Khuyến nông Hải Phòng: Phát huy hiệu quả các đề tài, dự án nông nghiệp

20:46 10/10/2023

Trải qua 30 năm (1993 – 2023) xây dựng và phát triển, hệ thống khuyến nông Hải Phòng đã ngày càng lớn mạnh, phát triển rộng khắp từ thành phố đến cấp xã, gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Hoạt động của hệ thống khuyến nông đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành và sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nông dân. Đội ngũ cán bộ khuyến nông đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp của Đảng, Nhà nước và chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ sản xuất mới đến với nông dân. Qua đó, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp CNH, HĐH nền nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Thọ biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến nông

Suốt chặng đường 30 năm qua, hệ thống khuyến nông thành phố đã cùng với các đơn vị toàn ngành nông nghiệp tập trung triển khai toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ hoạt động của công tác khuyến nông. Các mô hình khuyến nông ngày càng bám sát thực tế, kết hợp hài hòa các yếu tố từ sản xuất đến thị trường, liên kết, tiêu thụ sản phẩm giữa “bốn nhà”: Nhà nông – Nhà doanh nghiệp – Nhà khoa học – Nhà nước.

Đặc biệt, các đề tài, dự án được Trung tâm khuyến nông thành phố triển khai đã mang lại giá trị kinh tế, xã hội thiết thực, không ngừng được nhân rộng, có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp nói riêng, thành phố nói chung. Trong 30 năm, đơn vị đã tích cực tham mưu, đề xuất triển khai nhiều đề tài, dự án của Trung ương và thành phố; thực hiện 34 đề tài khoa học, 8 dự án. Trong đó, có nguồn hỗ trợ từ dự án nước ngoài như: dự án QSEAP, LIFSAP, JICA... 

Trước hết cần phải kể đến dự án khí sinh học (giai đoạn 2006-2015). Trong giai đoạn này, toàn thành phố đã xây dựng thành công 3.864 công trình khí sinh học cỡ từ 5,0-7.500 m3. Trong đó, dự án LIFSAP (giai đoạn 2010-2015) đã hỗ trợ 414 công trình.

Dự án đã chuyển giao công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng thiết bị khí sinh học Biogas, đầu tư hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng, tư vấn kỹ thuật, khuyến cáo nhân rộng hàng nghìn hầm Biogas, ứng dụng vào đời sống như: đun bếp, thắp sáng, tạo nguồn phân bón hợp vệ sinh, chạy máy phát điện. Triển khai dự án, mỗi công trình đã giúp tiết kiệm chi phí cho hộ nông dân từ 2,5-3 triệu đồng/năm, tiết kiệm trên 10 tỷ đồng mỗi năm.

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Sở NN&PTNT chung vui cùng cán bộ Trung tâm Khuyến nông nhân hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông Hải Phòng

Tiếp đến là đề án phát triển cơ giới hóa giai đoạn 2013-2015. Triển khai đề án này, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất trên địa bàn thành phố tăng vọt từ 65% năm 2012 lên 95% vào năm 2015; khâu thu hoạch lúa tăng từ 7,2% năm 2012 lên 35,8% năm 2015 và hiện này cũng đạt từ 83-90% diện tích sản xuất lúa.

Chú trọng đầu tư, đẩy mạnh cơ giới hoá vào sản xuất lúa đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất từ 1,2-2,5 triệu đồng/ha/vụ; hiệu quả sản xuất lúa tăng từ 1,12-1,3 lần so với khi chưa áp dụng cơ giới hoá.

Trong lĩnh vực sản xuất rau, củ, quả, phải kể đến đề án “Phát triển sản xuất rau an toàn giai đoạn 2008 - 2009”. Đề án này được triển khai thông qua mô hình trồng rau quả, giống mới chất lượng cao góp phần mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn chất lượng trên địa bàn thành phố. Mô hình của đề án không ngừng được nhân rộng. Hiện nay, diện tích trồng rau của Hải Phòng đạt trên 10.000 ha/năm.

Toàn thành phố đã hình thành 25 vùng sản xuất rau tập trung với diện tích khoảng 2.500 ha, quy mô mỗi vùng từ 10-20 ha tại một số quận, huyện; trong đó, diện tích gieo trồng rau chất lượng cao chiếm trên 30%.

Khoai tây là một trong những nông sản có hợp đồng bao tiên sản phẩm

Cùng với đó, có thể kể đến đề án phát triển khoai tây Việt Đức giai đoạn 2008-2012. Triển khai đề án này, hệ thống khuyến nông thành phố đã tổ chức tập huấn cho khoảng 500 lượt người về kỹ thuật thâm canh, cấp phát hơn 10.000 tài liệu tờ gấp kỹ thuật cho nông dân.

Đồng thời, xây dựng mô hình trình diễn 30 ha, gồm các giống khoai tây như: Solara, Marabel và giống Solara, Marabel sản xuất từ nuôi cấy mô. Sản lượng khoai sản xuất ra được doanh nghiệp liên kết tổ chức thu mua. Vui nhất là một số giống khoai tây sau khi được đưa vào trồng khảo nghiệm, trình diễn đã cho năng suất, chất lượng cao, đạt từ 18-25 tấn/ha, lợi nhuận đạt 120 triệu đồng/ha.

Trong số các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp, có nhiều đề tài, dự án được hệ thống khuyến nông thành phố nghiệm thu, đánh giá cao và được nhân rộng, chuyển giao ra sản xuất. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh và đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân; đồng thời thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành, đẩy mạnh công cuộc CNH, HĐN nông nghiệp của thành phố…

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông