10:13 19/11/2021 Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong việc khai thác tiềm năng du lịch truyền thống, Hải Phòng cũng như cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình du lịch cộng đồng, với sự tham gia tích cực của nguồn lực xã hội hóa.
Trang trại sinh thái Trường Thành Farm (xã Trường Thành, An Lão), điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan
Theo khái niệm chung, du lịch cộng đồng là hoạt động của một bộ phận dân cư tham gia làm du lịch, tự cung ứng, tự quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi từ du lịch.
Theo đó, những người khai thác du lịch dạng hình này phần lớn thụ hưởng nguồn thu chi tiêu của du khách, cho các dịch vụ đơn giản như trải nghiệm, nghỉ ngơi, ăn uống, giải trí… với tư cách là chủ sử dụng đất đai và cung cấp dịch vụ, nhằm duy trì cuộc sống đơn thuần.
Tại Hải Phòng, ngoài những trung tâm du lịch truyền thống như Đồ Sơn, Cát Bà và một số trung tâm hợp phần được đầu tư lớn mà đảo Vũ Yên là một ví dụ, thời gian qua đã có một số mô hình du lịch cộng đồng hình thành.
Có thể kể như khu trải nghiệm Hai Bà Trưng ở quận Dương Kinh, các khu trải nghiệm Bigsun, Vườn Xưa ở huyện Kiến Thụy, các khu sinh thái kết hợp trang trại Đầm Bầu, Trường Thành Farm ở huyện An Lão…
Bên cạnh đó, một số mô hình khai thác dựa trên xu thế nhu cầu của cộng đồng như các điểm “check in” cũng thu hút đáng kể lượng du khách quan tâm.
Tuy nhiên, nếu như các trung tâm du lịch truyền thống và các dự án hợp phần du lịch được điều chỉnh bằng các chính sách vĩ mô trong quy hoạch, đầu tư, quản lý, khai thác, đóng góp ngân sách… thì các mô hình du lịch cộng đồng đang bộc lộ bất cập, liên quan đến những nội dung trên.
Thực tế cho thấy, hầu hết mô hình du lịch cộng đồng đều có hơi hướng tự phát, quy mô đầu tư hạn chế, dựa trên sự cải tạo các quỹ đất nông nghiệp không hiệu quả trong canh tác, nuôi trồng.
Dù có quy mô nhỏ nhưng nguồn vốn so với năng lực tài chính của các nhà đầu tư là không nhỏ, bởi chỉ dựa vào ý chí, cảm hứng sáng tạo và nguồn lực của một hoặc vài người, hơn nữa đây là mô hình “bỏ ra tiền chẵn, thu về tiền lẻ” nên không phải ai cũng dám làm.
Vấn đề đặt ra là, để thu hút được du khách, các dịch vụ cần phải hấp dẫn, dàn trải trên nhiều dạng hình khai thác, nên việc hợp thức hóa về mặt quản lý cũng gây không ít khó khăn cho nhà đầu tư.
Chẳng hạn như khai thác du lịch thuộc lĩnh vực quản lý du lịch, khai thác tài nguyên thuộc lĩnh vực quản lý tài nguyên, dịch vụ ăn uống thuộc lĩnh vực quản lý của ngành thương mại hoặc y tế… và việc thu phí liên quan đến chính sách về tài chính.
Chưa kể những vấn đề liên quan đến quy hoạch và mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình dịch vụ và nhiều vấn đề khác. Điều này đã khiến không ít nhà đầu tư, thậm chí cả chính quyền địa phương lúng túng...
Du lịch cộng đồng đang là một xu hướng phát triển tất yếu của Hải Phòng, trong điều kiện ngành “công nghiệp không khói” được xác định là một trong những mũi nhọn kinh tế của thành phố.
Thiết nghĩ, đây là mô hình mới, nên thành phố cần có những cơ chế, chính sách xứng đáng để khắc phục những bật cập và ghi nhận đúng tầm vai trò của du lịch cộng đồng trong điều kiện hiện nay.
Hoàng Minh