15:03 19/07/2022 Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Hải Phòng triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách trọng tâm của Đảng, Nhà nước và của ngành đến các ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn.
Đồng thời, chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Ổn định thị trường tiền tệ
Trao đổi về diễn biến thị trường tiền tệ trên địa bàn thành phố trong 6 tháng qua, lãnh đạo NHNN thành phố cho biết, ngay đầu năm, đơn vị đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời, chú trọng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, các NH, TCTD đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng theo quy định tại thông tư của NHNN Việt Nam và các văn bản hướng dẫn, phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của từng khách hàng, đảm bảo đúng quy định.
Kết quả, đối với hoạt động huy động vốn, tổng nguồn vốn trên toàn địa bàn ước thực hiện đến 30/06/2022 đạt 279.430 tỷ đồng, bằng 112,56% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, huy động tiền gửi tiết kiệm ước đạt 162.809 tỷ đồng, bằng 105,65% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ trọng 58,26%; tiền gửi thanh toán ước đạt 110.408 tỷ đồng, bằng 125,50% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ trọng 39,51%; phát hành giấy tờ có giá là 6.213 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,22%.
Tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước thực hiện đến 30/06/2022 đạt 170.506 tỷ đồng, bằng 128,64% so với cùng kỳ năm 2021.Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 51,32% tổng dư nợ (TDN); dư nợ trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 48,68% TDN. Cho vay ngắn hạn - trung, dài hạn lần lượt tăng 18% - 31% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với dư nợ các chương trình tín dụng, các NH, TCTD thực hiện cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 25.972 tỷ đồng, bằng 122,64% so với cùng kỳ năm 2021; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 45.108 tỷ đồng, bằng 117,37% so với cùng kỳ năm 2021; cho vay sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đạt 37,94 tỷ đồng, bằng 98,13% so với cùng kỳ năm 2021; cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ, dư nợ đến 30/06/2022 ước đạt 58,95 tỷ đồng.
Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp
Theo dự báo của NHNN Việt Nam, thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn phải đối mặt, trong đó là nguy cơ lạm phát. Các nước phát triển trên thế giới đang đối mặt với lạm phát tăng mạnh, các ngân hàng trung ương bắt đầu lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Giám đốc NHNN Chi nhánh Hải Phòng Lê Văn Cường cho biết, trong những tháng cuối năm, NHNN thành phố đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất để người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; Chỉ đạo hệ thống TCTD tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; triển khai các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2022 và các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và Thành phố; hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.
Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thanh tra, giám sát hoạt động của hệ thống TCTD, QTDND; đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công trên địa bàn thành phố; đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số; tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ngoài ra, đơn vị tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi, các giải pháp hỗ trợ đối với khách hàng vay vốn để triển khai và phối hợp thực hiện... Qua đó, góp phần vào kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường.
Thái Bình