Nét xưa nơi phố thị

08:11 18/09/2017

Xen lẫn những ngôi nhà cao tầng khang trang, mái bằng kiên cố, ngày nay ở khắp các miền quê ở Hải Phòng, nhiều ngôi nhà gỗ cổ, mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc vẫn còn nguyên vẹn. Tồn tại giữa cuộc sống hiện đại, những ngôi nhà ấy dễ gợi nhớ cho ta những ký ức xa xưa, những hoài niệm cũ với sự bình yên đến lạ kỳ…

Ngôi nhà gỗ cổ truyền gần 200 tuổi của ông Vân Nam

Đi qua những con phố náo nhiệt, theo sự chỉ dẫn, tôi tìm đến ngôi nhà cổ gần 200 tuổi của ông Vân Nam tại số 74 đường Dân lập, quận Lê Chân.

Sau cánh cổng gỗ nhỏ mở ra cả một không gian rộng lớn bên trong của cỏ, cây, hoa lá, xanh mướt đến mát mắt, xua tan cả những ồn ào, ngột ngạt của phố thị ngoài kia.

Vườn hoa trước nhà cũng là nơi tiếp khách thưởng ngoạn

Một lối nhỏ với hai hàng cau rợp bóng mát dẫn đến một khoảng sân rộng với vài ba đôi chim bồ câu đang tìm mồi, cùng biết bao chậu, cây cảnh. Thi thoảng, ngân lên giữa không trung là tiếng hót dịu dàng, ngân nga của những con yến nhỏ. Tất cả, dường như tạo nên một bản hòa ca thật đẹp, bình yên biết nhường nào của cuộc sống.

Nhưng có lẽ ấn tượng, mãn nhãn hơn cả là ngôi nhà gỗ cổ truyền thống được xây dựng với nhiều kỹ thuật điêu luyện của gia chủ. Ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim.

Ngôi nhà có 3 gian, 2 trái với các loại cột, rường, xà được chạm khắc vô cùng tinh tế.

Ngôi nhà có nhiều chi tiết được chạm khắc tinh xảo, điêu luyện

Gia chủ ngôi nhà, ông Vân Nam chia sẻ: Ngôi nhà của ông đã gần 200 tuổi. Những đồ dùng sinh hoạt trong ngôi nhà như bàn ghế, sập ghụ, tủ chè cũng có độ tuổi từ vài chục năm đến hàng trăm năm.

 Chiếc sập trong ngôi nhà gỗ cổ của ông Vân Nam cũng có tuổi đời hàng trăm năm

Những ngôi nhà gỗ cổ truyền như nhà ông Vân Nam hiện tại ở Hải Phòng còn tồn tại nhiều, với tuổi đời khác nhau. T

rên khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố, địa phương nào cũng có nhà gỗ cổ, điển hình như nhà của ông Bùi Thanh ở 187, khu 10, phường Đằng Hải, quận Hải An; nhà ông Phạm Văn Thăng ở 67 Cầu Đen, núi Đối, Kiến Thụy; nhà ông Trần Văn Ca ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, nhà ông Đào Ngọc Thạch ở Cổ Am, Vĩnh Bảo…

Ước tính những nhà gỗ cổ truyền có tuổi đời mấy chục năm đến mấy trăm nay ở Hải Phòng có đến hơn 3.000 căn. Trong đó ở Thủy Nguyên và Vĩnh Bảo là những địa phương còn có nhiều nhà cổ hơn cả.

Nhà gỗ cổ truyền thường làm bằng nhiều loại gỗ, nhưng thông thường bằng gỗ lim. Vì gỗ lim có độ bền cao, có sức chống chịu trước những khắc nghiệt của thiên nhiên, mưa, nắng. Nhà gỗ lim lại mát về mùa hè, ấm về mùa đông, tốt cho sức khỏe của con người.

 Ngôi nhà gỗ cổ truyền của ông Trần Văn Ca ở xã Thủy Triều, huyên Thủy Nguyên

Những căn nhà gỗ cổ truyền thường được xây dựng kiểu kiến trúc nhà 3 gian hay 5 gian 2 trái đặc trưng của vùng Bắc Bộ xưa. Thường 3 gian giữa được gia chủ dùng làm phòng khách, 2 bên còn lại kê giường, tủ. Hai trái thường được xây "lồi" ra bên ngoài, đây được xem như là phần kín của ngôi nhà để gia chủ dùng làm phòng ngủ hay cất giữ những thứ quan trọng trong gia đình.

 Các gian nhà được phân chia bằng các cột, 3 gian thông nhau, nơi giáp ranh giữa 3 gian chính và 2 trái được ngăn cách bởi bức tường gỗ. Nhà gỗ cổ truyền được thiết kế kiên cố với hệ thống xà, rường, cột, kèo bằng gỗ...

 Ông Trần Văn Ca, Hội nhà gỗ cổ truyền Hải Phòng chia sẻ: Từ ngàn năm nay, ngôi nhà gỗ cổ truyền đã được xây dựng trên đất Hải Phòng. Thời kỳ đầu, những nhà gỗ cổ đều là nhà của những gia đình quyền quý, quan lại giàu có. Ngày đó, những gia đình giàu sang xây dựng nhà gỗ thường để tiếp khách hay là nơi thờ cúng tổ tên.

Vào những năm chiến tranh, những ngày đầu đất nước mới giành lại độc lập, đời sống kinh tế người dân còn nhiều khó khăn, những ngôi nhà gỗ cũng bị mai một.

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, những căn nhà cao tầng ngày càng mọc lên nhiều giữa chốn phồn hoa đô thị. Nhưng người Hải Phòng giờ đây có xu hướng quay trở lại với nếp sống dân dã thôn quê, rời xa sự náo nhiệt, quay trở về với không khí yên bình, cảm giác yên tĩnh, sống trong những căn nhà gỗ cổ xưa. Điều đó vừa mang lại cảm giác bình yên, vừa thể hiện được sự trang trọng.

Ở Hải Phòng, những người yêu thích nhà gỗ cổ, đồng thời cũng là những người được kế thừa, được sở hữu những ngôi nhà gỗ cổ giá trị đã cùng nhau thành lập Hội Nhà gỗ cổ truyền từ năm 2015.  

Chủ tịch Hội Nhà gỗ cổ truyền Hải Phòng, ông Vân Nam chia sẻ: Từ ngày đầu thành lập, Hội có khoảng 40 hội viên thuộc các chi hội tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đến nay, hội đã phát triển được hơn 50 hội viên. Khi xây dựng Hội nhà gỗ cổ truyền, các hội viên không chỉ có cơ hội được giao lưu, chia sẻ cùng nhau mà tâm niệm sâu sa hơn cả là mong muốn được gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống dân tộc đến ngàn đời…

Xuân Hạ

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông