Sáng qua (6-7), lực lượng nổi dậy ở Libya đã phát động một cuộc tấn công thẳng vào cửa ngõ quan trọng của thủ đô, nhằm mục tiêu vào các cứ điểm của quân chính phủ nằm cách Tripoli chỉ khoảng 50 km.
| |
Cuộc nội chiến ở Libya đã bước sang tháng thứ tư với hàng nghìn người chết và cơ sở hạ tầng khắp đất nước bị tàn phá nhưng cả phe nổi dậy và quân chính phủ đều vẫn bị mắc kẹt trong tình trạng bế tắc kéo dài bất chấp việc NATO không ngừng tăng cường cả về quy mô lẫn mức độ quyết liệt trong chiến dịch không kích nhằm vào quân của ông Gaddafi. NATO đã tiến hành tổng cộng 5.000 lần xuất kích với bình quân 50 mục tiêu tấn công mỗi ngày, tuy nhiên những thành công đó chưa mang lại ưu thế quyết định cho lực lượng này.
Để giúp lực lượng nổi dậy ở Libya, Pháp đã thả dù các kiện vũ khí cho các tay súng chống chính phủ. Các thùng hàng này gồm súng trường, súng máy, đạn súng phóng lựu và các tên lửa chống tăng Milan do châu Âu chế tạo có thể phá hủy xe tăng và boong-ke. Được khích lệ bởi những vũ khí này, hôm qua phe nổi dậy Libya đã tấn công vào khu vực Gualich phía tây nam thủ đô. Đây là cửa ngõ dẫn tới Tripoli - thành trì chính của Tổng thống Muammar Gaddafi. Tuần trước, phe nổi dậy đã buộc phải rút trở lại thành phố đồng bằng Bir al-Ghanam, cách thủ đô Tripoli chỉ khoảng 80 km, do không thể cầm cự được trước sức tấn công dữ dội của lực lượng trung thành với ông Gaddafi.
Cùng lúc, phe nổi dậy Libya cũng đã tạo được một hình vòng cung bảo vệ Misrata bằng cách liên kết hai mặt trận phía tây và nam thành phố. Misrata - thành phố lớn thứ 3 của Libya, là một trong những chiến trường nóng bỏng nhất đất nước Bắc Phi kể từ khi cuộc nổi dậy chống lại chính quyền của Tổng thống Gaddafi nổ ra hồi giữa tháng 2. Các cuộc giao tranh đẫm máu giữa hai phe nổ ra liên tiếp nhưng chẳng bên nào tạo ra được bước đột phá. Phe nổi dậy đang muốn giành chiến thắng quyết định ở Misrata để có đà tiến tới thủ đô Tripoli.
Liên quan đến ông Gaddafi, ngày 5-7, một nguồn tin từ Libya cho báo chí phương Tây hay là nhà lãnh đạo này sẵn sàng từ bỏ quyền lực với điều kiện được đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Libya khẳng định ngược lại: “Thông tin về các cuộc đàm phán liên quan tới việc ông Gaddafi từ chức hoặc tìm cách tị nạn ở trong nước hoặc bên ngoài đất nước là không đúng. Gaddafi là biểu tượng lịch sử và người Libya sẽ chết để bảo vệ ông”. Hồi cuối tháng 6, ông Gaddafi phát đi thông điệp ghi âm đầy thách thức, nói rằng ông đã “bị dồn vào chân tường” nhưng không sợ chết, và cuộc chiến chống lại “những kẻ thập tự chinh” phương Tây sẽ tiếp tục “cho tới kiếp sau”.
VIỆT ANH (tổng hợp) |