Hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra sự cố trong rạp chiếu phim

15:29 17/01/2024

Rạp chiếu phim là nơi tập trung đông người. Không gian trong các phòng luôn khép kín, hầu như không có cửa sổ, cửa mở thông sang các phòng khác. Nội thất trong phòng thường được trang bị những vật liệu nhẹ, dễ cháy như thảm trải sàn, ghế sắt bọc vải, đệm mút…

Thêm vào đó là hệ thống máy móc, trang thiếp bị, màn hình, âm thanh, ánh sáng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chập cháy; ánh sáng trong phòng luôn thiếu, lối đi lại nhỏ hẹp. Do đó, nếu tình huống cháy nổ không may xảy ra tại rạp chiếu phim, đám cháy sẽ lan nhanh, rất dễ xảy ra tình huống hoảng loạn, xô đẩy, thậm chí là giẫm đạp lên nhau dẫn đến tình trạng mất kiểm soát.

 Để bảo vệ an toàn cho bản thân và những người xung quanh, mỗi người chúng ta cần trang bị cho mình một số kiến thức, kỹ năng cơ bản sau:

Trước hết và quan trọng nhất là chúng ta cần phải giữ bình tĩnh. Khi thấy cháy, nổ, phải thật xác định vị trí ngọn lửa, nguồn khói, ổn định tâm lý để tìm cách thoát hiểm một cách nhanh chóng, an toàn, tránh hoảng loạn giữa đám đông, không để xảy ra tình trạng xô đẩy, vấp gã, giẫm đạp lên nhau gây cản trở quá trình thoát hiểm.

Tuyệt đối không được chần chừ mang theo đồ đạc. Khi đám cháy xảy ra thì không gian xung quanh sẽ xuất hiện rất nhiều khói làm cản trở tầm nhìn. Để tránh bị ngạt khói và dễ nhìn hơn, chúng ta phải di chuyển ra ngoài bằng cách khom lưng hoặc bò sát mặt đất theo nguyên tắc “khói càng nhiều thì phải di chuyển càng thấp”.

Trong quá trình di chuyển, một tay che miệng, mũi để tránh hít phải khỏi độc, tay còn lại bám men theo bờ tường để tìm lối thoát nạn một cách nhanh nhất, đồng thời phối hợp nhịp nhàng với sự hướng dẫn, điều hành của Ban Quản lý rạp chiếu phim.

Khi có cháy, lửa rất nguy hiểm nhưng không gây tử vong nhanh bằng khói. Khói phát ra trong đám cháy rất độc, là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong. Khói sẽ khiến người bị kẹt ngất ngay tại chỗ. Do đó, nếu bị mắc kẹt trong đám cháy ở rạp chiếu phim - nơi phòng kín, khó thoát thân, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến bất kỳ vật gì liên quan đến nước ở quanh mình. Sau đó, nhanh chóng dùng vải, giấy ướt đổ nước vào đó rồi bịt lên mũi, miệng để hạn chế việc hít phải khí độc.

Trong trường hợp có thể kiếm được nhiều nước, chúng ta hãy nhúng thêm áo của mình vào và khoác lên người. Đồng thời, lấy vải ướt hoặc băng dính bịt chặt các khe cửa để ngăn khói, lửa tràn vào phòng trong lúc tìm cách thoát thân và chờ lực lượng chức năng đến ứng cứu.

Trường hợp bị kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, chúng ta phải nhớ đến “tam giác sự sống”. Vì vậy, cần phải nhanh chóng chọn những nơi có vị trí tam giác là các góc nhà, góc phòng để làm nơi ẩn nấp. Bởi khi không may phòng sập, góc phòng sẽ là vị trí ít bị đè bẹp nhất.

Đặc biệt, trong trường hợp đẩy cửa, chúng ta phải nhớ là khi chạm tay mở tuyệt đối không được dùng cả lòng bàn tay để nắm cánh cửa đẩy ra mà dùng mu bàn tay chạm vào trước để cảm nhận được sức nóng của nguồn lửa bên ngoài để đoán biết được bên ngoài phía hành lang đám cháy đang lớn đến mức độ nào.

Nếu nắm cửa quá nóng tức là bên ngoài đám cháy rất to và khi chạm mu bàn tay vào cửa như thế tay ta sẽ không bị bỏng. Nếu nắm cửa không quá nóng, khi mở cửa chúng ta cần tránh sang một bên để tránh trường hợp lửa tạt vào người. Tiếp đó, chúng ta cần nhanh chóng xác định vị trí của ngọn lửa, hướng gió, vị trí nguồn khói để chọn hướng di chuyển hoặc góc lánh nạn hợp lý nhằm giảm sự ảnh hưởng từ ngọn lửa.

Lưu ý, khi cửa đã mở, chúng ta cũng cần phải nhớ luôn đứng xoay lưng về cánh cửa để phòng khi đám cháy bên ngoài quá lớn, cửa sẽ sập vào luôn và giúp ta nhanh chóng được đẩy vào trong, tạm thời cách ly với đám cháy lớn từ phía hành lang bên ngoài.

Nếu quần áo bị cháy hãy dừng di chuyển, nằm xuống và lăn qua, lăn lại liên tục cho đến khi ngọn lửa được dập tắt. Tuyệt đối không được chạy vì gió sẽ làm cho lửa bùng cháy nhiều hơn.

Mạng người là quan trọng nhất, do đó, trong đám cháy chúng ta tuyệt đối không được quay lại nơi mình vừa thoát ra với mục đích để cứu đồ vật quý giá…

Cần di chuyển ra ban công, cửa sổ, gọi thật to để cầu cứu. Và để thu hút sự chú ý của mọi người, chúng ta hãy dùng khăn, áo… vừa hô cứu vừa ra hiệu cầu cứu. Đồng thời, gọi điện thoại tới số 114 cho lực lượng Cảnh sát PCCC, CNCH đến ứng cứu. Khi lực lượng chức năng đến cứu hộ, chúng ta phải bình tĩnh làm theo hướng dẫn để có thể thoát nạn an toàn.

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích