Hướng đi nào cho sản phẩm ngành nghề nông thôn?

15:46 31/10/2017

Cách đây khoảng 10 năm, Hải Phòng đã có chủ trương quy hoạch và phát triển làng nghề, mở hướng cho việc phát triển ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên sau một thời gian khởi động, câu chuyện này dương như đã bị quên lãng.

Nghề đóng gạch ở Tiên Hội (An Tiến/An Lão)

Xứng đáng là một ngành kinh tế

So với nhiều địa phương trong cả nước, Hải Phòng không có nhiều làng nghề truyền thống. Mặc dù vậy ngành nghề nông thôn cũng đóng góp một phần rất quan trọng vào các chỉ tiêu phát triển của Thành phố, tạo nhiều việc làm và thu hút nguồn lực lao động tại chỗ.

Theo thống kê, cả nước hiện có trên 1.500 làng nghề, trong khi đó Hải Phòng chỉ có  trên 30 cơ sở hoạt động có tính chất làng nghề, và cũng chỉ có 12 làng nghề đủ tiêu chuẩn được công nhận theo Nghị định 66/2006/NĐ-CP, một con số có phần khiêm tốn. Tuy nhiên, cũng theo số liệu thống kê, hiện ngành nghề nông thôn Hải Phòng đang giải quyết việc làm cho khoảng trên 30.000 lao động. Nhiều sản phẩm ngành nghề nông thôn chất lượng tốt có sức cạnh tranh mạnh mẽ không chỉ ở thị trường Hải phòng.

Còn nhớ cách đây vài chục năm người thợ đúc Mỹ Đồng (Thuỷ Nguyên) gồng gánh trên vai đi rao khắp thôn cùng ngõ hẻm đúc đổi thóc cho nông dân với nồi chảo xoong… Thì nay ở Mỹ Đồng công xưởng mọc lên nhan nhản không những tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn nhân công, mà còn góp phần làm rạng niềm tự hào của nghề đúc cơ khí Hải Phòng. Cũng ở Thủy Nguyên, An Lư lại nổi lên với thương hiệu làng nghề vận tải thuộc diện lớn nhất cả nước, với đội tàu trăm chiếc đủ các loại từ sông đến biển.

Còn nghề mộc ở Kha Lâm (Nam Sơn/Kiến An) cũng là một ví dụ điển hình cho sự tăng trưởng tích cực, với những sản phẩm gỗ cung cấp chủ yếu cho thị trường thành phố và các địa phương lân cận. Trong khi đó, cũng là gỗ nhưng người thợ Bảo Hà (Đồng Minh/Vĩnh Bảo) lại chọn hướng đi khác, sản phẩm điêu khắc và sơn mài của Bảo Hà tinh xảo mang đậm tính nghệ thuật đặc thù, đảm bảo được đời sống cho gần 200 hộ trong tổng số gần 1.000 hộ dân của cả xã. Với bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng thì thu nhập của người dân Bảo Hà là một niềm ước ao so với nhiều nơi ở một vùng quê lúa.

Nghề mây tre đan ở Chính Mỹ (Thủy Nguyên)

Cần phải khởi động lại!

Tuy nhiên, những làng nghề trên đây chỉ chỉ mang tính nổi bật, chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng thể ngành nghề nông thôn Hải Phòng. Có thể thấy, bên cạnh những kết quả tích cực của một số sản phẩm, việc đầu tư phát triển cho sản phẩm ngành nghề nông thôn Hải Phòng còn bộc lộ nhiều bất cập. Sự dàn trải sản phẩm ngành nghề nông thôn khiến sự phân nhóm nghiên cứu để quy hoạch và định hướng phát triển khá khó khăn đối với các nhà quản lý. Trong khi đó việc gìn giữ nghề truyền thống vẫn mang nặng phương pháp kinh nghiệm là một áp lực đè lên sự phát triển của ngành nghề nông thôn hiện nay.

Sản phẩm chiếu cói Bảo Hà (Vĩnh Bảo)

Ví dụ sản phẩm chiếu cói Lật Dương (Quang Phục/Tiên Lãng) và Bảo Hà (Vĩnh Bảo), phương thức sản xuất tạm bợ từ công cụ, chế biến nguyên liệu, dệt đến in ấn đều mang tính an phận, kiểu dáng cổ hủ mà chất lượng cũng ngày càng đi xuống. Vì vậy chiếu cói ở Hải Phòng mặc dù thu hút khá nhiều lao động trong một làng nhưng không tìm được hướng phát triển phù hợp, thậm chí bản thân người làng nghề cũng không dám chắc đây là nghề chính hay phụ khi mà thu nhập chỉ đạt ở mức dưới trung bình so với bình quân của lao động nông thôn. Hoặc nghề đan tre cũng vậy, ngày nay công nghệ hoá nhựa và luyện kim với những sản phẩm phong phú bền đẹp đã đẩy sản phẩm tre đan vào một góc khuất ảm đạm, mặc dù Hải Phòng vẫn còn nhiều làng bám nghề như Chính Mỹ (Thuỷ Nguyên), Tiên cầm (An Thái/An Lão), Hồng Thái và Bắc Sơn (An Dương).

Đấy là sản phẩm, còn đánh giá ở góc độ khác như môi trường, hiện cũng đặt ra những vấn đề nan giải đối với các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn Hải Phòng hiện tại. Tại xã Mỹ Đồng, mặc dù đã có cụm công nghiệp tập trung nhưng vẫn còn nhiều công xưởng nằm trong khu dân cư, nước thải và khí bụi trong quá trình nấu luyện là điều khó tránh khỏi. Hoặc ở làng nghề mộc, người sinh hoạt chung với khí bụi mùi sơn, nguyên vật liệu dễ cháy tập kết bừa bộn ngay trong buồng bếp cũng là điều phổ biến. Trong khi đó sản phẩm chế biến bánh đa ở Đông Phương (Kiến Thụy) hay Tân Tiến (An Dương), dù đã nhiều hộ sản xuất áp dụng các phương pháp kỹ thuật mới, nhưng việc hong phơi vẫn tận dụng mái nhà, đường rãnh và bờ ruộng, gây bất ổn về  an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mấy năm gần đây, ngành nghề nông thôn ít được quan tâm, gần như là khoảng trống trong quy hoạch phát triển của thành phố. Trong khi hiện có rất nhiều ngành chi phối đến hoạt động của ngành nghề nông thôn, thành phố cũng có nhiều đơn vị hỗ trợ như các trung tâm khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư… Nhưng vấn đề đặt ra là hiện đang thiếu một cơ chế kết nối từ lựa chọn ngành nghề, xác định nguồn nguyên liệu, quy chuẩn kỹ thuật, tạo vốn và nhân lực, đánh giá tác động môi trường đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thiết nghĩ vấn đề này cần phải được khởi động lại, để ngành nghề nông thôn thực sự xứng đáng là một kênh kinh tế đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển.

                                                                                                ./.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông