Nhân sự ngành Du lịch: Bài toán đang cần lời giải

08:21 18/10/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Du lịch trực tiếp là lực lượng lao động đang chịu những tác động nặng nề. Lượng khách sụt giảm, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn buộc phải cho nhân viên nghỉ việc, người lao động phải chuyển sang làm công việc khác để duy trì cuộc sống. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra một khoảng trống lớn về nhân lực trong phục hồi du lịch sau dịch, đòi hỏi cần phải có những chủ trương, biện pháp cấp bách trong trạng thái “bình thường mới”.
90% doanh nghiệp lữ hành trên cả nước đóng cửa đã khiến nhiều người lao động phải nghỉ việc

Diễn đàn “Tác động của đại dịch Covid -19 -  Hành động quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” vừa qua đã nêu rõ ảnh hưởng ghê gớm của dịch đến lĩnh vực du lịch. Theo thống kê, Covid -19 đã khiến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2020 sụt giảm 80% so với năm 2019, khách du lịch nội địa giảm 34%, tổng thu giảm 59%. Riêng 8 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa đạt 31,2 triệu lượt (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó chỉ có 16,1 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch 8 tháng đạt khoảng 136.520 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng trong năm 2020, chỉ có 201 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành xin cấp mới giấy phép, giảm hơn 1/3 so với cấp mới năm 2019 (725 doanh nghiệp) trong khi số xin thu hồi tăng gấp 3 lần. Năm 2021, trên 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa. Các doanh nghiệp lớn chỉ bố trí 30% nhân sự trực tại công ty, nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương. Đến thời điểm này, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, hiện chỉ còn khoảng 2.200 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú mặc dù không hoạt động nhưng vẫn cần trả các chi phí duy tu, lãi vay ngân hàng. Tính đến hết tháng 6 năm 2021, số cơ sở lưu trú trong toàn quốc là 37.000 cơ sở với 780.000 buồng, công suất phòng trung bình cả nước 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt dưới 15%; 95% cơ sở lưu trú chỉ hoạt động cầm chừng với 80% lao động phải nghỉ việc, chuyển đổi ngành nghề khác để đảm bảo cuộc sống. Thực trạng này chắc chắn sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực một khi ngành du lịch khôi phục trở lại.

Còn tại Hải Phòng, theo đại diện Sở Du lịch, hiện trên địa bàn thành phố có 541 cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, các cơ sở này cùng với các điểm tham quan, du lịch… buộc phải đóng cửa. Tính đến ngày 30-9, khu du lịch Đồ Sơn và Cát Bà vẫn chưa được mở cửa trở lại. Nhiều nhà hàng, điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn không đón khách, chuyển sang cho thuê, thậm chí rao bán hàng loạt. Tất yếu, đội ngũ nhân viên phải nghỉ theo. Nhiều người không còn khả năng quay trở lại với ngành du lịch. Riêng khách sạn Level (đường Lạch Tray) và khách sạn Công Chúa ( đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền) đã thông báo về Sở Du lịch không còn kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú nữa mà chuyển sang lĩnh vực khác. Một số cơ sở khác theo chỉ đạo của UBND thành phố như Vinpearl Hotel Rivera, Vinpearl Hotel Imperia, Pearl River, khách sạn Cảnh Hưng, Nikko,… chỉ phục vụ khách cách ly và khách công tác và còn duy trì được đội ngũ nhân viên.

Theo ông Phạm Văn Long – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng, du lịch bị “đóng băng” dẫn đến người lao động không có việc làm hoặc bị ngừng việc. Hệ lụy của điều này có thể nhìn thấy rõ ràng. Chính doanh nghiệp đối diện với nguy cơ thiếu hụt nhân lực sau khi du lịch được khôi phục.

Điều đáng lo ngại là dịch Covid -19 cũng ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh tại các trường có ngành đào tạo du lịch. Ông Long cho biết, số lượng sinh viên theo học tại Trường trong năm 2021 giảm so với trước. Năm nay, tỉ lệ tuyển sinh của nhà trường chỉ đạt khoảng 70% so với chỉ tiêu đề ra. “ Dịch Covid -19 tác động lớn đến tâm lý của phụ huynh, sinh viên. Nhiều sinh viên lo lắng, e ngại khi hàng loạt công ty du lịch, cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động, việc thực tập và tìm việc làm càng khó khăn sau khi các em ra trường,…” – ông Long cho hay.

Để khắc phuc, nhà trường đã không ngừng đẩy mạnh công tác truyền thông; tổ chức mô hình đào tạo “song hành” nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể vừa học vừa làm; sát cánh cùng doanh nghiệp trong việc đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuẩn hóa năng lực cho người lao động. Bên cạnh đó, Trường chủ động nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để khi hoạt động du lịch được khôi phục, sinh viên có môi trường để tìm kiếm cơ hội việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực du lịch phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của doanh nghiệp du lịch và chịu ảnh hưởng lớn của thị trường lao động. Vì thế, về lâu dài, thành phố, ngành du lịch cần có ngay những định hướng, nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực du lịch, tăng tỉ lệ nhân lực cho lĩnh vực này. Trước hết, doanh nghiệp du lịch cần tạo điều kiện cho người lao động sớm quay trở lại làm việc, cùng với đó là phối hợp với các cơ quan, ban, ngành thực hiện tối đa các chính sách hỗ trợ cho họ về môi trường làm việc, chế độ lương, bảo hiểm. Ở lĩnh vực lưu trú, các khách sạn hiện còn được hoạt động trên địa bàn thành phố cũng đã tập trung đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho nhân viên. Đại diện khách sạn Pearl River cho biết, đơn vị đã phối hợp với Sở Y tế tập huấn công tác phòng chống dịch trongphục vụ khách cách ly, đảm bảo an toàn cho chính người lao động và khách hàng.

Hiện, Sở Du lịch Hải Phòng cũng đang triển khai chính sách hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sở đang tích cực đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ cho các hướng dẫn viên để họ sớm được nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ.

LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông