Lột mặt cả “gia đình lừa”

22:46 23/11/2017

Những cuộc phiêu lưu về tài chính bất thành, những khoản nợ lãi cứ một ngày đội lên theo cấp số nhân đã khiến Phạm Thị Tuyết, sinh 1942, ở 31 Phan Bội Châu, rơi vào cảnh cũng quẫn, làm liều và cuối cùng là vòng lao lý.

Một vụ giả mạo con dấu, giấy tờ bị cơ cơ quan công an triệt phá (ảnh minh họa)

Dưới “mác” kí kết hợp đồng kinh tế và vay tiền để làm vốn kinh doanh, Phạm Thị Tuyết đã tự lên một kịch bản táo tợn, chỉ đạo đồng bọn thực hiện hơn 10 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản công dân, dùng số tiền đó chỉ để trả lãi và trả nợ cho các món vay khác. Hành vi tội lỗi đó của thị đã phải trả giá đắt trước sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Nhờ có mối quan hệ quen biết từ trước, ngày 4-2-1994, Phạm Thị Tuyết – Giám đốc công TNHH dịch vụ XNK Bắc Hải, Hải Phòng, viết đơn xin vay Ngân hàng Công thương quận Hồng Bàng 1,5 tỷ đồng để mua nhà thanh lý tại 42 Hạ Lý, Hải Phòng (Cơ sở của các xí nghiệp điện cơ). 3 tài sản được Tuyết dùng thế chấp tổng trị giá theo đánh giá của Ngân hàng Công thương Hồng Bàng là 2 tỷ đồng, bao gồm ngôi nhà số 31 Phan Bội Châu, Hải Phòng; nhà số 15 Bạch Đằng, Hải Phòng, cùng 500 bộ lốp oto loại LADA do Liên Xô cũ sản xuất. Việc thế chấp này được ngân hàng đồng ý với thời hạn vay 3 tháng. Ngày 7-5-1994, đến thời hạn trả nợ nhưng do không xoay sở kịp, thị đã viết đơn và được phía ngân hàng chấp nhận cho gia hạn.

Tới ngày 7-8-1994, khi nộp xong khoản tiền nợ 1,5 tỷ đồng theo như sổ sách ngân hàng đã thể hiện, Phạm Thị Tuyết lại tiếp tục viết đơn xin vay 1,6 tỷ đồng với hai tài sản thế chấp là ngôi ngà 31 Phan Bội Châu và ngôi nhà 42 Hạ Lý và lại được chấp thuận, thời hạn vay 6 tháng với lãi suất 2,3%/ tháng. Theo hợp đồng, tháng 2- 1995, thị phải trả toàn bộ số tiền đã vay nhưng do không có tiền thanh khoản với ngân hàng, thị một lần nữa làm đơn xin gia hạn. Khi không thể xin gia hạn thêm nữa, Tuyết dùng thủ đoạn bàn giao cơ sở 42 Hạ Lý, cho Ngân hàng Công thương Hồng Bàng mặc dù biết việc làm này là vi phạm pháp luật do ngôi nhà này đã được thị thế chấp tại Ngân hàng cổ phần Hằng Hải, vay 1 tỷ đồng.

Túng quẫn do không có tiền để trả nợ cho ngân hàng và các đối tượng khác, tháng 1-1996, Phạm Thị Tuyết đã móc nối với Lê Xuân Vân – Giám đốc Công ty thương mại Bãi Cháy, Quảng Ninh, lập một bộ hồ sơ giả mua bán 45.400kg vecni cách điện với tổng trị giá hơn 7,6 tỷ đồng.Việc lập bộ hồ sơ giả với đầy đủ các giấy tờ liên quan được thị lên kế hoạch nhằm mục đích thế chấp tại Chi nhánh ngân hàng Công thương quận Hồng Bàng, trả nợ cũ tại ngân hàng nhưng kịch bản không thành. Tháng 3-1996, thị làm quen với Trần Thị Thành (ở 56 Mê Linh), dùng bộ hồ sơ mua bán lô vecni cách điện giả giao cho chị Thành để thế chấp vay tiền. Trước những lời ngon ngọt của thị, chị Thành đã thế chấp ngôi nhà của mình để vay 1,2 tỷ đồng tại Ngân hàng Công thương Hồng Bàng, sau đó đưa cho thị 800 triệu đồng để trả nợ tại ngân hàng trên. Không dừng ở đó, ngày 21-3-1996, Tuyết lại bố trí cho chồng là Nguyễn Duy Cán đến Ngân hàng Công thương Hồng Bàng thế chấp ngôi nhà 31 Phan Bội Châu, vay 630 triệu đồng để trả nợ thay cho thị. Cùng với việc trước đó thị đã trả nợ được 150 triệu đồng thì số tiền thị còn nợ Ngân hàng Công thương Hồng Bàng 980 triệu đồng. Số tiền này thị đã không còn khả năng chi trả.

Đáng nói, trong thời gian vay vốn tại Ngân hàng Công thương Hồng Bàng, để có tiền trả nợ cho ngân hàng và các khoản vay khác, Phạm Thị Tuyết cùng Nguyễn Duy Minh là con trai, kiêm Phó giám đốc Công ty TNHH Bắc Hải, nhiều lần lợi dụng lòng tin của mọi người, lập nhiều hợp đồng kinh tế “ma”, sử dụng nhiều ngôi nhà không thuộc quyền sở hữu của thị để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố. Điển hình là vụ chiếm đoạt hơn 1,7 tỷ đồng của cửa hàng Vật tư tổng hợp (Công ty XNK vật tư đường biển); 450 triệu đồng của chi nhánh ngân hàng VPBank Hải Phòng; hơn 1 tỷ đồng của Trần Thị Thành (ở 56 Mê Linh); hơn 448 triệu đồng của Công ty TNHH Việt Anh, Hà Nội; hơn 615 triệu đồng của Nguyễn Thị Nhung (ở 31A Phan Bội Châu, Hải Phòng),…

Nổi cộm trong số những phi vụ lừa của Phạm Thị Tuyết phải nhắc đến thủ đoạn lừa đảo liên tỉnh, gây chấn động dư luận tại TP.Hồ Chí Minh do thị cầm đầu. Mặc dù trước đó đã bị khởi tố bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng bằng thủ đoạn tinh quái, thị cùng đồng bọn đã lên kế hoạch lừa đảo hòng chiếm đoạt số tiền hơn 11 tỷ đổng của Công ty TNHH Phi Việt (TP.Hồ Chí Minh), một số tiền không hề nhỏ vào thời điểm bấy giờ. Theo lời khai của Phạm Thị Tuyết, đầu năm 1996, thị đã ủy quyền cho Nguyễn Duy Minh vào TP.Hồ Chí Minh khai thác tìm cách mua hàng trả chậm đưa ra Hải Phòng bán để trả nợ. Sau thời gian khảo sát thị trường tại TP.Hồ Chí Minh và tìm được “con mồi” để lừa đảo, ngày 21-4-1996, đối tượng Minh đã ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH Phi Việt, mua 500 xe gắn máy 2 bánh Suzuki Cryctal mới 100%, với tổng giá trị hơn 11 tỷ đồng. Dưới sự chỉ đạo của Tuyết, Minh đã thuyết phục được Công ty TNHH Phi Việt sẽ thanh toán cho công ty hơn 2,8 tỷ ngay khi nhận 25% số hàng. Số tiền còn lại hơn 8,5 tỷ công ty Bắc Hải, Tuyết và Minh sẽ trả trong vòng 14 tháng có bảo lãnh của Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn Hải Phòng (Ngân hàng TMCPNT Hải Phòng).

Là kẻ đã “thành tinh” trong ngón nghề lừa đảo, trong quá trình thực hiện giao dịch với Công ty TNHH Phi Việt, để có chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng TMCPNT Hải Phòng, Tuyết còn chỉ đạo chồng chỉ đạo chồng đến gặp gỡ, bàn bạc với Trần Kim Hải (Chủ tịch hội đồng quản trị), Nguyễn Hữu Thành (cán bộ Ngân hàng TMCPNT Hải Phòng) ký chứng thư bảo lãnh số tiền hơn 10 tỷ đồng với con dấu chức danh giả “Giám đốc Nguyễn Hữu Thành”, đồng thời mượn ngôi nhà tại số 290 Lê Lợi, Hải Phòng, làm trụ sở “ảo” để làm việc với Nguyễn Thị Kim Oanh - đại diện Công ty TNHH Phi Việt. Trên thực tế, ngân hàng này chưa hoạt động tại Hải Phòng. Tuy nhiên, hợp đồng rất may mắn không được thực hiện bởi chị Oanh đã phát hiện ra hành vi gian dối của mẹ con Phạm Thị Tuyết.

Với hành vi trái pháp luật khi chiếm đoạt số tiền hơn 7,7 tỷ đồng Việt Nam, 64.500 USD cùng thủ đoạn tinh vi khi giả mạo con dấu, giấy tờ hòng qua mắt các cơ quan chức năng, Phạm Thị Tuyết, Nguyễn Duy Minh cùng đồng bọn đã phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN, lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân, theo Bộ luật hình sự năm 1985.

Phạm Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích