Đánh sập những vụ lừa đảo hàng tỉ đồng

09:58 01/04/2019

Lập công ty “ma”, làm hồ sơ giả, phương án kinh doanh giả, phô trương “tài sản giả” nhằm “huy động vốn”; sử dụng con dấu, giấy tờ giả mạo của công ty khác để chuyển, rút tiền từ ngân hàng; giả danh nhà báo, công an hay mạo nhận quen biết với người có chức, có quyền rồi hứa hẹn, nhận tiền “chạy” việc, “chạy” học..., hàng loạt vụ việc với những chiêu trò hiểm ác lừa đảo số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng đã bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh phanh phui…

Trần Thị Ngọc tại phiên tòa xét xử ngày 25-10-2018

Làm giả con dấu, chữ kí để chiếm đoạt tài sản

Khoảng giữa tháng 3-2018, Văn phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an tỉnh nhận được đơn thư tố giác của công ty TNHH Đại Lộc Phát với lý do phát hiện trong tài khoản tại Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Hạ Long “vô cớ” bị rút mất gần 2 tỷ đồng. Ngay sau khi nhận được tin báo, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã báo cáo xác lập chuyên án 1704L.

Qua điều tra, cơ quan công an xác định trong 2 ngày 5 và 7-3-2018, Phòng giao dịch Bạch Đằng - Chi nhánh Quảng Ninh - Ngân hàng TMCP Ngoại thương đã nhận được yêu cầu của một khách hàng có tên là Dương Thị Mỹ Thu cùng với  3 ủy nhiệm chi của Công ty Đại Lộc Phát, để làm thủ tục chuyển tổng số tiền 1.749.758.500 đồng từ tài khoản Công ty Đại Lộc Phát sang tài khoản của Công ty Vinh Xuân qua Ngân hàng TMCP Quân Đội, Chi nhánh Quảng Ninh.

Sau 4 ngày điều tra, xác minh, Văn phòng CSĐT, Công an tỉnh Quảng Ninh  xác định người khách hàng tên Dương Thị Mỹ Thu là kế toán của công ty - Trần Thị Ngọc, SN 1989, trú tại tổ 26, khu 3, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long.

Ban đầu, tại cơ quan CSĐT, Ngọc ngoan cố không khai nhận về hành vi phạm tội của mình, khai quanh co rằng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng  rút từ Công ty Đại Lộc Phát đã được chuyển vào tài khoản của công ty có tên Vịnh Xuân, được mở tại Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Quảng Ninh. Người đại diện, chủ tài khoản của Công ty Vinh Xuân đã rút số tiền trên là Dương Thị Mỹ Thu nhưng không rõ địa chỉ thực ở đâu...

Song với những bằng chứng thuyết phục không thể chối cãi và thái độ kiên quyết đấu tranh của cán bộ điều tra, Ngọc đã phải cúi đầu nhận tội. Theo đó, trong thời gian làm kế toán của Công ty Đại Lộc Phát, Ngọc đã lưu giữ mẫu con dấu cũ và mới của công ty này và dấu tên ông Zhu Xu Rui, Phó Giám đốc, Chủ tài khoản Công ty Đại Lộc Phát nhằm chờ cơ hội thực hiện các hành vi làm giả giấy tờ, con dấu để chiếm đoạt tài sản.

Sau khi nghỉ việc, thông qua mạng xã hội Facebook, Ngọc tìm một đối tượng tên là Phạm Văn Mạnh (không rõ địa chỉ) để thuê làm giả các mẫu dấu và giấy tờ giả, sau đó đến Phòng giao dịch Bạch Đằng, chi nhánh Quảng Ninh để chuyển số tiền 1.183.258.500 đồng từ tài khoản Công ty Đại Lộc Phát sang tài khoản công ty Vinh Xuân. Cũng với phương thức, thủ đoạn trên, ngày 7-3-2018, Ngọc tiếp tục rút và chiếm đoạt 640.000.000 đồng từ tài khoản này.

Trung tá Nguyễn Tuấn Hưng, Đội trưởng Đội điều tra và thẩm định án, Văn phòng CSĐT, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Các đối tượng làm con dấu, giấy tờ giả của các công ty hợp pháp một cách rất tinh vi, do đó khi đến các ngân hàng giao dịch rất khó bị phát hiện.

Hơn nữa, thủ phạm thực hiện hành vi phạm tội lại chính là người của công ty, đối tượng đã nắm bắt được cách thức giao dịch, quy luật hoạt động của công ty, các sơ hở trong công tác quản lý..., đây là một trong những “điều kiện” để đối tượng thực hiện hành vi phạm tội”.

Đây mới chỉ là một trong những vụ án lừa đảo với số tiền hàng tỷ đồng mà Văn phòng CSĐT - Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận, thụ lý. Trong năm 2018, toàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra 49 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã điều tra, làm rõ 37 vụ, 39 đối tượng, tài sản thiệt hại 34,9 tỷ đồng; trong đó cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố 66 vụ, 66 bị can với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan CSĐT khám xét nhà đối tượng Cao Thị Hòa

Lập công ty “ma” để lừa đảo

Ngày 29-5-2018, Văn phòng CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận đơn tố giác của anh Trịnh Phú Chung tố giác Cao Thị Hòa, trú tại tổ 3, khu 8, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 16 tỷ đồng.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Văn phòng CSĐT đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, nhận định đây là một vụ án lừa đảo có tính chất nghiêm trọng, đối tượng chiếm đoạt số tiền lớn, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Cao Thị Hòa để tiếp tục điều tra.

Theo hồ sơ vụ án, Cao Thị Hòa thành lập Công ty TNHH MTV vận tải và thương mại Xuân Thịnh (Công ty Xuân Thịnh). Tháng 6-2017, thông qua một người quen, Hòa gặp anh Trịnh Phú Chung, Hòa giới thiệu công ty Xuân Thịnh đang làm ăn tốt và cần vốn 26 tỷ để mở rộng kinh doanh. Để anh Chung tin tưởng, Hòa dẫn anh Chung đến trụ sở công ty, đến kho bãi ở Hải Phòng và nhiều nơi khác giới thiệu là của công ty và gửi cho anh Chung xem nhiều tài liệu của Công ty Xuân Thịnh về việc ký kết các hợp đồng mua bán, làm ăn với các doanh nghiệp khác…

Sau đó, anh Chung và Hòa lập một hợp đồng góp vốn với giá trị 26 tỷ đồng và anh Chung đã chuyển khoản góp vốn vào tài khoản của công ty 16 tỷ đồng...

Sau khi nhận được tiền của anh Chung, Hòa đã chuyển lại cho anh Chung nhiều lần (tổng cộng 3 tỷ đồng), nói là tiền lợi nhuận từ việc kinh doanh nhưng thực chất là trích ra từ chính số tiền của anh Chung. Sau một thời gian góp vốn, nghi ngờ việc làm của Cao Thị Hòa cũng như của Công ty Xuân Thịnh không minh bạch nên anh Chung yêu cầu Hòa trả lại số tiền mà anh đã góp thì Hòa không thực hiện được.

Thượng úy Nguyễn Trung Hiếu, Văn phòng CSĐT, Công an tỉnh cho biết: “Đối tượng sử dụng thủ đoạn hết sức tinh vi để lừa nạn nhân, để nạn nhân tin tưởng và giao tiền, đối tượng tạo vỏ bọc mình có điều kiện về kinh tế, có quan hệ với các lãnh đạo chính quyền địa phương, lãnh đạo trong các tập đoàn kinh doanh lớn; đối tượng thuê trụ sở công ty tại Vinhomes Hạ Long, trong trụ sở lập ban điện thờ lớn, mượn xe ô tô đắt tiền sử dụng, dùng biển tên công ty giả để gắn vào nhiều kho bãi ở nhiều nơi trên địa bàn TP Hải Phòng, Quảng Ninh và giới thiệu là kho bãi của công ty...”.

Đối tượng Trần Văn Khởi bị bắt giữ tại cơ quan công an

Mạo danh Công an “chạy việc”, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng

Thông qua một người quen giới thiệu "Trần Văn Khởi, trú tại xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, đang làm công an tại Hà Nội, có khả năng “chạy” được vào biên chế chính thức ngành công an", anh L.Q.Đ, ở Quảng Ninh đã tin tưởng và nhiều lần đưa tiền cho Khởi để “chạy” cho con trai anh Đ vào biên chế trong ngành công an sau khi hết thời hạn đi nghĩa vụ.

Khởi hứa hẹn có khả năng xin được cho cháu L.Q.V (con trai anh Đ) vào biên chế chính thức ngành công an nên nhiều lần đề nghị anh Đ đưa tiền. Do quá mong mỏi con có được việc làm và vẫn tin vào những lời hứa hẹn của Khởi, anh Đ đã đưa tiền cho Khởi nhiều lần, từ năm 2015 đến tháng 3-2018 với số tiền khoảng 1,1 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, đến khi cháu V thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, ra khỏi ngành Công an, không thấy Khởi thực hiện như lời hứa nên đã đòi lại tiền nhưng Khởi không trả lại mà viết giấy nhận nợ. Nghi ngờ mình bị lừa, anh Đ đã đến cơ quan công an trình báo.

Ngay sau khi nhận được tin báo, cơ quan CSĐT - Công an tỉnh đã tiến hành xác minh, làm rõ đối tượng Trần Văn Khởi làm nghề tự do, không có việc làm ổn định, thường xuyên vắng mặt tại địa phương, có biểu hiện trộm cắp trong xã. Ngày 26-2, Cơ quan CSĐT đã thuyết phục, vận động Khởi đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.

Như vậy, mặc dù không rõ xuất thân, lai lịch, nghề nghiệp của Khởi, quá tin tưởng vào 1 người quen mà anh Đ đã vô tình để đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng. Đây là một bài học đắt giá về sự mất cảnh giác, thiếu hiểu biết của những người có ý định mất tiền “chạy việc”.

Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà các đối tượng sử dụng có điểm chung là tạo vỏ bọc hoàn hảo, lợi dụng sự cả tin, mất cảnh giác hoặc lòng tham của người bị hại hay những sơ hở trong công tác quản lý của doanh nghiệp để dựng thành nhiều kịch bản khác nhau nhằm thu lợi bất chính, chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Trước tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi, đặc biệt sự phát triển của khoa học công nghệ, mạng xã hội với hình thức kinh doanh online, thanh toán chuyển khoản..., người dân cần nâng cao cảnh giác khi thực hiện các giao dịch “ảo” với những người không rõ lai lịch để tránh rơi vào cạm bẫy “tiền mất, tật mang”, gây thiệt hại về tài sản, tổn thất về tinh thần cho chính mình và xã hội.

HẢI YẾN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông