Giận thay kẻ làm cha, làm mẹ

10:22 10/03/2019

Thương cảm tình cảnh mẹ đơn con côi, gia đình bà Nguyệt mở lòng bao dung đùm bọc. Nhưng ngờ đâu người mẹ trẻ lỡ để lại đứa con chưa đầy hai tháng tuổi, bỏ đi với lời nhắn: “Nếu bà không nuôi được, đem cho ai thì cho…”, đẩy bà Nguyệt vào cảnh “bỏ thì thương mà vương thì… quá khổ”.

                                                                 

(ảnh minh họa)

 Dù đã nhập vào nội thành nhiều năm nay, nhưng cuộc sống của bà con quận K. còn khiêm nhường trong cảnh “quê” thanh bình, nên tổ dân phố của nhà bà Nguyệt vẫn được gọi bằng cái tên cũ thân thương là “xóm Trại”. Xóm Trại vốn dĩ chơ vơ giữa cánh đồng với vài chục nóc nhà, nay lại “chìm nghỉm” như một ốc đảo giữa vùng dự án biệt thự mênh mông.

Dân không còn ruộng, thiếu việc làm, tiền được đền bù từ đất ai giữ được cố xây được căn nhà, nhưng vẫn cằn cõi lo ăn từng bữa. Gia đình bà Nguyệt cũng thuộc hoàn cảnh như vậy.

Cả hai ông bà đều đã gần 60 tuổi, mấy năm trước khi ngành xây dựng còn thăng hoa, chồng đi xây, vợ phụ nề, dù vất vả nhưng còn có thu nhập, nay nghề xây lúc mưa lúc nắng, nên có ai thuê việc gì ông bà cũng đi làm.

Xóm Trại chả ai lạ gì gia đình bà, vợ chồng thì chịu thương chịu khó, con cái chăm ngoan biết phụ giúp bố mẹ từ ngày còn rất nhỏ. Nhưng giờ cậu trai lớn đi bộ đội về, đã lấy chồng và ra ở riêng, cô con gái út cũng mới lấy chồng, bụng mang dạ chửa, đã khó lại càng khó.

Đúng lúc này thì lại xảy ra chuyện, mà nhiều người ở xóm Trại ngậm ngùi than rằng: “Chỉ vì bà Nguyệt quá thương người”. Số là cuối năm ngoái, dãy nhà trọ của chị Hạnh gần chợ xóm có một phụ nữ tên là Hà vác cái bụng to vượt mặt đến thuê.

Rồi một ngày, chị Hà trở dạ, trong cảnh không chồng, không người thân, được hàng xóm đưa đi bệnh viện vượt cạn, may mắn “mẹ tròn con vuông”, Hà sinh được cháu trai bụ bẫm kháu khỉnh tạm gọi là Bin. Không việc làm, ngày ngày Hà ẵm bé Bin ra chợ, kiếm được cái gì ăn cái đó, sữa cũng không đủ cho con bú.

Cám cảnh, bà Nguyệt lần nào ra chợ cũng tạt vào nhà trọ thăm mẹ con Hà, khi cho mấy lạng thịt, lúc sẻ vài con cá…

Tưởng Hà sẽ cố chịu đựng để nuôi con trong sự đùm bọc của những “người dưng nước lã”, mà chan chứa tình người. Nhưng khi bé Bin mới được chừng tháng tuổi, đã thấy Hà bế con ra chợ rao “cho” với điều kiện xin lại một khoản tiền vì “công mang nặng đẻ đau”.

Đến nước này, người dè bỉu, kẻ trách móc, được bà Nguyệt can ngăn, chị Hà khóc lóc: “Để thế thì con lấy gì nuôi cháu?”. Nhìn bát nước cơm loảng thay sữa mà Hà đang cho Bin ăn, bà Nguyệt cũng khóc theo, rồi suy đi tính lại, bà Nguyệt nói với Hà: “Thôi con ạ, cho nó đi tội nghiệp nó lắm, để cô trông cho mấy tháng mà đi làm”.

 Hà vui vẻ trao con cho bà Nguyệt, nhưng còn khoản tiền trọ mấy triệu bạc lấy đâu ra? Bà Nguyệt lại cắn răng chạy đi lo tiền, thanh toán cho nhà chị Hạnh, còn dư 500 nghìn đồng đưa cho Hà: “Cầm đi mà ăn trưa, khi nào có thì trả cô cũng được!”.

Từ hôm ấy, bà Nguyệt ở nhà cả ngày lẫn đêm lo cho bé Bin, còn Hà đi làm ở đâu không rõ, thi thoảng mới về thăm con.  Được hai tháng như thế, một hôm Hà về đưa cho bà 6 triệu đồng: “Con gửi bà trả nợ và mua sữa cho cháu, đợt này con phải đi làm xa…”.

 Thế là Hà đi luôn không về nữa, đến gần tết, bà Nguyệt nhận được cuộc điện thoại của một người đàn ông: “Hà nhờ bà cho cháu Bin ăn tết nhé, đến mùng 6 bọn con về gửi tiền bà chăm nom…”. Nghĩ là Hà bận làm ở xa không về kịp, nên bà Nguyệt cũng thật thà nghe theo, chăm chút cho bé Bin hưởng cái tết đầu đời, cũng là cái tết bé Bin không mẹ.

Rồi đợi mãi không có tin gì của Hà, đột nhiên ngoài tết cô ta gọi điện về khiến bà rụng rời: “Con không thể nuôi cháu nữa, bà tìm ai cho ai thì cho, nếu ai nhận nuôi thì bà đem cháu đến ngã ba Đồng Nội trả cho gia đình bố cháu…”.

 Lúc này lòng bà Nguyệt bắt đầu nao núng, nhưng từ thông tin này bà mới biết Bin có bố gần đó, bà đến ngã ba Đồng Nội ở phường bên dò hỏi thì gặp người thân của anh T. mà Hà gọi là chồng. Nghe bà Nguyệt nói đầu đuôi, người này tửng tưng: “Con Hà đúng là lấy cháu tôi nhưng nó lăng nhăng biết đâu mà lần, anh trai tôi già rồi, thằng chồng nó cũng chẳng trông mong gì, nó thích cho con ai thì cho…”.

Chỉ nghe đến thế, bà Nguyệt đã cảm thấy không còn có thể nhờ cậy được nữa, cả nhà bà lại lo tất lo tả tiếp tục chăm sóc cho bé Bin. Được cái thằng bé dù phải nuôi “bộ” nhưng chóng lớn và láu lỉnh, nhìn vẻ mặt tươi tắn của cháu, ai cũng mủi lòng.

Ở xóm Trại này, hàng xóm láng giềng thì còn ai không hiểu hoàn cảnh của nhà bà Nguyệt, người đã ăn ở cùng họ mấy chục năm, lòng tốt của gia đình ông bà chẳng còn ai nghi ngờ. Nhiều người than thở: “Làm phúc phải tội!”.

Rồi nhiều người sốt sắng đi tìm những gia đình hiếm muộn muốn nhận con nuôi, cũng là để giúp bà Nguyệt. Hay tin đã có rất nhiều người đến, người “trả” 30 triệu đồng, người “lo” 50 triệu đồng… sẵn sàng đổi tiền cho bà Nguyệt để được nuôi bé Bin.

Nhưng bà Nguyệt cũng biết rằng, bà không được phép làm như vậy, cháu là một sinh linh, chưa kể những ngày quấn quýt tình cảm đã như ruột thịt. Bà Nguyệt nói trong nước mắt: “Thương lắm, để người khác nuôi thì tội, mà giữ lại sợ không kham nổi…”.

Cùng thời gian này, Hà có điện thoại về hai lần bằng hai số máy khác nhau có đầu số từ nước ngoài, hỏi thăm nếu chưa “bán” được bé Bin thì Cúc sẽ gửi tiền về cho bà Nguyệt chăm nuôi. Nhưng tiền đâu chả thấy, người vẫn biệt tăm, bà Nguyệt điện lại cả hai số máy đều không liên lạc được. Bất ngờ một hôm gia đình bà Nguyệt phải tiếp một vị khách.

Chị này xưng tên là Lý ở huyện An Lão, xưng là bạn cũ của Hà đến đòi tiền bà Nguyệt. Theo Lý cho biết thì trước khi bỏ đi, Hà đến vay Lý 20 triệu đồng, cô ta nói đã bán con cho bà Nguyệt, mới đưa giấy chứng sinh của bé Bin và bảo Lý cứ đem giấy này đến gặp bà Nguyệt sẽ lấy được tiền?

Lúc này bà Nguyệt đã đau lại càng đau, đành phải trình báo chính quyền. Theo xác minh của phường, chân dung Hà dần được sáng tỏ. Chị ta tên đầy đủ là Chu Thị Hà, quê ở Lạng Sơn, vốn là công nhân làm việc ở Cty giày trên địa bàn.

Trong thời gian này, Hà lấy anh T. như đã nói ở trên nhưng không đăng ký kết hôn, chung sống được thời gian ngắn hai vợ chồng trục trặc và Hà bỏ khỏi nhà chồng. Ân oán của người lớn đổ lên đầu trẻ nhỏ, có cha có mẹ mà bé Bin không có được trọn vẹn hai tiếng “gia đình”.

May thay bà Nguyệt cũng được niềm an ủi, là nhờ chính quyền địa phương khẩn trương hoàn tất các thủ tục theo quy định, đồng thời trích một khoản kinh phí dù nhỏ bé ủng hộ cháu Bin, cùng với sự ủng hộ của hàng xóm láng giềng. Chỉ có điều, hình ảnh bé Bin tơn hớn mở to đôi mắt ngây thơ cứ chờn vờn, chưa biết tương lai sẽ thế nào. Giận thay những kẻ làm cha làm mẹ!

Lê Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông