17:09 12/10/2023 Chiều 12-10, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTG ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm thông tin chỉ huy Bộ Công an và trực tuyến đến Trung tâm thông tin chỉ huy Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện trên toàn quốc.
Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị. Các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Dương Quyết Thắng, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đồng chủ trì Hội nghị.
Tại điểm cầu Công an thành phố Hải Phòng, các đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Thiếu tướng Vũ Thanh Chương - Ủy viên BTV Thành ủy, Giám đốc CATP; Nguyễn Ngọc Sơn – Giám đốc NHCSXH Hải Phòng và Đại tá Bùi Trung Thành – Phó Giám đốc CATP đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù thể hiện sâu sắc chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức xã hội, phát huy vai trò tham mưu, nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, công tác tái hòa nhập cộng đồng đã thu được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong việc quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật…
Hiện nay, có một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù bước đầu thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong công tác này, tuy nhiêm hoạt động của các mô hình hầu hết mang tính tự phát, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù có công ăn, việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Công an đã trao đổi và nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ rất tích cực của Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22. Đây là lần đầu tiên chúng ta có cơ chế, rất cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phát tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hành Chính sách xã hội để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, đồng thời cũng có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù…
Hội nghị đã triển khai quán triệt các nội dung trong Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an, của NHCSXH về việc thực hiện chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Theo đó, đối tượng được vay vốn trong quyết định này bao gồm: Người chấp hành xong án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá; cơ sở sản xuất - kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Mức vốn được vay để đào tạo nghề đối với người chấp hành xong án phạt tù tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người. Người chấp hành xong án phạt tù cũng có thể được vay tối đa 100 triệu đồng để sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm. Đối với đối tượng là cơ sở sản xuất - kinh doanh, được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất - kinh doanh. Lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các cấp chính quyền cơ sở hỗ trợ rà soát, cung cấp danh sách đối tượng để đảm bảo chính sách tín dụng đạt hiệu quả; yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn phân bổ theo đúng quy định, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, giúp người chấp hành xong án phạt tù có vốn đầu tư phát triển kinh tế.
Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách nhân văn mà đối tượng thụ hưởng là những người chấp hành xong án phạt tù. Quyết định này được kỳ vọng mở thêm cơ hội, tạo điều kiện cho những người lầm lỡ khi trở về địa phương có nguồn vốn để phát triển kinh tế, nuôi sống bản thân và gia đình. Đồng thời cũng khuyến khích các cơ sở kinh doanh mạnh dạn tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc, góp phần vào sự phát triển của xã hội nói chung và của địa phương nói riêng. Hiện cả nước có trên 2.000 người đã chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn với tổng số vốn khoảng 138 tỷ đồng.
Thái Bình
14:30 23/11/2024
10:16 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão