Độc đáo kiến trúc Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc

19:16 27/04/2023

Nằm trên địa bàn xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc được xây dựng từ tháng 10 năm 2009 nhằm ghi nhớ công ơn của nhà Mạc, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử Vương triều Mạc một thời. Đến với Khu tưởng niệm, du khách không chỉ được lắng nghe, chiêm nghiệm về thân thế, sự nghiệp của Thái tổ Mạc Đăng Dung – người sáng lập ra triều đại nhà Mạc, mà còn bị thu hút bởi những kiến trúc độc đáo, tinh xảo được các nghệ nhân dày công chế tác.

Sử sách lưu truyền

Nhà chính điện của Khu tưởng niệm Vương triểu Mạc được chạm khắc tinh tế

Theo sử sách ghi lại, Mạc Đăng Dung (1483 – 1541) là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Thuở nhỏ Mạc Đăng Dung làm nghề đánh cá, nhưng lại là người trí dũng hơn người. Tục truyền ông có ấn tướng ở vai là xương liền thẳng, học võ rất giỏi, lại sở trường môn vật và múa đao. Đến khoa thi võ, ông đỗ Đô lực sĩ xuất thân - Võ Trạng nguyên, được sung quân Túc vệ. Khi triều Lê suy yếu, các tướng chia bè phái đánh lẫn nhau, bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, Mạc Đăng Dung được giao trấn thủ Hải Dương. Vua Lê Chiêu Thống ở kinh thành Thăng Long bị quân khởi nghĩa của Nguyễn Kính nổi loạn, uy hiếp. Mạc Đăng Dung mang quân về kinh thành cứu giá, một mình dẹp loạn, được phong làm Bình chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công...

Ban thờ chính điện

Tháng 6 năm 1527, ông được Lê Cung Hoàng nhường ngôi vua, lập ra nhà Mạc với niên hiệu Minh Đức. Đến năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh - tức Mạc Thái Tông, lui về làm Thái thượng hoàng, xây dựng thành nhà Mạc tại vùng đất Hải Phòng ngày nay.

Nhà Mạc đã trải qua 5 đời vua: Mạc Đăng Dung (1527 - 1529), Mạc Đăng Doanh (1530 - 1540), Mạc Phúc Hải (1541 - 1546), Mạc Phúc Nguyên (1546 - 1560) và Mạc Mậu Hợp (1560 - 1592). Đến đầu năm 1593, triều đại nhà Mạc chính thức khép lại dưới tay quân Lê-Trịnh, đánh dấu 65 năm trị vì.

Hình ảnh chiếc kiệu rước Đức Thái tổ

Dưới triều Mạc, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam có nhiều thành tựu được lịch sử ghi nhận. Khác với nhà Lê luôn theo đuổi nền kinh tế “vương quyền”, “trọng nông ức thương”, nhà Mạc đã nới lỏng cơ chế quản lý, tạo điều kiện, khuyến khích kinh tế tư nhân cùng với những nhân tố kinh tế - xã hội mới phát triển.

Về văn hóa, trong 65 năm tồn tại, nhà Mạc cứ 3 năm tổ chức 1 kỳ thi và đã tổ chức được 22 khoa thi Hội, lấy đỗ 485 vị tiến sĩ, trong đó có 13/48 vị trạng nguyên trong tổng số 800 năm thi cử phong kiến Việt Nam…

Để ghi nhớ công ơn của họ Mạc cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử vương triều Mạc, năm 2009, Khu tưởng niệm Vương triều Mạc được khởi công xây dựng tại làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy. Theo đó, đánh giá đúng vị thế của Vương triều Mạc và Dương Kinh, Bộ Văn hóa và Thể thao quyết định xếp hạng di tích, công nhận “Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng là Di tích Lịch sử, Văn hóa Quốc gia” vào năm 2004.

 Kiến trúc độc đáo cùng những cổ vật quý

Nghi môn nội của Khu tưởng niệm

Quần thể di tích khu tưởng niệm được xây dựng trên diện tích quy hoạch là 10,5 ha, nhưng hiện tại mới hoàn thành giai đoạn 1 và 2 là 2,5 ha bao gồm các hạng mục như: Nghi môn ngoại, cầu đá, hồ cá, nghi môn nội, nhà văn bia, nhà giải vũ và nhà chính điện.

Nghi môn ngoại với kết cấu tứ trụ

Nghi môn ngoại có kết cấu kiểu tứ trụ, hai trụ chính cao 5.27m hai trụ bên cao 4.88m. Trên các đầu trụ trang trí đèn lồng giống búp sen, trên đỉnh trụ hai bên có đắp Lân và hai đỉnh trụ giữa có đắp Phượng. Thân bốn mặt có chạm khắc tứ quý. Cây cầu đá được làm bằng đá khối, liên kết mộng truyền thống, tường lan can đục rỗng trang trí hoa văn họa tiết tinh xảo.

Nhà văn bia có bia đá khắc chiếu nhường ngôi của nhà Lê cho nhà Mạc

Cổng của nghi môn nội có tổng diện tích 122.27m2, bao gồm nghi môn tả, nghi môn hữu. Nghi môn làm thành hai tầng, tám mái chồng diêm, ba gian và bốn hàng chân cột. Tả - hữu môn xây gạch, mái dán mũi hài phục chế. Họa tiết đắp vẽ hoa văn. Đi qua nghi môn nội sẽ là hai nhà văn bia với kết cấu kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, khung và mái bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, ngói chiếu hoa văn hình chữ Thọ.

Tiếp đến là hai nhà giải vũ. Trước kia nơi đây chính là nơi để các quần thần chuẩn bị soạn sửa xiêm y trước khi vào bái kiến Vua. Trọng tâm của Khu tưởng niệm là nhà chính điện được làm trên nền móng của Điện Tường Quang. Phần mái được xây dựng bờ nóc bờ chảy trên có đắp lưỡng long chầu nguyệt, đao mái được đắp hoa lá. Hình dáng đao được làm theo lề lối mực thước cổ. Mái lợp ngói mũi hài phục chế, mái chiếu có hoa văn chữ Thọ.

Cầu đá trang trí hoa văn họa tiết tinh xảo

Nhà chính điện có tổng diện tích 586.19 m2, được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của công trình lịch sử văn hóa thời Mạc với bố cục mặt bằng hình chữ công(I), bao gồm ba phần:7 gian tiền đường, 5 gian hậu cung và nối giữa tiền đường và hậu cung là ống muống hay còn gọi là nơi thiêu hương. Toàn bộ nhà chính điện được nâng đỡ bởi 100 cây cột gỗ lim.

7 gian tiền đường là nơi thờ linh vị của của những người đã kế tục sự nghiệp nhà Mạc sau năm 1592 khi nhà Mạc thất thủ tại Thăng Long, lúc đó con cháu và hậu duệ vẫn tiếp tục sự nghiệp trấn thủ tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang…và tồn tại hơn 85 năm.

Trong nhà chính điện, còn có chuông Đại Hồng chung do các nghệ nhân Huế đúc vào ngày 15 tháng 8 năm 2010 trước sự chứng kiến của con cháu họ Mạc gốc Mạc cùng đông đảo bà con địa phương và du khách thập phương. Trên chuông được chạm khắc hóa văn tinh xảo. Ngoài ra, các nhạc khí dùng cho việc hành lễ như chiêng, trống đều được đặt trang trọng bên trong nhà chính điện.

Thanh Định Nam Đao gắn với những chiến công của Đức Thái Tổ Mạc Đăng Dung

Đặc biệt, Khu tưởng niệm Vương triều Mạc hiện đang lưu giữ thanh Định Nam Đao của Mạc Thái Tổ. Đây là bảo đao đã cùng Thái tổ xông pha chiến trận và bách chiến bách thắng. Thanh đao dài 2m55, cân nặng 25,6 kg, lưỡi đao dài 0,95cm, cán đao dài 1.6m được làm bằng sắt rỗng, có cá chốt chặt lưỡi đao và cán đao. Một hình đầu rồng bằng đồng thau che kín phần cuối lưỡi đao vào cán đao thay thế cho khâu đao. Thanh Định Nam Đao đã gắn với công lao sự nghiệp của Thái Tổ Mạc Đăng Dung, trải qua nhiều biến cố thăng trầm, đến ngày 22-9-2010 (tức  ngày 15 tháng 8 năm Canh Dần), chi họ Phạm gốc Mạc ở thôn Ngọc Tỉnh, Xuân Trường, tỉnh Nam Định cùng con cháu dòng tộc và Nhân dân địa phương đã long trọng nghinh rước báu vật của tiên đế về lưu thờ tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc.

Các em học sinh tham dự Lễ hội Khai bút Xuân Quý Mão 2023 tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc

Theo Trưởng Ban quản lý Khu tưởng niệm Vương triều Mạc Nguyễn Văn Thành, bên cạnh những giá trị nổi bật về mặt lịch sử, lối kiến trúc độc đáo, văn hóa tâm linh. Khu tưởng niệm Vương triều Mạc còn mang giá trị nhân văn to lớn nhằm giáo dục thế hệ trẻ lòng tự tôn dân tộc. Năm 2012, UBND huyện Kiến Thụy đã quyết định đưa Lễ hội khai bút đầu xuân diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm vào hoạt động của Khu tưởng niệm. Với ước nguyện về một năm học hành tấn tới, thu cử đỗ đạt, Lễ hội khai bút đầu xuân không chỉ thu hút các em học sinh của các nhà trường trên địa bàn thành phố tham gia, mà còn thu hút hàng nghìn du khách gần xa và Nhân dân địa phương tham dự. Khu tưởng niệm Vương triều Mạc thực sự là một địa chỉ đỏ về văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử, hưởng thụ văn hóa của đông đảo quần chúng Nhân dân.

 LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông