Ô nhiễm không khí - sát thủ âm thầm

16:52 24/03/2009

Nhân ngày Khí tượng thế giới 22-3 với chủ đề "thời tiết, khí hậu và không khí - những thứ chúng ta hít thở hàng ngày", Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố báo cáo cho hay ô nhiễm không khí đã gây tử vong 2 triệu người mỗi năm trên thế giới.
Nhân ngày Khí tượng thế giới 22-3 với chủ đề "thời tiết, khí hậu và không khí - những thứ chúng ta hít thở hàng ngày", Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố báo cáo cho hay ô nhiễm không khí đã gây tử vong 2 triệu người mỗi năm trên thế giới.

Ô nhiễm khói bụi ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tim, phổi của con người
Ô nhiễm khói bụi ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tim, phổi của con người

Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí hoặc có sự xuất hiện các khí lạ làm cho không khí không sạch, có sự tỏa mùi, làm giảm tầm nhìn xa, gây biến đổi khí hậu, gây bệnh cho con người và sinh vật. Có 4 nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu hiện nay, bao gồm: tác nhân tự nhiên (như cháy rừng, núi lửa, sinh vật hô hấp),  sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải và đời sống sinh hoạt (chủ yếu là đun nấu).

WMO cũng cảnh báo hiện tượng khí hậu nóng lên sẽ làm tăng ô nhiễm bầu khí quyển. Hiện tượng sa mạc hóa trên toàn cầu làm tăng nguy cơ gây bão cát và bụi. Theo các chuyên gia của WMO, ô nhiễm không khí khiến tuổi thọ của con người có thể giảm từ 4 tới 36 tháng. Tại châu Âu, tuổi thọ trung bình ước tính cũng bị giảm tới 9 tháng do hiện tượng này.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ về việc giảm ô nhiễm không khí ngoài trời ở các nước phát triển nhưng nhiều thành phố ở những nước này vẫn thường xuyên thải ra các chất gây ô nhiễm với mức độ vượt quá giới hạn cho phép. Tình hình này ở các nước đang phát triển còn tồi tệ hơn nhiều, tập trung tại các nước bùng nổ kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.

Viện nghiên cứu Blacksmith (Mỹ) mỗi năm tiến hành bình chọn 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Đứng đầu danh sách là thành phố Lâm Phần, được mệnh danh là "đô thị nhọ nồi" thuộc tỉnh Sơn Tây, trung tâm khai thác than đá ở Trung Quốc. Hàng nghìn mỏ than xuất hiện nhan nhản trên những ngọn đồi quanh thành phố nên bầu không khí nơi đây luôn dày đặc khói và muội đen do hoạt động sử dụng than gây ra. Tại Lâm Phần, người không thể phơi quần áo ngoài trời vì nó sẽ biến thành màu muội than trước khi khô. Cục bảo vệ môi trường Trung Quốc thừa nhận Lâm Phần có chất lượng không khí thấp nhất cả nước, ảnh hưởng đến sức khỏe 3 triệu người dân.

Trong Báo cáo triển vọng Môi trường Toàn cầu 4 (GEO - 4) do Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) công bố ngày 26-10-2007, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 trong 6 thành phố có chỉ số về ô nhiễm không khí cao nhất thế giới, sau các thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải (Trung Quốc), New Delhi (Ấn Độ) và Dhaka (Bangladesh).

Ngoài yếu tố gây ô nhiễm có nguồn gốc tự nhiên, sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải được nhắc tới nói trên, thì ngày nay con người đang đối mặt với nạn ô nhiễm do chính các hoạt động đun nấu. Hiện hơn 3 tỉ người trên thế giới vẫn phải nấu nướng bằng củi, than, phân bò, rơm rạ và những nhiên liệu rẻ tiền khác có nhiều khói thải độc hại. Afghanistan, Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ và Lào là những nước có nhiều người chết vì ô nhiễm trong bếp nhất, với hơn 500.000 ca tử vong mỗi năm. Tại Ấn Độ, nhiều ngôi nhà có lượng khói thải cao gấp 40 lần mức cho phép của Tổ chức y tế thế giới. Khi đang đun nấu, con số này còn cao hơn.

 Không có ống thoát khói nên nhiều nhà bếp bị ám khói từ trên trần xuống vách. Lá phổi con người không thể là ngoại lệ. Mỗi năm loại ô nhiễm này giết chết khoảng 1,5 triệu người trên thế giới. Ngoài ra còn khoảng 800.000 trẻ em là nạn nhân, chủ yếu là do nhiều bà mẹ bế con khi đun nấu, phơi bày phổi đứa bé cho khói thải tràn vào. Khói bếp là nguyên nhân gây đủ thứ bệnh, từ ung thư phổi tới đục thủy tinh thể và nhiều bệnh khác ở hệ hô hấp. Đáng buồn thay, nhưng người chết hay nhiễm bệnh vì ô nhiễm không khí trong nhà thuộc số bệnh nhân môi trường bị lãng quên.

VIỆT ANH (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông