Hải Phòng thành phố đáng sống

23:50 26/01/2020

Năm 2019, Hải Phòng đánh dấu mốc tăng trưởng kinh tế đạt 16,5%, cao nhất từ trước tới nay. Con số này nói như Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Thành là cực kỳ có ý nghĩa khi chính các công dân của thành phố được hưởng lợi. Cùng với thành tựu đó, bảo đảm an sinh xã hội đã được các cấp ngành, địa phương quan tâm thực hiện bằng những cơ chế chính sách cụ thể, hiệu quả và đầy trách nhiệm...

Đồng bộ các chính sách

Theo Sở LĐTB&XH thành phố, năm qua giảm nghèo là một chương trình trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng. Để đạt mục tiêu này, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hết sức cụ thể và hiệu quả như: hỗ trợ tín dụng ưu đãi hộ nghèo để phát triển sản xuất; hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới nhà ở cho gia đình có công, hộ đặc biệt khó khăn; hỗ trợ bảo hiểm y tế, tiền điện, tiền học cho học sinh nghèo… với sự vào cuộc của toàn xã hội.

Quận Dương Kinh

Hàng năm, ngân sách thành phố đã chi hàng trăm tỷ đồng để người dân vay vốn phát triển sản xuất. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay hộ nghèo hiện đã triển khai bao phủ mạng lưới tín dụng đến 100% các xã, phường, thị trấn, tạo động lực khuyến khích các hộ vươn lên thoát nghèo, đem lại thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, việc xã hội hoá huy động các nguồn lực đã góp phần tích cực vào chương trình giảm nghèo bền vững. Đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia của Hải Phòng chỉ còn 0,72% (giảm 0,96% so với năm 2018). Với kết quả trên, thành phố Cảng là một trong những địa phương có tỷ lệ giảm nghèo theo chuẩn đa chiều nhanh và bền vững nhất trong cả nước.

Dải trung tâm thành phố

Bên cạnh đó, năm 2019 cũng đánh dấu những kết quả toàn diện trong công tác chăm lo đối tượng chính sách, người có công và bảo trợ xã hội của thành phố. Theo thống kê, Hải Phòng có hơn 1.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 3 vạn liệt sĩ và 2 vạn thương binh, trên 5 nghìn chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, gần 5 nghìn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…

“Ơn trả nghĩa đền”, phong trào chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả và được xã hội hóa trên phạm vi toàn thành phố với mục tiêu tất cả gia đình người có công có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân. Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thành phố đã triển khai thăm hỏi, tặng quà tới hơn 95.190 lượt người có công với tổng kinh phí hơn 186 tỷ đồng, tăng 113% so với dịp Tết Nguyên đán 2018. Riêng dịp 27-7-2019, thành phố đã tiếp tục nâng mức tặng quà cho người có công, mỗi suất quà trị giá 3,5 triệu đồng. Với kết quả này, Hải Phòng tiếp tục là địa phương dành mức tặng quà người có công cao nhất trên cả nước.

Vượt bậc bảo đảm an sinh xã hội

Năm 2019, Hải Phòng đánh dấu mốc tăng trưởng kinh tế đạt 16,5%, cao nhất từ trước tới nay, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thành phố. Con số này nói như đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy- Chủ tịch HĐND TP là thực sự có ý nghĩa khi chính các công dân của thành phố được hưởng lợi.

Tuyến đường từ cầu Lạng Am đến cầu Nhân Mục (Vĩnh Bảo)

Trong đó, các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ngày càng được thành phố cùng các cấp, ngành, địa phương tích cực quan tâm chăm lo bằng những hành động, việc làm cụ thể và thiết thực. Niềm vui đến với bao gia đình khi trước đó trong dịp Tết Nguyên đán 2018, thành phố đã quyết định tiếp tục tăng mức tặng quà người có công là 3.000.000 đồng/người; hộ nghèo mức 800.000 đồng/hộ và cận nghèo là 600.000 đồng/hộ… Hải Phòng tiếp tục đánh dấu những bước tiến vượt bậc về công tác an sinh xã hội, bảo đảm công bằng, văn minh.

Sự phấn khởi, niềm vui đón Xuân mới không chỉ nằm ở con số tăng mức tặng quà mà còn từ chủ trương, quyết sách hết sức đúng đắn. Đó là việc Hải Phòng thực hiện thành công “mục tiêu kép”: tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội. Điều này được thể hiện rõ nét thêm khi tại kỳ họp HĐND TP vào tháng 12-2019, thành phố tiếp tục ban hành 4 cơ chế, chính sách riêng, liên quan trực tiếp đến việc tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân gồm: hỗ trợ 100% học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến THPT; cấp gạch, xi măng và hỗ trợ lãi vay để xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ nghèo; nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2020-2025; thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đạt mức tiệm cận với các tiêu chí của khu vực đô thị.

Đến nay, hệ thống an sinh xã hội của thành phố đã phát triển đa dạng, nhiều tầng lớp, hướng tới bao phủ toàn bộ, bảo đảm mức sống tối thiểu cho người dân. Với phương châm “nhà nhà đều có Tết”, chuẩn bị dịp Tết nguyên đán Canh Tý 2020, thành phố tiếp tục bố trí hàng trăm tỷ đồng để tổ chức hoạt động thăm hỏi, tặng quà đối với người có công và hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cùng với đó, bằng nguồn xã hội hóa của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm đã cùng chung tay chăm lo bảo đảm hỗ trợ an sinh xã hội.

Cùng với vai trò của nhà nước, thành phố, cộng đồng xã hội thì bản thân các đối tượng thụ hưởng chế độ an sinh xã hội dần nâng cao trách nhiệm và năng lực tự “an sinh” của mình. Mới thấy, ý nghĩa của tăng trưởng kinh tế đi đôi với việc nâng cao mức sống người dân đang được lãnh đạo thành phố và cả hệ thống chính trị nỗ lực thực hiện, với tất cả vì một mục tiêu xây dựng một “Hải Phòng - thành phố đáng sống”, góp phần thực hiện một trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ: Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông