Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các “lò” giết mổ gia cầm tự phát

20:53 17/08/2018

Cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, Hải Phòng liên tiếp phát hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm AH5N6 lây lan tại 2 cơ sở chăn nuôi ở xã An Hưng và An Hồng, huyện An Dương, khiến hơn 10.000 con gia cầm nhiễm bệnh.

Trước đó nửa tháng, đàn gia cầm hơn 5.500 con gồm: gà, vịt, ngan của ông Nguyễn Đức Trường ở thôn Đông Hải, xã An Hưng cũng xuất hiện triệu chứng tiêu chảy và chết mặc dù đã được tiêm phòng dịch. Tỷ lệ gia cầm chết diễn ra nhanh. Mới đây, tại xã An Hồng, hộ gia đình ông Hoàng Văn Mấm cũng đã phát hiện đàn vịt 4.650 con bắt đầu bị tiêu chảy và chết. Được biết, Chi cục Chăn nuôi, Thú y Hải Phòng đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy 6/6 mẫu dương tính virus cúm gia cầm A/H5N6.

Từ thực tế trên có thể thấy dịch cúm gia cầm AH5N6 hiện đang diễn biến phức tạp, có thể bùng phát vào bất cứ thời điểm nào, thế nhưng việc quản lý hoạt động giết mổ gia cầm tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố và vùng phụ cận trong thời gian qua vẫn còn hết sức lỏng lẻo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các ổ dịch. Mặt khác, việc giết mổ gia cầm tự phát còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, cần sớm chấn chỉnh.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực mua bán gia cầm sống tại một số chợ Lương Văn Can, chợ Ga quận Ngô Quyền; chợ Bến Phà, chợ Đầm Triều quận Kiến An; chợ Xuân và chợ Đôi huyện Tiên Lãng, chợ Rế huyện An Dương, chợ Hàng, chợ Lam Sơn quận Lê Chân; chợ Quán Toan quận Hồng Bàng, chợ Ruồn huyện An Lão…đang diễn ra hết sức lộn xộn, người bán gia cầm để nguyên những chiếc lồng sắt trên xe gắn máy, khách mua hàng tùy ý chọn lựa, thấy ưng ý con nào thì người bán lập tức giết thịt ngay tại chỗ. Ngay cạnh đó, nồi nước sôi đục ngầu lẫn lộn lông gà, lông vịt được đun đi đun lại nhiều lần để nhúng gia cầm, sau đó đưa ra để vặt lông. Đáng chú ý, hoạt động giết mổ này diễn ra công khai trong chợ, thậm chí ngay ở lối ra vào cổng chợ nhưng gần như không có bóng dáng của lực lượng chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

Tiêu hủy gia cầm bị bệnh tại huyện An Dương

Tương tự, tại chợ Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền có từ 3 đến 5 điểm bán gia cầm sống, tình trạng vệ sinh ở những điểm này đều không được đảm bảo. Việc giết mổ ở đây được thực hiện tại chỗ với công nghệ xử lý lông gà, vịt rất nhanh. Người bán chỉ cần nhúng gà vào thau nước sôi rồi vớt ra cho vào lồng quay, chưa tới 1 phút con gà đã trụi lông.

Trong quá trình làm gà, vịt, những thứ phế thải được gom ngay tại nơi giết mổ, còn nước thải người bán vô tư đổ ra lề đường, chảy lênh láng…khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng. Theo những người giết mổ gia cầm sống tại chỗ, trung bình họ bán từ 10-30 con gà, vịt/ngày. Những ngày lễ, tết như trong tháng 7 âm lịch này, nhu cầu người mua tăng lên gấp 2-3 lần nhưng các điểm giết mổ gia cầm tự phát này vẫn đáp ứng đầy đủ cho khách.

Lý giải vì sao việc giết mổ gia cầm sống ngay tại chợ, nhiều người cho rằng xuất phát từ nhu cầu của người mua. Tiểu thương chỉ cần “phục vụ” khách hàng, còn chất lượng hàng bán ra sao là chuyện khác. Điều này cũng có nghĩa, chuyện giết mổ gia cầm sống tại chỗ đang diễn ra theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” .

Một điểm giết mổ gia cầm tự phát tại quận Lê Chân

Ông Bùi Văn Luyện, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho biết: Theo thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có 08 cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát của cơ quan thú y (Cơ sở giết mổ gia cầm Lượng Huệ - An Dương, cơ sở giết mổ lợn Huy Quang - An Dương, cơ sở giết mổ trâu, bò Animex - An Dương, 02 cơ sở giết mổ lợn thuộc Công ty Cổ phần thực phẩm Hải Phòng: Lê Chân và Đồ Sơn, cơ sở giết mổ lợn Hậu Thông – Kiến An, cơ sở giết mổ lợn Phú Cường – Cát Bà) và 1.059 điểm giết mổ nhỏ lẻ trong các khu dân cư.Trong khi đó, chính quyền địa phương lại rất ngại “va chạm” với đội ngũ này. Do vậy, mặc dù cơ quan chức năng cấp trên đã có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện quản lý công tác giết mổ gia súc, gia cầm nhưng vẫn chưa thể quản lý được.

Như vậy, để bảo vệ sức khỏe con người và phòng chống dịch bệnh gia cầm, người buôn bán giết mổ gia cầm cần thực hiện nghiêm quy định về an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ cần tuyên truyền nhắc nhở người bán hàng và làm dịch vụ nhổ lông vịt thực hiện đúng nội quy của chợ để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường chợ sạch sẽ.

Thái Bình

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông