Sáng 27-6, Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) do Liên hợp quốc bảo trợtại Campuchia đã bắt đầu phiên điều trần đối với 4 nhân vật chóp bu củaKhmer Đỏ gồm Nuon Chea, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Khieu Samphan, nguyênChủ tịch nước; Ieng Sary, nguyên Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao; Ieng Thirith, nguyên Bộ trưởng Xã hội và Y tế.
| Nuon Chea, đeo kính đen, nguyên phó chủ tịch đảng Campuchia Dân chủ do Pol Pot cầm đầu trong giai đoạn 1975-1979. |
Hàng trăm người Campuchia đã có mặt ở phiên tòa và một số phiên xét xử sẽ được phát trên truyền hình quốc gia. Ông Ou Virak, Chủ tịch Trung tâm nhân quyền Campuchia, có cha đã bị sát hại dưới thời Khmer Đỏ, phát biểu cảm xúc bên ngoài toà án: “Sẽ là một khoảnh khắc thanh tẩy cho tất cả người dân Campuchia”. Còn đồng thẩm phán quốc tế Andrew Cayley nói với phóng viên AFP rằng: “Chưa có phiên tòa nào lớn và phức tạp như vậy kể từ Nuremberg (các phiên tòa xử tội phạm Đức quốc xã sau Thế chiến II)”.
Trước vành móng ngựa, các bị cáo được ngồi cạnh nhau và không bị còng tay. Cả bốn bị cáo đều bị buộc các tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh trong thời gian cầm quyền từ năm 1975-1979 của chế độ Campuchia dân chủ. Đây là phiên xử đối với các bị cáo nằm trong hồ sơ số 002. Hồ sơ số 001 xét xử bị cáo Kaing Guek Eav (biệt danh là Duch), Giám đốc nhà tù Tuol Sleng két tiếng, kẻ đã bị tòa tuyên án 35 năm tù giam vào tháng 7-2010.
Phiên xét xử đầu tiên này dự kiến kéo dài trong 4 ngày và không có bằng chứng buộc tội nào được đưa ra. Thay vào đó, tòa tập trung vào danh sách các chuyên gia và nhân chứng, cũng như các phản biện pháp lý bước đầu. Lời khai đầy đủ của các bị cáo nay đã cao tuổi và lần lượt bị bắt giam từ năm 2007 tới nay, sẽ chỉ có được nhanh nhất vào tháng 8. Cho đến nay, cả bốn bị cáo đều phủ nhận trách nhiệm của mình và dư luận cho rằng phiên tòa sẽ kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Có nhiều ý kiến lo ngại rằng do tuổi đã quá cao (Nuon Chea - 86 tuổi, Khieu Samphan - 80 tuổi, Ieng Sary - 86 tuổi và Ieng Thirith - 79 tuổi) nên có thể các bị cáo sẽ qua đời trước khi bản án được tuyên.
Trước đó, ngày 14-6, Liên hợp quốc đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng tổ chức quốc tế này đã chỉ đạo và can thiệp vào công việc của các nhân viên điều tra và thẩm phán của Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) ở Campuchia. Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Martin Nesirky khẳng định Liên hợp quốc đề cao nguyên tắc cơ bản là ủng hộ tính độc lập của ECCC tại Campuchia cũng như các tòa án ở các nước khác. Các nhân viên điều tra và công tố viên thuộc tòa này phải được phép hoạt động tự do và không có sự can thiệp của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Liên hợp quốc, các nước tài trợ và các tổ chức xã hội.
Theo một thỏa thuận giữa Liên hợp quốc và Campuchia, ECCC được thành lập như một tòa án độc lập và sử dụng các nhân viên điều tra, thẩm phán người Campuchia và nước ngoài để xét xử những kẻ chịu trách nhiệm lớn nhất, đã phạm các tội ác diệt chủng trong giai đoạn 1975-1979, sát hại hơn 2 triệu dân thường Campuchia.
VIỆT ANH (tổng hợp) |