Malaysia đau đầu vì MH370 và tai nạn của MH192

15:41 27/04/2014

 

 

Bộ trưởng Quốc phòng kiêm quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein họp báo cho biết, theo Trung tâm điều phối chung tại Perth, Australia, những ngày qua liên tục có hơn 10 máy bay quân sự và 12 tàu tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370. Ông cũng thông tin nhanh về sự cố mới liên quan đến chuyến bay MH192.

Vẫn chưa có manh mối về MH370

Ông Hussein cho biết, Cơ quan An toàn Hàng hải Australia lên kế hoạch tìm kiếm trực quan trên một diện tích khoảng 37.948km2. Trọng tâm của khu vực tìm kiếm cách Perth khoảng 1.584km về phía Tây Bắc, trong phạm vi bán kính 10km xung quanh khu vực phát hiện tiếng "ping" thứ hai hôm 8-4. Tuy nhiên, kế hoạch tìm kiếm bằng máy bay đã phải hủy bỏ do thời tiết xấu tại khu vực tìm kiếm. Trước khi có lệnh hoãn, ba máy bay đã xuất phát và sau đó đã được yêu cầu quay trở lại trong khi 12 tàu vẫn triển khai tìm kiếm theo kế hoạch.

Thiết bị tự hành dưới nước Bluefin-21 đã hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm dưới nước trong lần hạ thủy thứ 10. Bluefin-21 đã hoàn thành việc quét, chụp ảnh hơn 80% diện tích trọng tâm khu vực tìm kiếm dưới nước. Tuy nhiên, đến hết ngày 24-4 vẫn chưa có bất cứ manh mối nào được phát hiện cho thấy có liên quan đến MH370. Theo Hiệp ước Chicago về hàng không quốc tế, cuộc điều tra MH370 là quyền và trách nhiệm của phía Malaysia, nhưng vào đầu tháng 4, Úc đã chấp nhận một đề nghị của chính quyền Kuala Lumpur đứng ra dẫn dắt cuộc tìm kiếm.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston thông báo rằng chi phí cho cuộc tìm kiếm không phải là vấn đề vào thời điểm hiện tại. "Đó có thể là vấn đề trong tương lai. Chúng tôi muốn tìm máy bay. Chúng tôi muốn nói với Trung Quốc, Malaysia rằng chi phí không phải là vấn đề và Australia muốn giúp đỡ họ trong thảm kịch này", ông Johnston nói.

Không rơi xuống Ấn Độ Dương?

Sau gần 50 ngày chưa tìm MH370, tờ Strait Times của Malaysia dẫn lời một thành viên trong đội tìm kiếm quốc tế (IIT) cho hay: "Chúng tôi sẽ phải xem xét kỹ khả năng trên nếu quá trình tìm kiếm không mang lại kết quả tích cực trong vài ngày tới. Giả thiết MH370 đã hạ cánh xuống đâu đó hoàn toàn có thể xảy ra bởi chúng ta vẫn chưa phát hiện mảnh vỡ nào liên quan đến máy bay mất tích. Tuy nhiên, việc một quốc gia nào đó đang che giấu chiếc máy bay khi hơn 20 nước đang tìm kiếm dường như khá vô lý".

IIT còn đang xem xét điều động thêm phương tiện tới khu vực tìm kiếm hiện tại cũng như mở rộng vùng tìm kiếm do lo ngại lực lượng cứu hộ đang "tìm máy bay mất tích sai vị trí". Một thành viên nói: “Chúng tôi không thể tập trung vào một khu vực quá lâu, dù đội tìm kiếm đã phát hiện được những manh mối tiềm năng, bởi đại dương rất rộng. Chúng ta sẽ gặp may nếu tàu lặn Bluefin-21 phát hiện được mảnh vỡ, nhưng hiện vẫn chưa có bằng chứng vật lý nào và chúng ta đang hoàn toàn phụ thuộc vào những tính toán khoa học, gồm cả các 'ping', ngay từ ngày đầu tiên".

Bên cạnh đó, IIT đang hy vọng sẽ được cung cấp thêm thông tin gồm dữ liệu từ các vệ tinh liên quan và từ radar tại Pine Gap, Căn cứ Quốc phòng chung của Australia và Mỹ, ở miền bắc Australia. Tính đến nay, Pine Gap vẫn chưa cung cấp bất kỳ thông tin nào.

Trong khi đó, AFP dẫn lời Thủ tướng Australia Tony Abbott hôm qua cho biết lực lượng tìm kiếm vẫn tin rằng MH370 rơi xuống Ấn Độ Dương. "Các chuyên gia của chúng tôi cho rằng máy bay đã rơi xuống khu vực nào đó ở Ấn Độ Dương và xác định khu vực nghi xảy ra va chạm có chiều dài 700 km, chiều rộng 80 km", ông Abbott trả lời các phóng viên tại thủ đô Canberra. Theo Thủ tướng, dựa vào các tín hiệu được cho là phát ra từ hộp đen mà Australia thu được, quá trình tìm kiếm dưới nước trong diện tích chỉ khoảng 400 km đang được tiến hành. "Chúng tôi chưa kết thúc tìm kiếm và chưa tìm thấy gì nhưng tôi nhấn mạnh rằng Australia sẽ không ngơi nghỉ và làm hết sức để có thể giải mã bí ẩn này".

Thành lập đội điều tra quốc tế

Về việc thành lập Đội điều tra quốc tế, Bộ trưởng Giao thông Malaysia cho biết Chính phủ Malaysia đã nhất trí thông qua việc thành lập Đội điều tra quốc tế để điều tra chi tiết về vụ mất tích của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS). Bộ Giao thông Malaysia được giao nhiệm vụ là cơ quan dự thảo những điều khoản tham chiếu đối với đội điều tra này. Ông Hussein cũng cho biết, như đã thông báo, một tiểu ban do Thứ trưởng Bộ Giao thông Aziz Kaprawi đứng đầu, cũng được giao nhiệm vụ phối hợp trong việc thành lập Đội điều tra quốc tế.

Theo ông Hussein, Malaysia là một quốc gia thành viên của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), vì thế Malaysia sẽ tuân thủ theo các tiêu chuẩn và các thông lệ của tổ chức này. Mục đích chính của Đội điều tra quốc tế này là đánh giá, điều tra và đưa ra quyết định về nguyên nhân thực sự của tai nạn này để những sự việc tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai. Ông Hussein cũng nhấn mạnh rằng đội điều tra này không nhằm vào khía cạnh tội phạm vì điều này thuộc phạm vi của Cảnh sát Hoàng gia Malaysia.

Đội điều tra quốc tế này sẽ gồm ba nhóm, nhóm 1 chuyên về điều kiện bay, nhằm xem xét những vấn đề liên quan đến việc bảo dưỡng định kỳ, kết cấu và hệ thống; nhóm 2 chuyên về vận hành, nhằm xem xét, kiểm tra những ghi âm về chuyến bay, vận hành cũng như vấn đề khí tượng; nhóm 3 chuyên về nhân tố con người và y khoa, nhằm điều tra những vấn đề như tâm lý học, bệnh lý và những nhân tố về sự sống sót. Các thành viên của Đội điều tra này sẽ được công bố trong tuần tới.

Tình hình máy bay MH192

Cũng trong cuộc họp báo, quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein đã cập nhật tình hình liên quan chiếc máy bay MH192 đi Bangalore, Ấn Độ, đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Kuala Lumpur rạng sáng ngày 21-4. Ông cho biết chiếc máy bay đã rời sân bay KLIA hồi 22h20’ ngày 20-4, chở theo 159 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn. Phi hành đoàn đã báo cáo họ cảm thấy máy bay bị rung mạnh.

Trong khi đó, hồi 22h22’ cùng ngày, chiếc máy bay MH2626 xếp hàng chuẩn bị cất cánh đã thông báo nhìn thấy các mảnh vỡ của lốp máy bay trên đường băng. Sau đó, Trung tâm kiểm soát không lưu (ATC) tại Subang nhận được thông báo từ MH192 rằng lốp xe của máy bay đã bị nổ. Trung tâm kiểm soát lưu không tại sân bay KLIA đã thông báo với Trung tâm kiểm soát vận hành sân bay của Công ty Malaysia Airports Holding Berhad (cơ quan điều hành hoạt động sân bay) để chuyển tiếp các tin nhắn đến Trung tâm kiểm soát hoạt động của hãng Malaysia Airlines (MAS OCC) và tới cơ trưởng của MH192.

Ngay sau đó, MH192 đã quay trở sân bay KLIA. Hồi 23h32’, máy bay MH192 đã bay thấp trên đường băng theo chỉ dẫn của MAS OCC và tiếp tục giữ ở độ bay thấp cho đến 1h20’ sáng 21-4. Hồi 1h31’, máy bay tiếp cận sân bay KLIA và bay ở độ bay thấp qua đường băng dưới sự giám sát của đại diện MAS OCC và đã hạ cánh an toàn vào 1h57’ trên đường băng 32 L. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, bánh xe chính số 3 bị nổ trong thời gian cất cánh. Máy bay MH192 đã được đưa đến cơ sở kỹ thuật của MAS tại KLIA để sửa chữa.

Công tác điều tra sự cố của MH192 vẫn đang được tiếp tục.

Thái Vân (tổng hợp) 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích