20:30 27/10/2017 Đặc khu hành chính - kinh tế, nơi thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm cả cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật cho nước sở tại. Khi xây dựng thành công các đặc khu cũng đồng nghĩa với việc đời sống của người dân trong vùng có sự chuyển biến tích cực, góp phần ổn định trật tự xã hội. ANHP xin tiếp tục giới thiệu về kinh nghiệm của một số quốc gia trong phát triển đặc khu kinh tế...
Hong Kong thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới
Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc)
Là vùng lãnh thổ tập trung phát triển kinh tế dịch vụ, đặc biệt là cảng biển, tài chính, ngân hàng, được đánh giá là một trong những nền kinh tế tự do nhất thế giới. Cơ quan cao nhất của Hồng Kông là Cục hành chính và Cục lập pháp với người đứng đầu là toàn quyền Hồng Kông đại diện cho Chính phủ Trung Quốc.
Hoạt động chủ yếu của chính quyền Hồng Kông chỉ bao gồm: cung cấp các dịch vụ công cho doanh nghiệp và cư dân; giám sát thị trường tài chính; phát triển giáo dục, y tế...
Nhà đầu tư nước ngoài được quyền tự do lựa chọn hạng mục đầu tư, di chuyển vốn và lợi nhuận; xuất nhập khẩu; quyền sở hữu và kinh doanh; tuyển dụng và sa thải công nhân viên...
Hồng Kông quy định mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 17 - 18%, không thu thuế thặng dư vốn, không áp dụng thuế luỹ tiến, miễn thuế xuất nhập khẩu trừ một số sản phẩm đặc biệt, tất cả các hàng hoá chuyển khẩu qua Hồng Kông đều phải làm thủ tục khai báo hải quan, nhưng không phải nộp thuế.
Quyền thuê đất được chuyển nhượng với giá ưu đãi cho nhà đầu tư, đáp ứng các yêu cầu của chính quyền, trong đó quy định những sản phẩm sản xuất và tiêu thụ nội địa phải phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp của Hồng Kông.
Khu vực “toà nhà công nghiệp” được xây dựng nhằm tập trung các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, Hồng Kông còn duy trì quỹ đất chuyên dùng cho các doanh nghiệp kỹ thuật cao, doanh nghiệp đòi hỏi công nhân lành nghề, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm giá trị cao, và các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu.
Thành phố quốc tế tự do Jeju (Hàn Quốc)
Năm 2006, Hàn Quốc thành lập thành phố quốc tế tự do Jeju với 5 mục tiêu phát triển gồm: tự trị phân quyền cao, phát triển thị trường toàn cầu, tăng cường phúc lợi xã hội, giao lưu văn hóa quốc tế và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Thành phố Jeju chọn giáo dục, y học, công nghiệp công nghệ cao và du lịch làm hạt nhân cho sự phát triển của mình, trong đó tập trung thu hút xây dựng cơ sở giáo dục quốc tế; các trung tâm y tế được điều hành bởi các tập đoàn nước ngoài.
Chính phủ Hàn Quốc thành lập Ủy ban hỗ trợ cho thành phố gồm 30 thành viên do Thủ tướng Chính phủ giữ chức vụ Chủ tịch. Điều hành hoạt động của thành phố là Hội đồng địa phương, đứng đầu là Thống đốc, được toàn quyền trong tất cả các lĩnh vực ngoại trừ quốc phòng, ngoại giao.
Chính quyền thành phố được phân cấp 1.336 thẩm quyền quy định chi tiết trong Luật đặc biệt về thành phố tự trị Jeju. Khách du lịch (trừ 11 quốc gia) đến đảo Jeju được miễn visa trong vòng tối đa 30 ngày với mục đích tham quan, du lịch.
Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư bất động sản trị giá ít nhất 500 triệu won (450.000 USD) và duy trì trong vòng 5 năm tại đảo Jeju là sẽ được cấp giấy phép thường trú tại Hàn Quốc, được hưởng đãi ngộ như công dân nước Hàn Quốc về chính sách y tế, giáo dục, hỗ trợ tìm việc.
Quần đảo Cayman (Vương quốc Anh)
Đảo Cayman thực sự là một đảo thuế vụ thiên đường. Từ năm 1985 sau khi bãi bỏ thuế thu nhập cá nhân (Head Tax), cư dân và công ty đều không cần phải trực tiếp nộp thuế.
Nơi đây không có thuế giá trị gia tăng (Capital Gains), thuế thừa kế (Inheritance Tax) hoặc thuế quà biếu (Gift Tax), đều không cần phải đóng thuế tài sản và không hạn chế quyền sở hữu tài sản và đất đối với người nước ngoài.
Với những chính sách thông thoáng, linh hoạt trong điều hành kinh tế và những ưu đãi nổi trội về thuế, quần đảo Cayman là địa điểm có nhiều quỹ đầu tư trên thế giới - nắm giữ 265 tỷ USD trái phiếu Mỹ và trở thành chủ nợ lớn thứ ba của Mỹ, chỉ đứng sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Theo một báo cáo được Oliver Wyman & Co công bố năm 2014, khoảng 60% tài sản của các quỹ đầu cơ trên toàn thế giới được chuyển về quần đảo Cayman.
Mặc dù là một quốc đảo có diện tích nhỏ, dân số ít, nhưng với thu nhập bình quân khoảng 47,000 CI$ (57,316 USD), người dân Cayman có mức sống cao nhất tại vùng biển Caribe.
Khu vực ASEAN
Các quốc gia ASEAN gần đây cũng đẩy mạnh xây dựng đặc khu kinh tế với các cơ chế, chính sách thông thoáng hơn các khu vực trong nước để thu hút đầu tư nước ngoài.
Năm 2009, Malaysia thành lập đặc khu kinh tế ECER (Khu vực Kinh tế bờ Đông) với vai trò là chất xúc tác để thúc đẩy sản xuất và thương mại trong khu vực với các chính sách đặc thù.
Năm 2009, Indonesia ban hành Luật đặc khu kinh tế và đến nay đã thành lập 10 đặc khu kinh tế ở khu vực ven biển với mục tiêu đưa Indonesia trở thành điểm đến đầu tư chính ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cạnh tranh quốc tế.
Thái Lan bắt đầu thí điểm triển khai xây dựng 5 đặc khu kinh tế vào năm 2014 và phát triển thêm 5 đặc khu kinh tế khác vào cuối năm 2016 ở các khu vực cửa khẩu biên giới nhằm tạo ra các động lực phát triển kinh tế vùng và phát triển một số ngành, lĩnh vực then chốt.
Năm 2014, Myanmar thông qua Luật đặc khu kinh tế để áp dụng cho 3 đặc khu kinh tế là Dawei, Thilawa và Kyaukphyu.
HẢI HẬU