Không thể xem nhẹ an toàn PCCC ở cơ sở dệt may

09:32 28/07/2017

Kiểm tra an toàn PCCC cơ sở dệt mayHàng năm, ngành dệt may đã đóng góp vào ngân sách thành phố hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, tại những cơ sở này, nguy cơ về cháy nổ đang tiềm ẩn rất cao.

Kiểm tra an toàn PCCC cơ sở dệt may

Hàng năm, ngành dệt may đã đóng góp vào ngân sách thành phố hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, tại những cơ sở này, nguy cơ về cháy nổ đang tiềm ẩn rất cao.

Theo Cảnh sát PCCC thành phố, hiện Hải Phòng có rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp liên doanh, liên kết với nước ngoài, sản xuất dệt may, trong đó, được đầu tư xây dựng mới, thực hiện việc thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC theo quy định không nhiều. Chủ yếu các cơ sở đều tận dụng nhà xưởng, nhà kho, các công trình chưa bảo đảm các quy định về PCCC như: khoảng cách an toàn; kết cấu nhà không có giải pháp chống cháy lan, chống sụp đổ nhà; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện PCCC; khi cải tạo, mở rộng sản xuất không được cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt về thiết kế theo quy định.

Bên cạnh đó, lượng hàng hóa, vật tư, nguyên liệu trong quá trình sản xuất sắp xếp, bảo quản không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC, chống cháy lan, thậm chí để bừa bãi trên đường đi, chắn cả lối thoát nạn. Mặt khác, đội ngũ công nhân đang làm việc ở những cơ sở này thường biến động nên hiểu biết về kiến thức PCCC còn hạn chế, đa số chưa được huấn luyện nghiệp vụ về lĩnh vực này.

Thực tế những đợt kiểm tra vừa qua cho thấy, nhiều người đứng đầu cơ sở nhận thức còn hạn chế về tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong công tác PCCC. Càng quan ngại hơn khi một số cơ sở rất chậm chễ trong việc thực hiện kiến nghị của cơ quan PCCC, thậm chí, có cơ sở phớt lờ, bỏ ngoài tai.

Trước những nguy cơ như trên, công tác bảo đảm an toàn cháy nổ tại cơ sở sản xuất dệt may hiện là nhiệm vụ vô cùng cấp bách. Công tác PCCC ở cơ sở sản xuất, trước tiên là trách nhiệm của người đứng đầu, nêu cao tinh thần “phòng cháy hơn chữa cháy”, tăng cường tuyên truyền giáo dục để Luật PCCC thực sự đi vào đời sống lao động sản xuất của cán bộ, công nhân viên.

Trước hết, các đơn vị phải thực hiện nghiêm các nội dung như: niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ; thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp kỹ thuật nhằm khống chế, kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt. Doanh nghiệp chỉ nên sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhất là các chất đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ ở trong phân xưởng sản xuất chỉ đủ cho từng ca sản xuất, số lượng lớn phải bảo quản riêng ngoài xưởng sản xuất và thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC. Hàng hóa sản xuất ra cần được chuyển ngay về khu vực lưu trữ bảo đảm yêu cầu ngăn cháy với khu vực sản xuất. Hàng hóa trong kho phải được sắp xếp theo đúng quy định an toàn về PCCC; thường xuyên được kiểm tra, vệ sinh công nghiệp.

Ngoài ra, các cơ sở phải lắp đặt thiết bị bảo vệ (cầu dao, ap-tô-mat) cho hệ thống điện toàn cơ sở, không bố trí tủ điện, bảng điện trong kho hàng. Từng khu vực, phân xưởng và các thiết bị điện có công suất lớn, tách riêng biệt các nguồn điện việc lắp đặt hệ thống chống sét, chống rò điện cần phù hợp với từng loại công trình, máy thiết bị; có giải pháp chống tĩnh điện đối với những dây chuyền sản xuất, thiết bị có sử dụng chất khí, chất lỏng dễ cháy. Tuyệt đối không lập bàn thờ cúng và đun nấu trong khu vực sản xuất, văn phòng làm việc; không sử dụng vật liệu là chất cháy để làm mái, trần nhà, vách ngăn và phải xây tường ngăn cháy giữa các khu vực sản xuất với các gian nhà có công năng khác nhau hoặc các công trình có diện tích vượt quá khoang cháy theo quy định.

Cửa đi qua tường ngăn cháy phải là cửa chống cháy. Các cơ sở cũng cần phải có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn chung cho cả công trình, cho từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn; có hệ thống thông gió, chống tụ khói, chống tác động của nhiệt trên lối thoát nạn, phòng lánh nạn tạm thời; không để hàng hoá cản trở lối thoát nạn. Việc được trang bị hệ thống báo cháy tự động để phát hiện sớm đám cháy và trang bị hệ thống chữa cháy tự động để kịp thời dập cháy, chống cháy lan, chống sụp đổ công trình, sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại cho chủ doanh nghiệp khi có sự cố xảy ra.

Đặc biệt, các đơn vị phải thành lập đội PCCC cơ sở được trang bị và huấn luyện nghiệp vụ kỹ càng. Đội PCCC cơ sở cần được thường xuyên củng cố, kiện toàn và tập luyện (mỗi bộ phận, phân xưởng có tổ hoặc người tham gia PCCC). Các chủ cơ sở phải lãnh đạo trực tiếp việc xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người trong tình huống phức tạp nhất.

Ngành dệt may đóng vai trò lớn trong bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc, nỗ lực của lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố, rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, ban ngành chức năng, nhất là người đứng đầu cơ sở cần chủ động nâng cao tinh thần phòng cháy hơn chữa cháy, tăng cường công tác bảo đảm an toàn PCCC cho đơn vị mình.

Trọng Cát

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông