Kinh tế Cát Hải: Khát vọng vươn ra biển lớn

10:03 30/03/2019

Hơn 20 năm trước, ai đã từng đến Cát Hải, đi qua vùng Đình Vũ với những rừng sú, vẹt, mắm, đót mênh mông, những đầm rong hoang vắng chỉ thấy trắng những cánh cò, rồi bỡ ngỡ bước lên vùng tĩnh lặng, lại dập dềnh trên thùng xe ngựa (phương tiện công cộng phổ biến), vượt qua những đồng muối mặn mòi… mới thấy hết sự đổi thay của huyện đảo Cát Hải ngày nay.

Trung tâm du lịch Cát Bà

Phát lộ vùng đảo ngọc

Nằm ở Đông Bắc của Tổ Quốc, Cát Hải có diện tích tự nhiên là 345km2, là một trong hai huyện đảo thuộc thành phố Hải Phòng. Trong suốt thời gian dài, ngoài trung tâm du lịch Cát Bà và một vài sự nổi tiếng gắn với ngư nghiệp, Cát Hải được xem là vùng trũng của thành phố xét cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Có lẽ vậy, đến nay không ít người vẫn tưởng tượng huyện đảo là rừng núi u tịch trong vùng lõi Cát Bà,  hay những làng chài mặn mòi nơi những gia đình ngư dân lưng trần ngày đêm bám biển.

Hoặc cũng có người cho rằng Cát Hải rất hoang tàn với những cánh đồng muối mênh mông, những bãi chượp mắm nhấp nhô chum vại, những đầm thả rau câu ngai ngái mùa nắng đổ, lại thêm những cô gái che mặt chít khăn chống nắng phơi mình bên những bãi đá ghè hà…

Nhưng giờ thì chuyện ấy dường như đã là “cổ tích”, Cát Hải đã trở mình, nói một cách ví von, huyện đảo như chiếc thuyền rồng sải mái trên đường đua, cưỡi sóng lớn vươn ra đại dương với niềm tin và khát vọng tràn trề.

Những năm gần đây, nếu như Hải Phòng được xác định là địa phương có những thành tựu đột phá, thì có thể nói Cát Hải thuộc diện “đột phá của đột phá”, trở thành khu vực phát triển năng động bậc nhất Hải Phòng. Với các dự án khổng lồ đã hiển hiện như cầu Tân Vũ, cảng quốc tế Lạch Huyện, Tổ hợp ô tô Vinfast, dự án phát triển du lịch Cát Bà…

Theo quy hoạch, Cát Hải được định hướng xây dựng “Đảo thông minh”, từ đây bản đồ kinh tế của huyện đảo sẽ được hoàn thiện với những gam màu đa diện, tạo thành thế vững chắc trên nền tảng “Du lịch – Ngư nghiệp – Cảng biển”, lạc quan trên lộ trình hội nhập quốc tế.

Khúc hoan ca của biển

Trước hết nói về đảo Cát Hải, dù được chọn là trung tâm hành chính đồng thời mang tên của cả huyện đảo, nhưng đảo chỉ có diện tích gần 40km2. Lâu nay nghề chính của người dân nơi đây là nương tựa vào biển, ngoài sản phẩm truyền thống là nước mắm, phần lớn bà con trông cậy vào việc đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản. Các ngành nghề khác cơ bản chỉ đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp.

Kể từ khi cùng với Đình Vũ được quy hoạch nằm trong khu kinh tết đặc thù, Cát Hải bừng dậy trong không khí tấp nập của các dòng vốn đầu tư chảy về, với hàng tỷ USD trong mấy năm gần đây, kinh tế Cát Hải đã hoàn toàn sang trang mới.

Nền tảng đầu tiên đáng kể nhất có lẽ chính là sự hiện diện của dự án cảng nước sâu mang tên Lạch Huyện, là cảng cửa ngõ quốc tế có chiều dài bến 750m, trên diện tích đất gàn 60ha, quy mô vốn đầu tư 6.200 tỷ đồng, có thể đón được tàu có trọng tải hàng trăm nghìn tấn. Khi đi vào khai thác, Lạch Huyện sẽ giúp hệ thống cảng của Hải Phòng nâng năng lực xếp dỡ lên gấp đôi so với hiện nay.

Quan trọng hơn, khu cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và khu phi thuế quan được quy hoạch khoảng 2.357 ha, sẽ hình thành một chuỗi dịch vụ logistics hiện đại, khẳng định vị thế trung tâm của Hải Phòng không chỉ trong nước, khu vực mà mang tầm quốc tế.

Cùng với đó, hạ tầng giao thông đến Cát Hải đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông trong nước và thế giới, khi cây cầu vượt biển Tân Vũ được đưa vào sử dụng. Sắp tới, một cây cầu tương tự nữa mang tên Tân Vũ 2 sẽ cộng hưởng đưa Cát Hải về với đất liền, không còn cheo leo mang tiếng là đảo nữa. Những nghề mắm muối mặn mòi cũng sẽ nhường chỗ cho sự hiện đại, mà dự án khu công nghiệp Deep C như một sự khởi đầu hoàn hảo.

Nhưng điểm nhấn đáng chú ý nhất phải kể đến Tổ hợp công nghiệp công nghệ cao Vinfas của Tập đoàn VinGroup, khiến cho Cát Hải không chỉ được nhắc đến là nơi khai sinh những chiếc xe điện, ô tô thương hiệu Việt hoành tráng nhất, mà còn có cơ hội trở thành một khu vực công nghiệp phụ trợ lớn nhất của miền Bắc trong thời gian tới, cũng do VinGroup đầu tư.

Chưa kể, khi các dự án hỗn hợp về công nghiệp, du lịch, hậu cần liên quan đến du lịch của Tập đoàn SunGroup trở thành hiện thực, Cát Hải sẽ càng thêm bừng sang trong không gian bứt phá của kinh tế Hải Phòng.

Đảo Cát Hải thay da đổi thịt nhờ các dự án công nghiệp hiện đại

Sống với biển, làm giàu từ biển

Phần còn lại là Cát Bà, đảo lớn nhất với diện tích 300km2, cùng cả quần thể đảo lớn nhỏ từ lâu đã nổi tiếng cả trong và ngoài nước, đang hướng tới cơ hội giao thoa kỳ diệu giữa bảo tồn sinh quyển và phát triển du lịch. Nhìn từ góc độ tự nhiên, lợi thế cạnh tranh của du lịch Cát Bà đã rất rõ, vẻ đẹp hoang sơ và kì vĩ trên mặt biển xanh thẳm khiến mọi ngôn từ đều trở nên vô nghĩa.

Du khách chỉ còn biết lặng người ngắm nhìn tuyệt tác của đất trời với niềm si mê sùng bái, biển và rừng quyện hòa trong nhau, tôn lên giá trị của phần còn lại, khúc hoan ca bởi thế không chỉ có âm vang sóng biển, mà còn có cả tiếng gió reo trong rừng cây, nhẹ nhàng đấy mà dữ dội vô cùng.

 Với việc sở hữu quần thể gồm 367 đảo với kho lưu trữ sinh học tự nhiên vô giá, được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển từ tháng 12-2004, Cát Bà có nhiều loài động thực vật tầm giá trị toàn cầu, tiêu biểu là 3.860 loài trên cạn và dưới nước, có tới 130 loài được đưa vào “sách đỏ”, đặc biệt voọc đầu trắng đặc hữu trên thế giới chỉ còn phân bố duy nhất ở Cát Bà.

Điều quan trọng là, qua hàng chục nghìn năm tiến hóa, Cát Bà vẫn cơ bản giữ được tính nguyên thủy, tạo sức hút lý tưởng đối với du khách thập phương. Điều đó đã được phản ánh qua số liệu gia tăng theo từng năm của du khách tới Cát Bà, đơn cử như năm 2018 vừa qua là 2,5 triệu lượt, tăng18% so với năm 2017; 3 tháng đầu năm 2019 là 338.500 lượt khách, dự kiến năm 2019 này Cát Bà sẽ đón 2,8 triệu lượt khách.

Cát Bà hiện đang là điểm thu hút đầu tư của nhiều dự án phát triển du lịch, nhưng ấn tượng nhất là dự án của Tập đoàn SunGoup, theo đó SunGroup hứa hẹn một hướng tiếp cận cởi mở đối với kho tàng thiên nhiên vô giá này. Khởi hành từ đảo Cát Hải, hệ thống cáp treo sẽ đưa du khách qua 5 điểm đến.

Mỗi điểm đến, du khách sẽ được trải nghiệm những vẻ đẹp kỳ thú, khám phá các phân vùng tự nhiên bằng đường giao thông nội đảo thân thiện môi trường, làm sinh động hơn sự cảm nhận về rừng quốc gia, hang động, làng cổ, rừng ngập mặn, điểm cắm trại, nông trại…

Đặc biệt, ở mỗi tuyến khám phá, SunGroup đều đầu tư hệ thống lưu trú như khách sạn trong rừng, nhà nghỉ dã ngoại, trại sinh thái, nhà nghỉ dưỡng, biệt thự nổi, sân golf, du thuyền… phục vụ đa dạng đối tượng du khách.

Có thể nói, du lịch Cát Bà đang trở mình mạnh mẽ với mục tiêu vươn ra biển lớn, sống với biển và làm giàu từ biển, khẳng định hướng đi đúng đắn là củng cố, phát triển kinh tế để làm nền tảng cho ổn định quốc phòng an ninh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ Quốc.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông