Lan tỏa giáo dục truyền thống về Bạch Đằng Giang - Di tích lịch sử quốc gia, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi

20:44 21/01/2021

“Đối với chiến thắng lịch sử Bạch Đằng Giang, chúng tôi nghĩ rằng đó không chỉ là ở tầm của Việt Nam mà là còn là bài học đối với thế giới mà nhiều nước muốn học hỏi. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với các vụ, cục của Bộ GD-ĐT, sở GD-ĐT các địa phương để lan tỏa trong giáo viên, học sinh tìm hiểu những giá trị khoa học, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của Khu di tích, từng bước nghiên cứu, bổ sung giá trị hướng tới trình đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích chiến thắng trên sông Bạch Đằng là di sản văn hóa thế giới; sâu sắc hơn là nhằm khơi dậy và nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc hào hùng của dân tộc ta trong thời kỳ đổi mới”, NGUT.PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT dâng hương tại Khu di tích Bạch Đằng Giang

Nơi hội tụ hồn thiêng sông núi

Dòng sông Bạch Đằng kỳ vĩ từ ngàn xưa luôn là miền đất và nước, yết hầu của Quốc gia Đại Việt và Kinh thành Thăng Long. Sông Bạch Đằng chính là biểu tượng và minh chứng hùng hồn của lịch sử chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông và nòi giống của tổ tiên ta.

“Bạch Đằng! Sông bắt đầu từ lòng Tổ quốc,

Đổ ra cửa biển tương lai

Đầu gối sử xanh,

Khoác tay vĩnh cửu,

Sinh lực tràn đầy,

Sức mạnh không vơi…

Bạch Đằng, Lời cảnh báo thiên thu cho mọi kẻ thù xâm lược!”

 - “Bạch Đằng tráng khúc” của Trinh Đường

Nhà sử học Dương Trung Quốc diễn thuyết tại Hội thảo

Ngày nay, trên dòng sông Bạch Đằng vẫn ngân vang hào khí của cha ông. Ngay tại di tích chiến thắng Bạch Đằng Giang, nhân dân Hải Phòng đã lập đền thờ ghi nhớ công lao tài đức của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Đức Vương Ngô Quyền, Hoàng đế Lê Đại Hành và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ngày 4-11- 2020, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có Quyết định số 3229/ QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu di tích Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng là Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Việc Khu di tích Bạch Đằng Giang được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia là vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP Hải Phòng trong việc bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị đặc biệt của Khu di tích, bảo đảm cho Khu di tích xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi như lời danh sĩ nổi tiếng thời nhà Trần - Phạm Sư Mạnh khẳng định “Giang Sơn Vượng khí Bạch Đằng thâu”.

NGUT.PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT phát biểu tại Hội thảo

Với mong muốn thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng dân tộc đã có công lớn trong các trận chiến trên sông Bạch Đằng, khẳng định tiềm năng và trí tuệ của con người Việt Nam, những giá trị nổi bật của các trận thắng trên sông Bạch Đằng đối với lịch sử Việt Nam và thế giới; đồng thời góp phần tôn vinh, giới thiệu và quảng bá về một Hải Phòng với bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa đến du khách trong nước và quốc tế đang vươn mình mạnh mẽ hội nhập quốc tế, trong không khí trang nghiêm, thành kính, bên dòng sông lịch sử Bạch Đằng huyền thoại, tại thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, Sở GD-ĐT TP Hải Phòng vừa tổ chức Hội thảo chuyên đề Lịch sử: “Bạch Đằng giang - Di tích lịch sử quốc gia, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi”. Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Tiến, Ủy viên Thành ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố chủ trì Hội thảo. Diễn giả tại hội thảo - Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia; cùng tham dự có giáo viên môn Lịch sử cấp THPT, THCS trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc tặng lãnh đạo Sở GD-ĐT bức bản đồ Việt Nam

Lan tỏa giáo dục truyền thống đến cả nước và quốc tế

Chia sẻ về ý tưởng tổ chức hội thảo, NGUT.PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh, theo chiều dài lịch sử, trước khi xâm chiếm Việt Nam, đế quốc Nguyên - Mông hết sức hùng mạnh, biết bao quốc gia đã không thể chống lại vó ngựa Mông Cổ. Và khi quân Nguyên - Mông phải dừng vó ngựa xâm lăng, thất bại ở đất Việt cho thấy sức mạnh quân sự của nước ta. Đối với chiến thắng lịch sử Bạch Đằng Giang, chúng tôi nghĩ rằng, đó không chỉ là ở tầm của Việt Nam mà là còn là bài học đối với thế giới mà nhiều nước muốn học hỏi.

“Việc công nhận Di tích Bạch Đằng Giang là Di tích lịch sử cấp quốc gia là sự kiện hết sức lịch sử và ý nghĩa đối với nhân dân thành phố. Đối với 32.141 thầy cô giáo và nửa triệu học sinh, cùng hàng triệu phụ huynh thành phố Hải Phòng hết sức phấn khởi và tự hào khi mình được sống ở trên một địa danh lịch sử hào hùng như vậy. Chúng tôi mong muốn rằng, đây sẽ là nơi mà các em học tập về truyền thống yêu nước, về ý chí quật cường của các thế hệ cha anh, để từ đó tạo cho mình một nền tảng một ý chí, nỗ lực phấn đấu trong việc xây dựng và phát triển thành phố.

NGUT.PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT  tặng quà diễn giả, nhà sử học Dương Trung Quốc

Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với các vụ, cục của Bộ GD-ĐT, sở GD-ĐT các địa phương để lan tỏa trong giáo viên, học sinh tìm hiểu những giá trị khoa học, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của Khu di tích, từng bước nghiên cứu, bổ sung giá trị hướng tới trình đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích chiến thắng trên sông Bạch Đằng là di sản văn hóa thế giới; sâu sắc hơn là nhằm khơi dậy và nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc hào hùng của dân tộc ta trong thời kỳ đổi mới…”, Giám đốc Lê Quốc Tiến khẳng định.

Về lộ trình sắp tới, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, Hải Phòng hiện đang đẩy mạnh, phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số trong giáo dục. Chính vì vậy, Hải Phòng sẽ phát động phong trào trong toàn ngành GD-ĐT về việc số hoá các danh lam thắng cảnh,  đặc biệt là ý nghĩa lịch sử của Di tích Bạch Đằng Giang; phát động các cuộc thi trong học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo tìm hiểu về Khu di tích. “Đưa giáo dục truyền thống yêu nước của thế hệ cha anh vào các bài học, các hoạt động để giúp các em hiểu sâu hiểu kỹ, từ đó tự hào về việc mình đã được sống ở trên mảnh đất nơi hội tụ hồn thiêng sông núi này”, ông nói.

Các cháu thiếu nhi tham quan Khu di tích

Tại hội thảo, diễn giả, nhà sử học Dương Trung Quốc đã trao đổi, chia sẻ với các thầy cô giáo giảng dạy môn Lịch sử trên địa thành phố Hải Phòng làm rõ nét hơn giá trị lịch sử - văn hóa của khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang; việc quảng bá, lan tỏa giá trị Khu di tích đối với nhân dân trong nước và trên thế giới. Nhà sử học Dương Trung Quốc mong muốn Khu di tích sẽ là niềm tự hào không chỉ của riêng Hải Phòng mà còn là của cả nước Việt Nam. Điều này thể hiện sự tôn kính với những bậc tiền nhân đi trước, mà còn được ghi nhận của những thế hệ đương đại. Với một không gian đẹp, rộng lớn nhà sử học mong muốn sau này Khu di tích sẽ được gọi tên là công viên di tích để thể hiện sự xứng tầm với thế hệ cha ông ta đã đi trước. Đây là những giá trị quý báu mà người Việt đang bảo tồn và tôn vinh. Đối với các thầy cô giáo, nhất là những người thầy đang dạy môn lịch sử chắc không thể quên được những bài học về lòng yêu nước, về các cuộc kháng chiến… chắc chắn mỗi thầy cô giáo đều cảm thấy tự hào. Qua đó, cần nhân lên tinh thần học hỏi, phát huy những giá trị đó để truyền đạt lại cho các thế hệ học sinh thân yêu”…

Hội thảo cũng được nhóm Inter Việt Nam trao đổi, chia sẻ về kế hoạch xây dựng Bản đồ số Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Bạch Đằng Giang và tích hợp tri thức địa phương trong giáo dục Lịch sử trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

HẢI HẬU

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông