngày 4-4-1959, Tòa án nhân dân Hà Nội đưa 10 tên ra công khai xét xử, tuyên phạt: Trần Minh Châu (tức Cập) tử hình, Bùi Văn Tiềm 15 năm tù, Nguyễn Đình Long 20 năm tù, Nguyễn Sỹ Hoàng 10 năm tù, Vũ Đình Bích 7 năm tù, Phạm Văn Lan 5 năm tù, Nguyễn Thị Nghĩa 3 năm tù treo… Đến lúc này, Trung tâm chỉ huy của địch ở Sài Gòn mới biết tổ chức gián điệp C30 mà chúng rất kỳ vọng cho hậu chiến để mưu đồ Bắc tiến đã bị cộng sản xóa sổ!

XUÂN NGỌC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích