Công an tỉnh Hải Dương: Quyết liệt đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người

19:15 13/09/2017

Trong cuộc chiến với những kẻ coi con người như một thứ “hàng hóa” với thủ đoạn bất chấp và ngày càng tinh vi, những chiến sĩ Công an tỉnh Hải Dương vẫn không quản ngại khó khăn, nỗ lực đấu tranh ngăn chặn...

Lật tẩy thủ đoạn tinh vi

Khoảng tháng 6-2016, chị Đỗ Ngọc T, sinh 1994, ở tỉnh Hải Dương sau một thời gian mất tích khỏi địa phương bất ngờ trở về nhà. Sau thời điểm đó, dư luận trên địa bàn bắt đầu râm ran, bàn tán về việc thỏa thuận đền bù “bồi thường” nhân phẩm giữa gia đình nạn nhân T với một nhóm đối tượng ngoài xã hội. Thông tin trên ngay lập tức được các trinh sát Đội phòng chống tệ nạn và mua bán người (Đội 6), Phòng PC45- Công an tỉnh Hải Dương vào cuộc xác minh.

Lực lượng Công an tỉnh Hải Dương tuyên truyền phòng chống tội phạm mua bán người tại địa bàn cơ sở 

Từ đây, một đường dây mua bán người qua biên giới đã bị Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh bóc gỡ, triệt phá trong đó đối tượng cầm đầu là “nữ quái” Lê Thị Hương, sinh 1992, ở xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà cùng 2 đồng phạm là Vũ Thị Thúy, sinh 1992 và Phạm Thị Thương, sinh 1993, cùng ở xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Một số đối tượng phạm tội mua bán người bị bắt giữ

Theo lời của T, khoảng năm 2012 qua các mối quan hệ xã hội, chị quen biết Thương. Biết hoàn cảnh riêng của T, Thương đặt vấn đề với T ra Móng Cái (Quảng Ninh) bán dâm với giá 10 triệu đồng/ lần cho một giám đốc doanh nghiệp nhiều tiền, chịu chơi. Cô gái T trẻ người, đã bị khoản lợi nhuận trên làm mờ mắt nên đã đồng ý. Thực hiện kế hoạch, sau đó Thương cùng một số đối tượng đã đưa T sang Trung Quốc. Tại đây, Hương đã đe dọa, ép T phải nhiều lần bán dâm cho khách. Không chịu được tủi nhục cay đắng, T đã tìm cách thoát thân.

Từ thông tin bị hại, chân dung đối tượng Lê Thị  Hương đã được các trinh sát dựng lên tỉ mỉ. Sau khi học xong THPT, Hương đi làm thuê mướn ở nhiều công ty rồi cuối cùng dạt vào làm nhân viên cho một vũ trường. Môi trường không lành mạnh cùng những cuộc chơi thâu đêm, suốt sáng đã biến Lê Thị Hương, một kẻ lười lao động đua đòi thành một con người khác. Và rồi “chơi dao có ngày đứt tay”, Hương đã bị một đối tượng lừa sang Trung Quốc bán.

Từng là nạn nhân của đường dây mua bán người, hơn ai hết thị thấu hiểu tỉnh cảnh của những cô gái bị bóc lột về thân xác, bị đối xử tàn tệ chẳng khác gì một món đồ chơi trong các nhà chứa mại dâm ở Trung Quốc. Nhưng vì đồng tiền và cũng vì để có cơ hội được trở về nước, đối tượng này lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.

Cuối năm 2016, lực lượng Công an tỉnh tiếp tục phá đường dây mua bán người và trẻ em, bắt giữ cặp “vợ chồng” Nguyễn Quang Phong, sinh 1995, ở  xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, Bắc Giang và Nguyễn Thị Trang, sinh 1998, ở thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương.

Kết quả điều tra xác định: Phong và Trang Kiều đi lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc, quen nhau rồi cùng bàn bạc trở về Việt Nam lừa bán người. Cuối tháng 4-2015, Phong và Trang Kiều đã bán 3 chị gồm: Trần Thị Thu Ph, sinh 1999; Nguyễn Ph, sinh 2000 và Nguyễn T, sinh 2001 cùng ở Hưng Yên sang Trung Quốc làm gái bán dâm với giá 42.000 NDT.

Quyết liệt đấu tranh

Để ngăn ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh Hải Dương đã triển khai có hiệu quả nhiều kế hoạch.

Lực lượng Công an các đơn vị nghiệp vụ và địa phương, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm về tệ nạn mua bán người đã tập trung khảo sát tình hình tội phạm, tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức vận động, tuyên truyền kết hợp với phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống, tố giác tội phạm. Từ năm 2012-2016, Công an tỉnh đã phát hiện nhiều vụ việc, trong đó đã triệt phá hơn 10 chuyên án đấu tranh với các đường dây mua bán người.

Đại tá Cù Ngọc Nam, Trưởng phòng PC45- Công an tỉnh đánh giá: thủ đoạn của các đối tượng buôn người hết sức tinh vi, xảo quyệt, chúng có xu hướng hoạt động liên tỉnh, liên kết với các đối tượng ở nhiều địa phương và với người nước ngoài để hình thành các đường dây phạm tội khép kín.

Phổ biến là các đối tượng tìm đến các vùng nông thôn lợi dụng mối quan hệ họ hàng, quen biết để dụ dỗ, lôi kéo, hứa hẹn tìm kiếm giới thiệu việc làm ở những nơi có thu nhập cao, cuộc sống nhàn hạ, sau đó đưa thẳng lên biên giới chuyển cho đồng bọn bán sang Trung Quốc (chiếm 90% số vụ việc xảy ra) rồi ép làm gái bán dâm, làm vợ hợp pháp hoặc cưỡng bức lao động, nếu muốn về nước phải bỏ ra một lượng lớn tiền để chuộc.

Đáng chú ý hiện nay, tội phạm mua bán người thường lợi dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook…, hoặc trò chơi trực tuyến trên Internet để làm quen, kết bạn, tạo dựng lòng tin, quan hệ yêu đương với các em gái có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quản lý của gia đình để lừa bán ra nước ngoài.

Sau khi gây án, các đối tượng thường bỏ trốn gây khó khăn cho công tác xác minh, điều tra và truy bắt, chưa kể công tác giải cứu nạn nhân đòi hỏi rất nhiều công sức. Tuy nhiên nhiều người vẫn sa vào “bẫy” của bọn buôn người, một phần có lỗi của chính các nạn nhân.

Thực tế cho thấy, không ít các nạn nhân thường nhẹ dạ, cả tin, mới chỉ quen biết sơ đối tượng nhưng đã sẵn sàng bỏ nhà đi theo chúng. Ngoài ra khó khăn trong vấn đề xử lý bọn tội phạm buôn người là một số nạn nhân sau khi được giải cứu, hồi hương lại không trình báo, tố giác do mặc cảm những điều tủi nhục trong thời gian lưu lạc ở xứ người.

Chính điều này gây khó khăn trong công tác điều tra đối với lực lượng chức năng, và cũng là kẽ hở để tội phạm buôn người tiếp tục ẩn mình và hoạt động.

HIẾU CHUNG

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông