Kỷ Hợi kể chuyện đánh án năm Ất Hợi

19:50 03/02/2019

Cách đây 2 “con giáp”, đúng vào Ất Hợi - 1995, lực lượng CATP Cảng đã cùng lúc lập chiến công lớn, triệt xóa 3 băng nhóm tội phạm khét tiếng ở Hải Phòng lúc bấy giờ do cu Nên, Dung Hà, Lâm “già” cầm đầu. Không chỉ làm nức lòng dư luận, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào lực lượng công an, chiến công ấy còn là đòn quyết định đập nát loại tội phạm có tổ chức , góp phần xây dựng vững chắc nền ANTT của thành phố.

“TRỤC TAM GIÁC” TỘI ÁC

Từ năm 1994 và có thể sớm hơn thế trên địa bàn Hải Phòng bỗng rộ lên hoạt động của 3 băng nhóm tội phạm khét tiếng do cu Nên, Dung “hà”, Lâm “già” cầm đầu với hàng loạt hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, kể cả hiếp dâm, giết người… gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

“Trục tam giác tội ác” này đã khiến ANTT ở Hải Phòng những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước diễn biến vô cùng phức tạp. Trong khi Dung “hà” cực kỳ khôn ngoan, xảo quyệt luôn ẩn mình để thống lĩnh giang hồ thì Lâm “già”, nhất là cu Nên lại thích đình đám, diễu võ giương oai, dùng vũ lực để bành trướng địa bàn, tạo ảnh hưởng tiếng tăm với “dân xã hội”…

Trước hết nói về cu Nên, tức Phạm Đình Nên, sinh 1957, ở 112 Lạch Tray, cầm đầu ổ côn đồ hung hãn 15 tên, hoạt động từ tháng 7-1992 đến tháng 3-1995. Là con út trong một gia đình có 5 chị em, cu Nên được chiều chuộng từ tấm bé. Thế nhưng Nên sớm hư hỏng, trở thành kẻ bụi đời lang thang, trộm cắp, phạm pháp ngay từ khi đang ở tuổi vị thành niên.

2 lần tập trung cải tạo, 1 lần đi Trường giáo dưỡng Xuân Nguyên cùng trên 20 tiền án, tiền sự các loại là “bảng thành tích” bất hảo của tên tội phạm gần 40 tuổi đầu hết sức gian manh này. Ổ nhóm của hắn được trang bị cơ số vũ khí nóng có cả tiểu liên, súng ngắn, lựu đạn. Khét tiếng tàn ác, Nên phân tầng bậc đám thuộc hạ thành các “sĩ quan” và đám “ong ve” mà chỉ nghe tên người lương thiện đã sởn da gà, như: Linh cu, Thắng cư, Tùng ngân, Tuấn, Phương, Tuyết, Tiến…

Chúng đã gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng với hành vi rất tàn bạo, côn đồ, sử dụng nhiều loại vũ khí khi hành sự. Sở trường của cu Nên là cướp các ổ bạc. Không chỉ là tên cướp táo tợn, hắn còn là kẻ sát nhân máu lạnh, sẵn sàng tước đoạt sinh mạng của người khác. Theo hồ sơ vụ án còn để lại, Nên đã chỉ đạo đồng bọn bắn chết 1 người, làm bị thương 5 người, cướp đi nhiều dây chuyền, nhẫn vàng, tiền…

Băng đảng tội phạm thứ hai phải kể đến do Vũ Thị Kim Dung (tức Dung “hà”), sinh 1965, ở phố Trạng Trình, phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng cầm đầu. Dung cũng là con út trong gia đình có 4 anh em. Từ một giang hồ vặt trên hè phố với các trò móc túi, cướp giật và đánh lộn, 2 lần đi tù, từng bước Dung ngoi lên vị trí đầu trong đám anh chị đất Cảng. Thuở mới theo chân một số kẻ giang hồ đi kiếm ăn, Dung yêu Hùng “chim chích” rất có tiếng ở khu vực quanh bến xe Tam Bạc.

Vũ Thị Kim Dung (tức Dung “hà”)

Đến 26 tuổi, Dung cặp với Hùng “cốm”, một tay anh chị có đẳng cấp hơn Hùng “chim chích”. Hùng “cốm” bị bắt và bị tuyên án tử hình. Kế hoạch cướp tù để cứu người yêu của Dung “hà” bất thành, nhưng có lẽ cũng vì thế mà thị trở thành một “đàn chị” khét tiếng với nhiều giai thoại cùng lối hành xử ghê gớm “không giống ai” khiến cu Nên cũng phải chờn. Sở trường của Dung “hà” là tổ chức đánh bạc theo kiểu công ty. Nhiều con bạc đã bị “công ty” của Dung đẩy vào tình cảnh tan cửa nát nhà, bị dồn tới đường cùng…

Còn Ngô Thế Lâm, sinh 1957, ở phố Lê Lợi, quận Ngô Quyền buổi đầu được giang hồ biết tiếng với cái tên “Lâm phụ tùng” bởi hắn kiếm ăn chủ yếu bằng nghề chôm chỉa và trộm cắp xe máy, tháo bán.

 Ngô Thế Lâm

Sau mỗi phi vụ “mổ” xe thành công, Lâm thường “găm” chiếc xe đó ở một nơi bí mật, rồi cứ tháo dần đem bán từng thứ cho các cửa hiệu sửa chữa xe. Sau muốn kiếm nhiều tiền nhanh hơn, Lâm làm BKS giả, đục lại số khung-số máy đem bán cả chiếc ra tỉnh ngoài. Chính vì thế mà hắn đã bị Công an Hà Bắc (cũ) bắt trong một phi vụ bán xe gian cho một công dân ở tỉnh này.

Năm 1990 Lâm ra tù về cảng cá Máy Chai làm nghề bốc vác và trở thành kẻ có “tiếng nói” ở đây để từ đó từng bước thu nạp đệ tử, dựng lên ổ nhóm lập thế “chân kiềng” với băng đảng của cu Nên, Dung “hà”. Năm 1992, Ngô Thế Lâm bỏ vốn đứng ra tổ chức tổ xích lô du lịch, rồi thầu hồ cá, xây dựng các chòi phục vụ dân ăn nhậu.

Trong làm ăn kinh tế, phải thừa nhận Lâm “có đầu óc”. Minh chứng là có người tập tọe làm xích lô du lịch kiểu bọn Lâm không hiểu sao sớm bị dẹp bỏ. Những ao hồ nào Lâm nhắm “đẻ” ra tiền ai đến thương lượng cũng không được.

Tất cả đều bị hắn “nói chuyện” bằng “luật rừng”. Kiểu làm ăn trong bóng tối của Lâm đã bị lực lượng công an để mắt đến. Tài liệu thu thập về ổ nhóm tội phạm của hắn mỗi ngày một dày thêm. Biết được tin, Lâm lo sốt vó, đã tính giải giáp đàn em ra chính quyền tự thú. Đang lúc rối tung chưa biết tính sao thì hắn lại có bước đi tăm tối nhất trong cuộc đời.

“GIỜ G” ĐÃ ĐIỂM

3 băng đảng có tổ chức, hoạt động với dấu hiệu của “xã hội đen” lần đầu tiên xuất hiện ở Hải Phòng trên thực tế đã cảnh báo loại hình tội phạm mới mang tính chất hết sức nguy hiểm.

Chuỗi dài những hành vi tội ác của chúng đã gây phẫn nộ lớn trong người dân và đương nhiên không thể tồn tại. Trước tiên, chuyên án 395C đã được mở ra, 4 tập hồ sơ dày khoảng 150 trang về băng cướp nguy hiểm do Phạm Đình Nên cầm đầu được lực lượng công an dựng lại một cách hệ thống. Khi băng cu Nên cho người bắn vào nhà Lâm “già” và được nhóm này “đáp trả” bằng cả băng AK, thì giờ G. đã điểm…

Nhận tin ngày 15-3-1995, Nên và đồng bọn tụ tập ở 112 Lạch Tray để đánh bạc và chuẩn bị gây án, Đại tá Trần Đồn, Phó Giám đốc CATP trực tiếp duyệt kế hoạch và chỉ thị các đơn vị chức năng bao vây chặt sào huyệt của chúng. Theo kế hoạch, 10h30’ các mũi nhận lệnh đột

nhập vào nhà 112, kiên quyết bắt sống bọn chúng. Đúng thời điểm đó, lực lượng trinh sát Phòng CSHS cùng Công an quận Ngô Quyền từ các vị trí phục kích đã đồng loạt ập vào nhà khiến cả bọn không kịp trở tay. Tại đây, Ban chuyên án đã bắt 7 tên trong đó có Phạm Đình Nên. Lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của Nên được thực hiện.

Tại đây, cơ quan điều tra đã thu được 10.000 USD và nhiều trang sức bằng vàng; thu dưới hầm 1 súng tiểu liên, 3 súng ngắn, 47 viên đạn, 1 lựu đạn, 5 dao lê, kiếm. Tiếp đó, các đơn vị công an đã truy lùng bắt thêm 9 tên đồng bọn của chúng. TAND TP Hải Phòng đã tuyên phạt Phạm Đình Nên mức án cao nhất về các tội giết người, cướp tài sản công dân, gây rối TTCC, cố ý gây thương tích, tàng trữ vũ khí trái phép, tổ chức đánh bạc. 14 tên còn lại bị tuyên phạt từ chung thân đến 9 tháng án treo.

Như đã nói, Lâm “già” trong cơn bí bách thì bị đàn em xui khôn xui dại “giải đen”. Tối 9-4-1995, đám này bắt một bé gái về dâng cho “đại ca”. Quyết nghiêm trị tội ác của hắn, ngày 18-4-1995, chuyên án 395Đ triệt phá băng nhóm do Ngô Thế Lâm cầm đầu đã được “khai hỏa” với việc bắt giữ tên đầu đảng về hành vi hiếp dâm trẻ em. Với tội danh này, Lâm đã bị TAND TP Hải Phòng kết án 16 năm tù.

Ngày 22-4-1995, lực lượng CATP tiếp tục phá chuyên án 395D, xóa sổ ổ nhóm Vũ Thị Kim Dung cầm đầu, bắt 9 đối tượng, thu giữ 2 xe máy, 2 máy Casino (đánh bạc), 12 sổ ghi nợ cờ bạc. Với tội danh Tổ chức đánh bạc, Dung bị TAND TP tuyên phạt 7 năm tù (mức án cao nhất cho tội này lúc bấy giờ).

Có rất nhiều bài học trong đấu tranh chuyên án, đấu tranh với các ổ nhóm tội phạm có tổ chức được rút ra từ chiến công đánh sập 3 băng đảng tội phạm cu Nên, Dung “hà”, Lâm “già”. Cả 3 chuyên án trên, khi phá án, lực lượng công an đều tóm được kẻ cầm đầu. Điều đó càng khẳng định cách đánh án mang tính truyền thống của lực lượng CATP Cảng.

Đó là, triệt xóa băng ổ nhóm tội phạm, đã đánh là phải thắng, đã tấn công là đánh đúng, đánh trúng đối tượng, đánh dập đầu rắn độc. Đây là kinh nghiệm quý mà khi tấn công ổ nhóm tội phạm nguy hiểm khác như băng đảng của Khánh “trắng”, Phúc “bồ” ở Hà Nội, Palestin ở Khánh Hòa…, lực lượng công an toàn quốc đã lấy Hải Phòng làm điểm.

Nhiều ổ nhóm tội phạm sau này ở Hải Phòng không còn dám bắt chước “mô hình” hoạt động của cu Nên, Dung “hà”…, kể cả những Quang “tơn”-hung thần khu bãi rác một thuở, Lộc “lợn” chuyên làm luật hay Giới “trâu” cướp bóc không ghê tay, Trường “ăn cắp” luôn kè kè bên mình súng hoa cải…

Vừa lộ mánh ngoi lên định xưng hùng, chúng đã phải chịu khuất phục trước phương châm: “bóp chết từ trong trứng” trong tiến công tội phạm của lực lượng CATP Hải Phòng.

Với thành tích xuất sắc trên, CATP Hải Phòng đã được đồng chí Bộ trưởng Bộ nội vụ (Bộ Công an) gửi thư khen. Đại tá Trần Đồn - Phó Giám đốc CATP (thời điểm đó) được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai. Đồng chí Hoàng Long - Đội phó Đội H88 Phòng CSHS được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho các đồng chí Đặng Minh - Đội phó Đội H88; Nguyễn Minh Hùng và Hoàng Minh Thiều là cán bộ Phòng CSHS. Thành tích trên còn là nhân tố hết sức quan trọng để góp phần xây dựng CATP Hải Phòng nói chung, lực lượng Cảnh sát hình sự ngày một trưởng thành vững mạnh. Chính vì lẽ đó, năm 1995, Phòng CSHS - CATP đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong thời kỳ đổi mới.

BAN PHÓNG VIÊN NỘI CHÍNH

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích