Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười – Lịch sử và ấn tượng

16:11 05/10/2018

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Đỗ Mười có lẽ là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất có một bề dày hoạt động “đặc biệt” nhất, luôn gắn liền với những thời khắc vô cùng quan trọng của dân tộc.

 Tổng bí thư Đỗ Mười cùng các đồng chí lãnh đạo Hải Phòng (ảnh Lê Minh Thắng)

          Bản lĩnh tuyệt vời nơi đầu sóng ngọn gió

Nhìn vào tiểu sử hoạt động của đồng chí Đỗ Mười, dấu ấn chính trị ấn tượng đầu tiên có lẽ chính là vai trò lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông vào tháng 8-1945 khi ông mới 38 tuổi, trong hoàn cảnh đặc biệt của dân tộc sau 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, càng cho thấy khả năng kiệt xuất của ông. Chẳng thế mà những năm sau đó, ông lần lượt trở thành người lãnh đạo Đảng bộ của các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định và Khu tả ngạn sông Hồng. Điều đặc biệt là tất cả các địa bàn này đều bị quân Pháp chiếm đóng trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, nghĩa là tên tuổi của ông gắn liền với những chiến công lẫy lừng của quân và dân vùng đồng bằng sông Hồng trong suốt thời kỳ này.

Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết. Trong khi cả miền Bắc tưng bừng hân hoan hưởng niềm vui chiến thắng, thì Hải Phòng vẫn nằm trong họng súng của kẻ thù xâm lược. Thời điểm ấy, dẫu là đội quân bại trận, nhưng quân Pháp và tay sai lúc này dồn từ cả miền Bắc tràn về, mang theo những mưu đồ đen tối đầy cay cú và hận thù, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xung đột bất cứ lúc nào. Tất cả trách nhiệm nặng nề ấy dồn lên vai của đồng Đỗ Mười và những người cộng sự của ông. Để đến ngày 13-5-1955, ông dẫn đầu đội quân cách mạng tiến vào tiếp quản Hải Phòng. Ngày ấy cũng chính là ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Đồng chí Đỗ Mười trở thành Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban quân chính (UBND TP hiện nay) đầu tiên của Hải Phòng sau khi miền Bắc sạch bóng thù, thành phố Cảng cùng quân và dân ta vững bước tiến lên xây dựng CNXH hoàn toàn độc lập tự do theo đúng nghĩa.

Giữa đống đổ nát chiến tranh và sự phá hoại do quân Pháp đề lại, nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm Đỗ Mười đã bắt tay vào tái thiết Hải Phòng. Với những nỗ lực diệu kỳ, quân và dân Hải Phòng đã nhanh chóng phục hồi các cơ sở kinh tế, hệ thống cảng biển với nền tảng “6 kho” hoạt động trở lại, nhà máy xi măng tiếp tục nhả khói với sản phẩm mang thương hiệu “rồng xanh” nổi tiếng. Rồi chỉ 5 tháng sau ngày giải phóng, nhà máy cơ khí Duyên Hải đã được thành lập, trên nền tổ hợp cơ khí “Rô-be” cũ, mở đường cho sự nghiệp mới, đưa Hải Phòng trở lại là trung tâm kinh tế thuộc diện lớn nhất miền Bắc.

Đồng chí Đỗ Mười tại Hải Phòng tháng 5-1955 (ảnh tư liệu)

Tư duy chiến lược tầm vĩ mô

Trước khi trở thành một trong những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, đồng chí Đỗ Mười là “thủ lĩnh” những ngành quan trọng bậc nhất của quốc gia liên quan đến phát triển kinh tế.

Trong những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20, giữa bối cảnh đất nước hòa bình chưa thực sự trọn vẹn, chính trị ở Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu biến động, nền kinh tế bao cấp phát sinh nhiều hệ lụy, lạm phát tăng với tốc độ phi mã có lúc lên tới 700%/năm. Đại hội VI của Đảng đã bắt đầu cho một giai đoạn mới với xu hướng hội nhập quốc tế. Đồng chí Đỗ Mười được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), đã ban hành những chính sách mới, đem lại những hiệu quả hết sức thiết thực, đáng kể nhất là lạm phát được kìm chế, bao cấp được xóa bỏ hoàn toàn. Đến năm 1989 Việt Nam từ một nước nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn lương thực/năm, đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới.

Nhưng có lẽ một trong những thách thức lớn nhất trong sự nghiệp cách mạng của đồng chí Đỗ Mười chính là khi ông được giao trọng trách Tổng Bí thư tại Đại hội VII của Đảng năm 1991. Bởi lẽ nền kinh tế đổi mới non trẻ vừa mới manh nha, thì biến cố chính trị khiến hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Về chính trị, Việt Nam mất đi điểm tựa vững chắc trong đường lối phát triển, dẫn đến sự dao động trong một bộ phận không hề nhỏ cán bộ, đảng viên. Về kinh tế xã hội, Việt Nam mất đi nguồn hỗ trợ cam kết và thị trường xuất khẩu truyền thống, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp đóng cửa, thất nghiệp gia tăng chóng mặt. Trong khi đó, Việt Nam còn bị kiềm tỏa bởi chính sách cấm vận quốc tế của Mỹ, đồng thời đối mặt với sự chống phá của các thế lực thù địch trong âm mưu “diễn biến hòa bình”.

Lúc này, bản lĩnh chính trị tuyệt vời của Đảng ta, dưới sự chèo lái của Tổng Bí thư Đỗ Mười càng được thể hiện hữu hiệu, sự đứng vững của Nhà nước XHCN ở Việt Nam đã đập tan mọi mưu đồ chính trị đen tối. Việc thông qua Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng, làm nền tảng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo cách của Việt Nam, thực sự khẳng định tính tự chủ, tự cường của cả dân tộc. Cũng trong nhiệm kỳ đầy cam go này, đồng chí Đỗ Mười đã thể hiện tư duy kinh tế sâu sắc, phát triển nền kinh tế đa thành phần, xây dựng và cụ thể hóa các ngành luật quan trọng đối với công cuộc phát triển đất nước trong tình hình mới.

Với những quyết sách đúng đắn và kịp thời, phát huy hiệu quả to lớn, chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam đã khắc phục được những khoảng trống tưởng như khó khỏa lấp về kinh tế xã hội. Từ đó đất nước thay da đổi thịt từng ngày, nguồn đầu tư nước ngoài dồn vào Việt Nam, người lao động có việc làm, kinh tế ngoài nhà nước đua nhau phát triển. Sự cải cách mạnh mẽ đó đã khiến vị thế Việt Nam lên cao trên trường quốc tế, với điểm nhấn lịch sử là gia nhập cộng đồng các nước Asean và bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào năm 1995.

Đồng chí Đỗ Mười thăm Bộ tư lệnh Hải quân trong chuyến thăm và làm việc tại Hải Phòng tháng 5-1995 (ảnh tư liệu)

Sống mãi với thời gian

Có thể nói, trong suốt sự nghiệp cách mạng, tên tuổi đồng chí Đỗ Mười gắn với những giai đoạn khó khăn nhất của đất nước, luôn xuất hiện ở những nơi “đầu sóng ngọn gió”. Đó không chỉ khẳng định phẩm chất chính trị tuyệt với, khả năng lãnh đạo tài tình, mà còn khẳng định uy tín to lớn của ông đối với Đảng, Nhà nước, quân và dân ta. Điều đặc biệt là khả năng tư duy chiến lược ở tầm vĩ mô, có tác dụng thay đổi cục diện tổng thể, làm biến chuyển cả hệ thống theo chiều hướng phát triển tích cực, mà không phải nhà lãnh đạo nào cũng thành công.

Với cương vị là nhà lãnh đạo cao nhất và đầu tiên của Hải Phòng kể từ khi miền Bắc được giải phóng, đồng chí Đỗ Mười luôn dành những tình cảm đặc biệt cho thành phố Cảng. Người viết bài này vinh dự được một số lần tiếp xúc với ông, trong những lần cùng đoàn đại biểu Hải Phòng đến thăm ông tại nhà riêng. Lần nào ông cũng dành thời gian ôn lại những kỷ niệm khó quên, góp ý về những quyết sách phát triển của Hải Phòng. Năm 2014, đoàn đại biểu Hải Phòng do đồng chí Nguyễn Văn Thành – lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP dẫn đầu đến thăm ông. Trong lúc trò chuyện, ông hỏi một câu khiến mọi người bất ngờ: “Lâu rồi mình không đến Đình Vũ, chắc Đình Vũ giờ khác nhiều lắm…”. Rồi ông nói tiếp: “Ngày Hải Phòng lấn biển thu nạp Đình Vũ về đất liền, nhiều ý kiến lắm. Nhưng giờ thì rõ rồi, Hải Phòng phát triển không thể tách rời với biển…”. Đấy là nhận định của một người lúc đó đã 97 tuổi.

Giờ đây nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đi xa, nhưng tin tưởng rằng tên tuổi của ông luôn để lại cho người Hải Phòng nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung. Tính theo cách truyền thống, ngưỡng sống 102 tuổi của ông âu cũng là phúc lớn của cả dân tộc, khi thành quả trọn đời cống hiến của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã góp phần vô cùng to lớn cho sự phồn vinh của đất nước này.

            Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông