17:51 07/04/2014
Khi Nava viên tướng quân viễn chinh Pháp chọn và xây dựng căn cứ Điện Biên Phủ làm pháo đài bất khả xâm phạm để án ngữ vị trí trọng điểm bảo vệ vùng thượng Lào và quyết giữ Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào, thì phương án tiến công của ta cơ bản dự thảo xong. Đầu tháng 1-1954, Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi Đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương”. Bộ Chính trị đã cử Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận. Với quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân đội Việt Minh đã huy động 11 trung đoàn bộ binh thuộc các đại đoàn bộ binh (304, 308, 312, 316), 1 trung đoàn công binh, 1 trung đoàn pháo binh 105 ly, 1 trung đoàn pháo binh 75 ly, súng cối 120 ly, 1 trung đoàn cao xạ 24 khẩu 37 ly thuộc đại đoàn công pháo 351 (công binh và pháo binh). Ngày 14-1-1954, tại hang Thẩm Púa, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên), Đại tướng Tổng tư lệnh và Ban chỉ huy mặt trận của Việt Minh phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án "đánh nhanh, thắng nhanh", dự định ngày 20-1 sẽ nổ súng. Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu, đã được Trung ương Đảng Lao động Việt nam, Quân uỷ Trung ương cùng Bộ tổng tham mưu phê duyệt với sự nhất trí của đoàn cố vấn quân sự trung ương Trung Quốc. Ngày và đêm 25-1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định lui quân do một số khó khăn. Đại tướng quyết định chuyển phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" sang phương án "đánh chắc, tiến chắc", đánh dài ngày theo kiểu "bóc vỏ" dần tập đoàn cứ điểm. Bằng sự mưu trí dũng cảm, gần 2 tháng sau, pháo được kéo ra, quân Việt Minh tiếp tục đánh nghi binh, mở đường rộng hơn, dài hơn xung quanh núi rừng Điện Biên Phủ, rồi lại kéo pháo vào, xây dựng công sự kiên cố hơn, hào được đào sâu hơn, tiếp cận gần hơn căn cứ của quân Pháp; lương thảo, vũ khí từ hậu phương dồn lên cho mặt trận nhiều hơn. Tất cả chuẩn bị cho trận đánh dài ngày, có thể sang đến cả mùa mưa. Trận đánh diễn ra trong 55 ngày đêm, được chia làm 3 đợt, do ta khó khăn về hậu cần nên không thể tiến công liên tục. Đợt 1 từ ngày 13-3 đến 17-3, quân Việt Minh tiêu diệt phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. 17h05 ngày 13-3-1954, trận đánh bắt đầu. Quân ta bắn pháo dữ dội, tiến công cụm cứ điểm kiên cố nhất là cụm cứ điểm Him Lam. Sau 1 đêm đã chiếm xong cụm cứ điểm này. Đến ngày 17-3, Việt Minh lần lượt mỗi ngày diệt một cứ điểm: đồi Độc Lập, Bản Kéo và toàn bộ phân khu Bắc. Pháo binh của ta đã loại bỏ khả năng cất, hạ cánh của địch tại sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm. Từ đây, quân Pháp nhận thức rõ những điểm yếu chết người của mình và tương lai thất bại rõ ràng nhưng họ vẫn tăng cường cầm cự Điện Biên Phủ đến mức tối đa vì hy vọng khi mùa mưa đến Việt Minh không thể giải quyết vấn đề hậu cần và sẽ bỏ cuộc. Đợt 2 từ ngày 30-3 đến 30-4, Việt Minh đánh phân khu trung tâm đặc biệt là dãy điểm cao quan trọng phía đông, vây lấn bóp nghẹt tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tiến công vào phân khu trung tâm, chủ yếu nhằm chiếm dãy đồi phía đông, khống chế cánh đồng Mường Thanh. Tại đây, hai bên đánh nhau giành đi giật lại các mỏm đồi có tính sống còn đối với tập đoàn cứ điểm, đặc biệt là các đồi A1, C1, D1. Để chống lại các cứ điểm phòng ngự kiên cố của quân Pháp, quân đội Việt Minh đã áp dụng chiến thuật "vây lấn" rất có hiệu quả bằng hệ thống chiến hào, đào các giao thông hào dần dần bao vây và siết chặt, tiếp cận dần vào các vị trí của Pháp.
Quân Việt Minh vây lấn đào hào cắt ngang cả sân bay, đến tận chân lô cốt cố thủ, khu vực kiểm soát của quân Pháp bị thu hẹp đến mức không thể hẹp hơn. Pháp càng ngày càng yếu thế tại Điện Biên Phủ. Quân Pháp chỉ còn trông đợi vào dù tiếp tế nhưng phạm vi chiếm đóng bị thu hẹp và máy bay bị hệ thống phòng không của Việt Minh đánh mạnh nên dù tiếp tế và cả lính nhảy dù phần nhiều rơi sang phía ta. Đợt 3 từ ngày 1-5 đến 7-5, Việt Minh đánh dứt điểm dãy đồi phía đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại sau khi lực lượng của Pháp tuyệt vọng, suy kiệt, không thể duy trì sức chiến đấu. Trong khi đó, quân Pháp ở Bắc bộ cũng đã hết lính dù để có thể ném tiếp xuống Điện Biên Phủ. Lúc này, quân Việt Minh tổ chức đợt đánh dứt điểm các quả đồi phía đông. Bộ đội công binh Việt Nam đã đào hầm ngầm phía dưới đồi A1 và cho nổ 1 tấn thuốc nổ, hất tung hệ thống hầm ngầm cố thủ cuối cùng của Pháp. Đến sáng 7-5, các quả đồi phía đông này đã thất thủ hoàn toàn, phía Pháp không còn lực lượng để chiếm lại. Quân đội Nhân dân Việt Nam tổng tiến công trên khắp các mặt trận khiến quân Pháp sức tàn lực kiệt. Lúc 17h15, quân ta tiến sát cửa hầm sở chỉ huy chiến dịch, tướng Đờ Cát xuất hiện cờ trắng xin hàng. Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt thiếu tướng chỉ huy Christian de Castries và toàn bộ ban tham mưu tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, chiến đấu liên tục, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp. Hồng Hải |