Những di sản độc đáo ở Du Lễ

13:55 20/09/2017

Du Lễ là một làng cổ có niên đại trên 1400 năm. Không chỉ là điểm cư dân đầu tiên có sớm nhất trong vùng, Du Lễ xưa còn là vùng đất văn học có những bậc túc nho tiêu biểu, với những nét văn hóa cổ truyền và phong tục, tập quán tín ngưỡng phong phú. Chính vì lẽ đó, Du Lễ xưa đã để lại cho ngày nay nhiều di sản có giá trị to lớn, với những công trình lịch sử Văn hóa cấp quốc gia và thành phố.

Chùa Trúc Am, di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố.

Xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy ngày nay hiện có hai ngôi miếu cùng được nhà nước công nhận là di tích lịch sử Văn hóa cấp quốc gia năm 1994, đó là miếu Đoài và miếu Đông. Theo sử sách ghi lại, miếu Đoài là nơi tôn thờ vị Thành hoàng làng Trương Nữu, người có công tham gia cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng hồi thế kỷ thứ VIII đánh đuổi đô hộ nhà Đường. 

Miếu Đoài đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa rất có giá trị, nơi phản ánh về lịch sử ngàn năm đấy tranh chống giặc ngoại xâm thời kỳ Bắc thuộc. Mặc dù miếu Đoài được trang trí kiến trúc đơn giản, song các đồ thờ bên trong như khám tượng, bài vị, long đình, câu đối được sơn son thếp vàng khá cổ kính, tạo thành một không gian thiêng liêng của chốn thờ tợ thành hoàng, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương.

Miếu Đông - di tích lịch sử cấp quốc gia thờ vị thành hoàng Vũ Hải, người có công tham gia cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên thời Trần hồi thế kỷ thứ XIII. 

Miếu Đông, nơi thờ thành hoàng Vũ Hải.

Trải qua thời gian, di tích lịch sử văn hóa miếu Đông ngày nay còn lưu giữ khá nhiều gi vật qúy có giá trị nghệ thuật như kiệu bát cống, long đình, chuông đồng tạo thời Tây Sơn, khám thờ sơn son thếp vàng và tấm bia đá ghi tục “gây quĩ nghĩa sương” để ủng hộ giúp đỡ người gặp khó khăn. Đặc biệt, trong di tích hiện còn lưu giữ được 8 đạo sắc phong của các triều vua phong cho Thành hoàng Vũ Hải.

Không chỉ nổi tiếng là vùng đất có nhiều công trình lịch sử văn hóa cấp quốc gia, xã Du Lễ còn được biết đến với di tích lịch sử kháng chiến chùa Trúc Am và di tích lịch sử văn hóa đền Đồng Mục được thành phố công nhận là các di tích lịch sử cấp thành phố. Chùa Trúc Am vốn có lịch sử hình thành từ khi có trang Du Lễ, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của công chúa Quỳnh Trân. Khi được vua Trần cho về vùng đất Du Lễ giúp dân các xã Ngũ Phúc, Tú Đôi, Du Lễ khai hoang lập ấp, công chúa Quỳnh Trân đã cho xây dựng chùa Trúc Am để thờ Phật.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chùa Trúc Am còn là căn cứ địa kháng chiến của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, nơi che dấu các cán bộ hoạt động bí mật và được chọn làm nơi đặt trạm quân y của Trung đoàn 41, sơ cứu cho nhiều thương binh từ các nơi chuyển đến. Với bề dày về lịch sử xây dựng, phát triển và bảo tồn đến ngày nay, chứa đựng nhiều giá trị nghiên cứu về lịch sử Phật giáo cũng như quá trình hình thành vùng đất, con người Du Lễ, năm 2008 chùa được thành phố công nhận là Di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố.

Cùng gắn liền với huyền tích về công chúa Quỳnh Trân, di tích đền Đồng Mục được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố năm 2008. Theo ngọc phả cũng như theo lời kể của các cụ bô lão trong xã, khi từ phủ Thiên Trường (Nam Định) đến trang Du Lễ, huyện Nghi Dương (Kiến Thụy ngày nay), công chúa Quỳnh Trân thấy đất này có địa thế như hình con chim thiêng đang bay, núi non sông nước mênh mông, phong cảnh thanh bình như chốn cực lạc bèn dừng lại làm một am nhỏ để ở.

Đền Đồng Mục, một di tích gắn liền với huyền tích về công chúa Quỳnh Trân.

Tại đây, công chúa đã chiêu mộ dân lưu tán, cấp phát tiền của giúp dân mua công cụ để khai khẩn ruộng đất, mở rộng ruộng vườn, đào giếng; xây dựng kho chứa nông cụ, giống má phục vụ phát triển kinh tế. Sau này, để tưởng nhớ công đức của công chúa, người dân Du Lễ đã lập đền thờ phụng, ngày đêm hương khói. Đền Đồng Mục không chỉ là nơi tưởng nhớ công ơn của công chúa Quỳnh Trân, mà còn là một nguồn sử liệu có giá trị nghiên cứu về chế độ ruộng đất, chính sách điền trang thái ấp, mở mang bờ cõi, củng cố phên dậu, góp phần giữ nước ở thời Trần.

Với những di tích có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và tâm linh, Du Lễ đã và đang là địa chỉ thu hút du khách, người dân thập phương đến chiêm bái, thưởng ngoạn và tìm hiểu truyền thống dựng nước, giữ nước của các thế hệ cha ông.

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông