16:13 29/10/2017 Từ một trung tâm hành chính của triều đại nhà Nguyễn được khởi lập năm 1804 dưới thời Vua Gia Long, sau 213 năm xây dựng và phát triển, Thành Đông xưa - TP Hải Dương ngày nay đã trở thành trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, dịch vụ của tỉnh Hải Dương và là đô thị trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...
Đô thị trung tâm
Vùng đất Hải Dương, xưa kia gọi là Xứ Đông với trung tâm là Thành Đông luôn được các triều đại coi là “phên giậu” phía đông của Kinh thành Thăng Long. Bởi Hải Dương nằm ở phía đông thành Thăng Long, cũng là hướng mặt trời mọc. Vì vậy Hải Dương có nghĩa là “ánh mặt trời biển Đông” hay “ánh sáng từ miền duyên hải” phía đông.
Trải qua hơn hai thế kỷ dọc chiều dài lịch sử, Thành Đông xưa- thành phố Hải Dương nay luôn mang trong mình tinh thần quật khởi, khí phách dũng cảm, kiên cường chống giặc ngoại xâm, cùng ý chí mãnh liệt vươn lên trong xây dựng, phát triển. Năm 1997, thị xã Hải Dương được nâng cấp lên thành phố (đô thị loại III), ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển của thành phố. Phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng của các thế hệ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã chung sức, chung lòng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung khai thác những tiềm năng thế mạnh, thực hiện các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội.
Sau 20 năm kể từ ngày thành lập (1997 - 2017), đến nay TP Hải Dương đạt được nhiều thành tựu và kết quả quan trọng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn đạt ở mức cao hơn mức bình quân chung của cả tỉnh, bình quân đạt từ 13 -15%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ với tỉ trọng công nghiệp, xây dựng hiện đạt 72%, thương mại- dịch vụ 24,3%, nông nghiệp 3,7%. Riêng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thành phố Hải Dương tập trung phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hiện có 3 khu công nghiệp lớn và 4 cụm công nghiệp, với tổng diện tích gần 1.000 ha.
Được biết, trên địa bàn thành phố có khoảng trên 2.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (trong đó có gần 100 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài) giải quyết việc làm cho hơn 55.000 lao động. Kim ngạch xuất khẩu của thành phố liên tục tăng trưởng cao, năm 2017 ước đạt 2 tỷ USD, tăng gấp trên 120 lần so với năm 1997; thu ngân sách nhà nước năm 2017 ước đạt trên 964 tỷ đồng, tăng gấp trên 90 lần so với năm 1997. Các loại hình dịch vụ, thương mại, ngân hàng, viễn thông… phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của sản xuất, đời sống của nhân dân.
Xây dựng thành phố “xanh, văn minh, hiện đại”
TP Hải Dương đang có bước phát triển mạnh mẽ
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Trần Hồ Đăng, thời gian qua, TP Hải Dương không ngừng phát huy tinh thần lao động và sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng không gian, tăng cường quản lý và xây dựng văn hóa đô thị, phấn đấu xây dựng TP Hải Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020 với đặc trưng là thành phố xanh - văn minh - hiện đại. Để đạt mục tiêu trên theo ông Đăng, thành phố đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng thời tăng cường công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, gắn với công tác chỉnh trang và xây dựng đô thị văn minh.
Cụ thể, thành phố Hải Dương đã hoàn thành đồ án “Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn 2050” để làm cơ sở để quản lý và phát triển đô thị hiện đại. Cùng với đó, không gian thành phố được mở rộng, tổng số các đơn vị hành chính thành phố có 21 phường, xã với diện tích tự nhiên 71,6 km2, dân số hơn 25 vạn người. Nhiều khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái đã và đang hình thành, phát triển nhanh chóng; các công trình phúc lợi công cộng, đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng mỹ thuật, công viên, cây xanh... được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới.
Đáng chú ý, đến nay đã có thêm 8 khu đô thị và hàng chục khu dân cư mới với tỷ lệ lấp đầy từ 70% trở lên; hơn 500km các tuyến đường giao thông chính; 259,78 km đường ngõ xóm được cứng hóa. Những cây cầu lớn như: cầu Hàn, Phú Tảo, Lộ Cương… cùng nhiều tuyến đường trọng điểm như đường 52m, đường Thanh Niên, đường Tuệ Tĩnh, đường Ngô Quyền… đã và đang hình thành những tuyến giao thông quan trọng, góp phần phát triển không gian đô thị và kết nối giao thông, qua đó đã thúc đẩy giao thương, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư và đẩy mạnh quá trình đô thị hóa và là động lực để thành phố phát triển mạnh mẽ và đột phá.
Về Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, ông Trần Hồ Đăng, cho biết thêm, điều chỉnh quy hoạch trên vừa được công bố nhằm xây dựng thành phố là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế- văn hóa của tỉnh, đồng thời là cầu nối quan trọng giữa thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh ra cảng biển và vào đất liền. Định hướng phát triển đến năm 2020, thành phố Hải Dương trở thành đô thị loại I, với chỉ tiêu dân số đô thị trên 35 vạn người. Phê duyệt quy hoạch có nội dung nghiên cứu trên toàn bộ diện tích đất tự nhiên của thành phố Hải Dương và điều chỉnh mở rộng ranh giới ra 8 xã (thuộc các huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà, Gia Lộc) với tổng diện tích hơn 13.070 ha.
Kỷ niệm 20 năm thành lập thành phố Hải Dương (1997 - 2017), 213 năm khởi lập Thành Đông (1804 - 2017) và 63 năm ngày giải phóng (30/10/1954 - 30/10/2017), nhân dân TP Hải Dương phấn khởi, tự hào bởi tại Quy hoạch vùng đô thị Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2050 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính đã khẳng định vị trí, tầm quan trọng của TP Hải Dương là một đô thị lớn, một “vùng động lực phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ tập trung trên trục kinh tế giữa đô thị hạt nhân TP Hà Nội với TP Hải Phòng và TP Hạ Long, trong đó đô thị Hải Dương đóng vai trò đô thị trung tâm cấp vùng”.
Với sức hấp dẫn lớn về môi trường đầu tư và tính cạnh tranh, phát triển bền vững, hài hòa với môi trường, TP Hải Dương hội tụ đầy đủ các yếu tố của một đô thị hiện đại, năng động phát triển trong không gian mở, đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, dịch vụ của tỉnh Hải Dương và là đô thị trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
HIẾU CHUNG
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão