Từ một ứng cử viên bất đắc dĩ, doanh nhân Yingluck Shinawatra sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan sau chiến thắng áp đảo của đảng Puea Thai trước đảng Dân chủ cầm quyền.
| |
Kết quả sơ bộ cuộctổng tuyển cửThái Lan do Ủy ban vầu cử nước này công bố cho thấy đảng Puea Thai (Vì nước Thái) đã giành được 265 ghế trên tổng số 500 ghế Hạ viện. Đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Abhisit thua xa đối thủ khi chỉ chỉ giành được 159 ghế. Với kết quả này, đảng Puea Thai đã giành đa số ghế theo luật định để đứng ra thành lập chính phủ và mở đường cho bà Yingluck trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.Mặc dù đã chắc thắng song đảng Puea Thai vẫn quyết định liên minh với 4 đảng nhỏ khác, nâng tổng số ghế của liên minh lên 299.
Bà Yingluck sẽ là người thứ 5 ngồi vào chiếc ghế nóng nhất trên chính trường Thái Lan trong vòng 5 năm qua, tính từ khi anh trai bà, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự. Những thay đổi liên tục ở vị trí người chèo lái đất nước kể từ năm 2006 báo hiệu những thách thức không dễ vượt qua với nữ chính khách 44 tuổi này. Thách thức đầu tiên mà bà Yingluck phải đối mặt là phải thuyết phục được những người còn nghi ngờ khả năng của bà, đồng thời đặt câu hỏi về việc liệu bà có thể làm được nhiều hơn hay chỉ là một người đại diện cho tham vọng chính trị của ông Thaksin.
Đảng Puea Thai cũng sẽ vấp phải sự chống đối của giới thượng lưu và một bộ phận tướng lĩnh quân đội, nhất là những người từng góp tay lật đổ ông Thaksin năm 2006. Ngày 4-7, cả lãnh đạo quân đội Thái Lan đều khẳng định tôn trọng kết quả bầu cử, đồng thời bác bỏ khả năng có một cuộc đảo chính quân sự. Vấn đề là quân đội Thái Lan cũng từng nói như vậy trước đây, nhưng sau đó lại có hành động khác khi họ cảm thấy cần thiết. Với hàng loạt thách thức như vậy, bà Yingluck sẽ không có một phút ngơi nghỉ để chứng minh sự lựa chọn của đa số người dân Thái là đúng đắn.
Về thách thức kinh tế, bà Yingluck từng cam kết nếu thắng cử thì ưu tiên đầu tiên của bà là giúp làm dịu bớt những khó khăn về kinh tế cho người dân. Nhiều nhà kinh tế quan ngại rằng nhiều chính sách dân túy của đảng sẽ dẫn đến nguy cơ nền kinh tế đất nước bị suy sụp, nếu tất cả đều được thực hiện. Chẳng hạn như lời hứa nâng mức lương tối thiểu 30% lên 300 bạt (khoảng 10 USD/ngày) sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp Thái vào cảnh phải ngừng hoạt động do không thể trả lương cao cho người lao động. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp cao và kéo theo bất ổn xã hội.
Khi chính trường Thái Lan vẫn tiềm ẩn những diễn biến khó lường và người ta không loại bỏ khả năng đất nước sẽ lại rơi vào rối loạn chính trị thậm chí là bất ổn xã hội, thì con đường phía trước của đảng Vì nước Thái tại xứ “chùa Vàng” chắc sẽ còn rất nhiều gian nan thử thách.
VIỆT ANH (tổng hợp) |