10:06 12/12/2019 Như Báo ANHP điện tử thông tin, ngày 6-12, Công an tỉnh Hải Dương công bố các quyết định điều động, bố trí 356 cán bộ Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 102 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm này, Hải Dương là một trong những địa phương trong cả nước sớm triển khai thực hiện đề án của Bộ Công an về việc đưa Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thị trấn...
Lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã làm lễ tuyên thệ
Trước đó, thực hiện chủ trương của Bộ Công an, Công an tỉnh Hải Dương bước đầu đã thực hiện có hiệu quả chủ trương tăng cường cơ sở, xây dựng Công an xã chính quy trên địa bàn. Giai đoạn I, từ tháng 4-2019, Công an tỉnh đã bố trí 82 đồng chí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã đối với 16 xã, thị trấn trên địa tỉnh, trong đó có 10 xã là địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT.
Về mô hình, các trưởng, phó trưởng công an xã và công an viên thường trực sẽ là công an chính quy, các chức danh còn lại là lực lượng bán chuyên trách. Tùy theo tình hình ANTT tại các địa phương, Công an tỉnh bố trí số lượng cán bộ, chiến sĩ Công an chính quy cho phù hợp. Công an xã, thị trấn chính quy được xác định là một đầu mối quản lý của Công an cấp huyện như Công an phường và các đội nghiệp vụ; đồng thời chịu sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của UBND các xã, thị trấn và sinh hoạt Đảng tại cơ sở theo quy định của Điều lệ Đảng.
Về việc bố trí, sắp xếp lực lượng Công an bán chuyên trách hiện có tại các địa phương, các đồng chí Trưởng công an, Phó trưởng công an xã, thị trấn tại những nơi bố trí, điều động Công an chính quy đến đảm nhiệm, trước đó Công an tỉnh đã đề nghị Tỉnh ủy- UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng các sở, ngành liên quan có phương án bố trí công tác phù hợp và thực hiện chế độ chính sách theo đúng quy định.
Theo đó, đối với các Phó trưởng công an, nếu không bố trí được công tác thì giải quyết chế độ theo quy định hoặc tiếp tục sử dụng, bố trí làm công an viên bán chuyên trách nếu có nguyện vọng. Còn đối với các Công an viên bán chuyên trách, chính quyền địa phương tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở, được hưởng chế độ, chính sách của Công an viên và bảo đảm ít nhất mỗi thôn, khu dân cư có 1 công an viên phụ trách địa bàn.
Theo đánh giá, 16 xã, thị trấn được bố trí Công an chính quy giai đoạn 1 đã từng bước củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở, trong đó lực lượng Công an đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo triển khai các kế hoạch, biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và TNXH, góp phần quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về tình hình ANTT trên địa bàn cơ sở... Qua đó, thiết thực góp phần tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh trao quyết định cho đại diện cán bộ được điều động
Theo Ban Giám đốc Công an tỉnh, những năm gần đây, tình hình ANTT tại các xã, thị trấn luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, đặt ra những khó khăn, thách thức đối với công tác bảo đảm ANTT tại cơ sở. Thực tế cho thấy, để giải quyết kịp thời những vấn đề, vụ việc phát sinh thì công tác nắm tình hình ngay từ ban đầu của lực lượng Công an ở cơ sở rất quan trọng. Trong khi đó, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Công an xã, thị trấn còn bộc lộ nhiều hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chính vì vậy, chủ trương thay thế lực lượng Công an bán chuyên trách bằng lực lượng Công an chính quy có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bám sát và thường trực tại các xã, thị trấn sẽ góp phần quan trọng, giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, đáp ứng tình hình thực tế công tác bảo đảm ANTT.
Trên cơ sở kết quả tích cực của giai đoạn 1, Công an tỉnh tiếp tục triển khai giai đoạn 2, điều động 191 cán bộ Công an các huyện, thị xã, thành phố đến nhận công tác và giữ chức vụ Trưởng, Phó Trưởng Công an xã, thị trấn và 165 cán bộ đến đảm nhiệm chức danh Công an viên tại 102 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy- UBND tỉnh và Công an tỉnh Hải Dương chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ được điều động
Bên cạnh kết quả tích cực, Đại tá Lê Ngọc Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cũng chia sẻ những khó khăn khi thực hiện chủ trương đưa lực lượng Công an chính quy về xã. Trong đó đầu tiên là việc bố trí công việc mới cho lực lượng Công an bán chuyên trách. Trong bối cảnh nhiều xã mới sáp nhập, việc này khó hơn do đội ngũ cán bộ dôi dư khá đông.
Thứ hai là về cơ sở vật chất nơi làm việc của lực lượng Công an xã. Theo quy định, mỗi xã có ít nhất có 3 đồng chí Công an chính quy phải có phòng làm việc, chỗ ăn ở sinh hoạt vì anh em phải trực 24/24 giờ. Do đó, các địa phương cần quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để lực lượng Công an chính quy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền 70 xã còn lại trên địa bàn tỉnh Hải Dương cần quan tâm công tác bố trí các trưởng Công an xã bán chuyên trách làm công việc khác để thực hiện đưa Công an chính quy về đảm nhiệm trong tháng 1-2020; bố trí nơi làm việc, bố trí kinh phí hỗ trợ lực lượng Công an để xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm các điều kiện để hoạt động.
Về phía các đồng chí được bố trí về công tác tại các xã, thị trấn, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng phấn đấu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức, tư thế, lễ tiết, tác phong người CAND; tăng cường bám dân, bám cơ sở và nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nhằm đảm bảo giữ vững ổn định ANCT-TTATXH trên địa bàn.
THỦY NGUYÊN
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão