18:55 06/08/2018 Trải qua biến đổi của thời gian, đến nay huyện An Lão đã khẳng định vị thế cửa ngõ quan trọng trong công cuộc phát triển cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa lâu đời của thành phố. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày tái lập huyện, phóng viên báo ANHP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Văn Điều, Phó Bí thư thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện An Lão về nội dung này.
Đồng chí Phan Văn Điều – Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện An Lão
Phóng viên (PV): Trước hết, xin đồng chí giới thiệu đôi nét về huyện An Lão?
Đồng chí Phan Văn Điều: Theo các tài liệu nghiên cứu, An Lão là miền đất cổ, đã trở thành địa danh hành chính từ những triều đại đầu tiên của nước Việt. Tuy nhiên theo sự thăng trầm của lịch sử, nhất là lịch sử hiện đại, địa giới hành chính của An Lão có nhiều thay đổi. Chẳng hạn như năm 1969 từng sáp nhập với Kiến Thụy thành huyện An Thụy, năm 1980 sáp nhập với thị xã Kiến An thành huyện Kiến An.
Đến năm 1988, sau 19 năm chia tách, sáp nhập, huyện An Lão được tái lập theo Quyết định số 100/QĐ-HĐBT Hội đồng Bộ trưởng. Từ đó, huyện lấy ngày 8-8-1988 công bố Quyết định 100 là Ngày kỷ niệm tái lập.
Về vị trí, An Lão có diện tích tự nhiên là 11.458,45 ha, bao gồm 15 xã và 2 thị trấn. Huyện có nhiều thuận lợi vì nằm kết nối giữa các vùng phát triển linh hoạt của thành phố, với hệ thống giao thông đa dạng, nổi bật là có đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và QL10 đi qua, kết cấu hạ tầng được quy hoạch và đầu tư cơ bản, dân cư phân bố khá tập trung.
Bên cạnh đó, An Lão còn có quỹ đất phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, những năm gần đây được coi là khu vực kinh tế phát triển năng động của thành phố, với việc hình thành nhiều cụm công nghiệp. Trên nền tảng ấy, có thể nói trong 30 năm qua huyện đã phát huy tiềm năng lợi thế, đạt được những thành tựu nổi bật.
PV: Cụ thể những kết quả đó là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Phan Văn Điều: 30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ-chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong huyện đã kế thừa và phát huy truyền thống núi Voi bất khuất, với tinh thần sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn thử thách, đạt kết quả tích cực và toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Khi mới tái lập, thách thức lớn nhất của huyện là xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất gần như phải làm lại từ đầu. Nhưng với quyết tâm cao, các cấp ủy Đảng-chính quyền, quân và dân huyện đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn thách thức. Cần nhấn mạnh rằng, những năm gần đây sản xuất công nghiệp được xác định là khâu đột phá của huyện.
Năm 1989 huyện chỉ có vài cơ sở sản xuất manh mún, đến nay đã phát triển được 2 cụm công nghiệp là Trường Sơn và Bắc thị trấn An Lão, với trên 200 doanh nghiệp, thu hút hàng vạn lao động, đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố, đồng thời thúc đẩy hiệu quả nhiệm vụ an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Sắp tới, nhiều dự án lớn sẽ tiếp tục đầu tư vào địa bàn như: Sân Golf – Núi Voi của Tập đoàn Sakura Nhật Bản; khu nhà ở và Trung tâm thương mại của Tập đoàn Tây Bắc... sẽ mang lại diện mạo mới cho huyện về phát triển công nghiệp – dịch vụ.
Khu danh thắng lịch sử núi Voi (An Lão)
PV: Thưa đồng chí, phát triển công nghiệp như vậy, liệu có ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện hay không?
Đồng chí Phan Văn Điều:Không những không ảnh hưởng, mà ngược lại phát triển công nghiệp còn thúc đẩy hiệu quả phát triển nông nghiệp, dù tỷ trọng nông nghiệp giảm nhưng giá trị sản xuất lại tăng theo từng năm. Năng suất chất lượng cây trồng, vật nuôi tăng lên rõ rệt, năm 1989 năng suất lúa mới đạt 60,6tạ/ha, đến năm 2018 chỉ riêng vụ Đông – Xuân vừa qua đã đạt 69,2 tạ/ha.
Đây chính là tác dụng tương hỗ giúp cân đối lại nguồn lực, khai thác hợp lý hơn tiềm năng của địa phương. Mặt khác phát triển hạ tầng công nghiệp giúp cải thiện hạ tầng nông thôn. Cùng với đó, trình độ dân trí của người dân địa phương được nâng lên, đây chính là tiền đề quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Kể từ khi bắt đầu chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống đê điều, thủy lợi nội đồng trên địa bàn đã được đầu tư kiên cố hóa toàn diện hơn. Huyện cũng phát triển được nhiều vùng nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế cao.
Đồng thời An Lão cũng là một trong những huyện đi đầu thành phố trong phát triển kinh tế trang trại, với 136 trang trại chăn nuôi tập trung, nuôi thả thủy sản, trang trại tổng hợp và gần 400 gia trại hoạt động hiệu quả.
Hiện tại, huyện đã có 8/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn huyện đạt 17,47 tiêu chí/xã. Huyện đang tập trung với nỗ lực cao nhất, nhằm hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới tại 100% các xã vào năm 2019, theo đúng chương trình kế hoạch đề ra.
PV: Đồng chí có thể giới thiệu thêm về những lĩnh vực khác?
Đồng chí Phan Văn Điều: Bên cạnh xác định lộ trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, gắn với quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường, văn hóa xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, cải cách hành chính…
Tuy nhiên, chúng tôi cũng ý thức rằng, dù đạt được những thành tựu tích cực nhưng huyện còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Những hạn chế trong quản lý cũng như của những vấn đề mới trong hội nhập phát triển đang là lực cản lớn. Mặt khác, khó khăn trước mắt là nguồn lực hạn hẹp, nên một số mục tiêu theo lộ trình đề ra chưa có điều kiện thực hiện hoặc không còn phù hợp.
Bởi vậy chúng tôi luôn coi trọng giành thế chủ động, một mặt tiếp tục tận dụng và phát huy tiềm năng, một mặt sẵn sàng đối phó với những thách thức. Chủ trương của huyện là nhất quán sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững khối đoàn kết toàn dân, như Bác Hồ đã nói, đây là đầu mối của mọi thành công. 30 năm qua huyện An Lão đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và sẽ tiếp tục truyền thống đó.
Quan trọng nhất là tạo sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống chính trị, sự ủng hộ và tin tưởng của cán bộ và nhân dân; nâng cao năng lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, tranh thủ thu hút mọi nguồn lực đầu tư, quyết tâm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đề ra.
PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
Lê Minh Thắng thực hiện
10:11 20/10/2024
18:35 17/10/2024
20:57 08/09/2024