Nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Lâm: “Viên ngọc quý” của nghề gò đồng xứ Cảng

17:01 27/04/2023

Nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Lâm sinh năm 1940 tại Hải Phòng trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa, khoa bảng. Cụ tổ ông là đại danh sư Phạm Quý Thích (có tên ghi trong bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám); ông nội là họa sĩ - Nghệ nhân Phạm Ngọc Khâm. Ngay từ thuở thiếu thời, chàng thanh niên Phạm Ngọc Lâm đã được ông nội và bố truyền dạy nghề vẽ và nghề gò đồng để rồi như một cơ duyên tiền định, gò đồng đã ăn sâu vào huyết mạch của người Nghệ nhân tận tụy, đam mê với nghề...
Nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Lâm bên tác phẩm “Ngày hội mùa xuân”

Gặp Nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Lâm tại tư gia của ông trong con ngõ nhỏ trên phố Lương Văn Can, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng, qua trò chuyện mới biết ông vừa mới trải qua cuộc phẫu thuật điều trị di chứng do chiến tranh để lại. Song tuổi dù đã cao, sức không còn khỏe như trước, nhưng tình yêu nghề gò đồng gia truyền vẫn chưa khi nào vơi trong trái tim nhiệt huyết của Nghệ nhân.

Ông kể, trước khi bước chân vào quân ngũ năm 1962, ông đã thành thạo việc cầm cọ vẽ tranh và gõ đúc tranh đồng nhờ những tháng năm chăm chỉ học từ ông nội và bố cùng các tay thợ từ làng nghề thủ công Đại Bái, huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc truyền dạy. Nhờ có năng khiếu hội họa thiên phú, ông được đơn vị cử đi vẽ ký họa chiến trường trong những năm chiến tranh.

Sau này về đơn vị hậu cần, nghệ nhân còn mở lớp dạy vẽ cho chiến sĩ, cùng đồng đội say mê vẽ và dựng tượng với nhiều tác phẩm độc đáo. Năm 1969, Phạm Ngọc Lâm được đơn vị cho đi học tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam để tích lũy kiến thức, phát huy tài năng. Năm 1974, tốt nghiệp loại giỏi, ông về lại cơ quan tiếp tục sáng tác. Nhiều tác phẩm sau đó được chọn trưng bày tại các triển lãm trong nước và nước ngoài.

Tác phẩm “Mẹ Cổ Am” của Nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Lâm

Trong suốt những tháng năm theo nghề gò đồng, trưởng thành và đạt những thành tựu lớn, Nghệ nhân Phạm Ngọc Lâm luôn “chịu ơn” rất nhiều người thầy đã dày công chỉ dạy mình như Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân – Họa sĩ Lương Xuân Nhị; Phó Giáo sư – Họa sĩ Nguyễn Đức Nùng; Phó Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Phạm Gia Giang; Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam – Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung; Họa sĩ – Viện sĩ Trần Văn Cẩn. Theo học  những người thầy tài giỏi, Nghệ nhân Phạm Ngọc Lâm đã dốc lòng tiếp thu tinh hoa, kỹ thuật, kinh nghiệm của các bậc tiền nhân để từ đó đúc kết, rèn luyện, nâng cao tay nghề.

Nghệ nhân Phạm Ngọc Lâm nhớ lại, trong quá trình theo học với Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam – Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, ông đã mở xưởng nghề, mở lớp học nghề ngay tại quê của thầy tại làng Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội. “Để thực hành những bài giảng của thầy Cung, vào thời điểm những năm 70 đồng lá vô cùng hiếm hoi, tôi và học trò lấy đất sét dẻo tại các gò ngoài cánh đồng để mô phỏng hình khối phù điêu. Riêng tôi chỉ có 3 lá đồng cỡ 70 cm x 140 cm mang ra trình diễn để học trò quan sát. Khi thầy Cung qua đời năm 1977, đến năm 1978 - 1979, tôi lại mở lớp, để tưởng nhớ công ơn của thầy. Chúng tôi đã đưa 200 bản đất vào nung bày triển lãm. Hội đồng nghệ thuật Quốc gia đến xem và tuyển 19 tác phẩm  vào Bảo tàng Mỹ thuật. Đây là một kỳ tích, một thành tựu vô cùng hiếm có” - ông kể.

Nghệ nhân Phạm Ngọc Lâm tâm niệm, với nghề gò đồng thủ công mỹ nghệ, cổ nhân đã dạy: “ Dụng trí, bất dụng lực”, tức là cần nâng cao trí tuệ, tri thức nghề để không ngừng hoàn thiện kỹ năng kỹ xảo công nghệ. Hiểu thấu điều này, ông đã vận dụng rất linh hoạt vào thực tế. Bắt đầu là một lá đồng phẳng, cứng rắn, đưa qua nhiệt lửa cho mềm dẻo, sau đó đặt lên khay đất với bộ dụng cụ tự chế bằng thép và gỗ lim. Rồi đến can vẽ hình, đục sấn  tạo hình khối diễn tiến khoảng 70% ở mặt sau (mặt âm), 30% mặt trước (mặt dương). Đây chính là khâu gò ngược, với tư duy hình tượng đối nghịch âm dương trong quá trình thực hiện tác phẩm – nét riêng có của Nghệ nhân Phạm Ngọc Lâm.

Dưới sự tinh tế, tài tình của đôi bàn tay, cộng với trái tim, khối óc nhạy cảm, say nghề, những tác phẩm gò đồng do Nghệ nhân sáng tác trở nên vô cùng sống động, sắc nét đến từng chi tiết, từng góc cạnh. Vẻ đẹp của chất liệu đồng được thể hiện qua nét bền vững sang quý của đồng ánh kim đỏ nâu trầm (đồng mắt cua) và đồng sắc ánh kim vàng lộng lẫy (đồng thau).

Mỗi tác phẩm không đơn thuần chỉ là những hình khối mà còn là những câu chuyện với chất liệu hiện hữu từ cuộc sống. Đó là “ Về với cội nguồn” (350 cm x 280 cm) thể hiện quang cảnh lễ hội trước cổng làng và ca ngợi vẻ đẹp truyền thống của nền văn hóa thuần Việt đã đoạt giải Cúp Vàng Quốc gia năm 2004; là “Voi Trường Sơn” (210 cm x 140 cm) với cảnh rừng Trường Sơn, bộ đội pháo binh và dân công gùi tải đạn, ngợi ca cuộc kháng chiến  thần thánh của dân tộc Việt Nam – được Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia tuyển chọn vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 1979; là “Mẹ Cổ Am” (140 cm x 140 cm) ca ngợi một miền quê Hải Phòng.

Tác phẩm “Voi Trường Sơn” ngợi ca cuộc chiến tranh Nhân dân thần thánh của dân tộc Việt Nam

Và nữa, “Ngày hội mùa xuân” (370 cm x 250 cm) – bức tranh đồng đỏ khắc nổi được trưng bày tại tiền sảnh của Nhà khách Sidmouth Inn tại Okinawa - Nhật Bản, biểu tượng cho tình hữu nghị vững bền giữa Việt Nam với tỉnh Okinawa (sau này nhớ quá, Nghệ nhân đã dựa trên bản phôi cũ chế tác ra một tác phẩm tương tự trưng bày tại phòng khách của gia đình); tượng sắp đặt đồ đồng “Dinh dưỡng trần gian” cao 180 cm đoạt giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005…

Với những tận hiến, hết mình cho nghề gò đồng, năm 2016, Nghệ nhân Phạm Ngọc Lâm vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh nhiệu Nghệ nhân ưu tú. Ngoài ra, ông là Hội viên Hội Nghệ nhân Thợ giỏi Hải Phòng, Hội viên Hội Liên hiệp VH-NT thành phố và được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam…

LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông