23:39 07/08/2018 Tiếp nối truyền thống vẻ vang của quê hương Danh nhân văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, truyền thống 80 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo – huyện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Bảo tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, KT-XH, QP-AN và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong thời kỳ mới, nhằm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV đề ra: “Xây dựng huyện Vĩnh Bảo phát triển toàn diện, bền vững, trở thành điểm sáng của TP Hải Phòng”.
Ngày 8-8-1938, tại nhà đồng chí Trịnh Khắc Dần ở Cổ Am, Chi bộ Đảng Cộng sản huyện Vĩnh Bảo, là một trong ba chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của Tỉnh bộ Hải Dương được thành lập, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng trên quê hương Vĩnh Bảo giàu truyền thống yêu nước, văn hóa và cách mạng.Từ đây, mọi phong trào và mỗi bước phát triển của huyện đều gắn với sự lãnh đạo của Chi bộ, sau này là Đảng bộ huyện.
Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Bảo đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, bất chấp gian khổ, hy sinh, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công, cùng quân dân các địa phương trên tuyến QL 10 làm nên truyền thống "Đường Mười quật khởi", góp phần cùng quân dân cả nước "kết vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng" hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, huyện Vĩnh Bảo bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Phát huy truyền thống trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Bảo đã thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ: vừa sản xuất, vừa chiến đấu, xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện tối đa sức người, sức của cho tiền tuyến, là huyện đi đầu trong phong trào “Xây dựng cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ”.
Tiếp nối truyền thống " Đường Mười quật khởi" và phong trào "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", huyện Vĩnh Bảo đã động viên hơn 2 vạn thanh niên hăng hái lên đường vào chiến trường.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng nghìn người con Vĩnh Bảo đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường.
Tiêu biểu là tiểu đoàn “đường 10 quật khởi” gồm hơn 700 cán bộ chiến sĩ, chủ yếu là con em của Vĩnh Bảo vào chiến đấu ở chiến trường Ninh Thuận, trên 60% cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Với những chiến công xuất sắc cùng những hy sinh to lớn, Tiểu đoàn đã vinh dự được phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng LLVTND. Năm 1969, Trung đội du kích tập trung của huyện với thành tích chiến đấu dũng cảm, mưu trí, bắn rơi 4 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái, được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, góp phần xây dựng lên trang sử vàng truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương Vĩnh Bảo kiên cường.
Tổng kết các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới, toàn huyện có 4.910 liệt sỹ, 2.778 thương binh, 759 bệnh binh; 475 mẹ được phong tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; 50 cán bộ lão thành cách mạng, 6 cán bộ tiền khởi nghĩa, 566 người bị địch bắt tù đày, hơn 1.300 người bị nhiễm chất độc hoá học…
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, sự đóng góp và hy sinh lớn lao trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc XHCN, năm 1996, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Bảo vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; đến nay, toàn huyện có 9 tập thể (Trung đội du kích tập trung, Tiểu đoàn đường 10 quật khởi, Nhân dân và LLVT huyện; nhân dân và LLVT các xã: Cổ Am, Đồng Minh, Cao Minh, Tam Đa, Liên Am, Dũng Tiến) và 1 cá nhân (ông Nguyễn Hữu Đoài, xã Tam Đa) được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương, Bằng khen trong kháng chiến...
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, thực hiện sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đặc biệt Chương trình quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, huyện Vĩnh Bảo đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ.
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Đảng bộ và Nhân dân huyện đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn trở ngại, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, năng động, quán triệt và vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương và Thành ủy vào tình hình thực tế của huyện trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM.
Qua đó, đã tạo ra bước phát triển mới, toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng, bình quân 5 năm (2010 - 2015) đạt 11,95%, năm 2017 đạt 12%.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đúng hướng, có hiệu quả thiết thực. Năm 2017, tỷ trọng các ngành nông nghiệp - thuỷ sản, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ lần lượt đạt 30,8%, 44,1%, 25,1%.
Huyện đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung với diện tích hàng trăm ha, trong đó vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao Vineco, quy mô 46 ha tại Tân Liên đi vào sản xuất cho hiệu quả bước đầu.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay toàn huyện đạt trung bình 15,89 tiêu chí, có 11 xã được công nhận đạt chuẩn (Nhân Hoà, Tam Đa, Hoà Bình, Cổ Am, Vĩnh Tiến, Tiền Phong, Tân Liên, Vĩnh Long, Hiệp Hoà, Tân Hưng, Đồng Minh), 3 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng giàu đẹp.
Cùng với phát triển nông nghiệp, nông thôn hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện được đầu tư xây dựng với nhiều công trình, dự án trọng điểm hàng nghìn tỷ đồng như: Nhà văn hoá Danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm, cầu Đăng, cầu Hàn, đường vào khu di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường từ cầu Nhân Mục (thị trấn Vĩnh Bảo) đến cầu Lạng Am (xã Lý Học); nâng cấp, cải tạo QL10…
Năm 1838 (năm Minh Mạng thứ 19), theo đề nghị của Tổng đốc Hải Dương Nguyễn Công Trứ, nhà Nguyễn đã chấp thuận trích 3 tổng Đông Am, Thượng Am, Ngãi Am thuộc huyện Vĩnh Lại và 5 tổng An Bồ, Viên Lang, Đông Tạ, Bắc Tạ, Can Trì thuộc huyện Tứ Kỳ để thành lập huyện Vĩnh Bảo.
Đến cuối thế kỷ thứ XIX (1890) tỉnh Thái Bình được thành lập, phần đất từ sông Hoá đến sông Thái Bình của huyện Vĩnh Lại được sáp nhập vào Vĩnh Bảo. Từ đó huyện được mở rộng tới 11 tổng.
Từ năm 1951 về trước, huyện Vĩnh Bảo thuộc tỉnh Hải Dương. Năm 1952, Vĩnh Bảo được tách từ tỉnh Hải Dương sáp nhập vào tỉnh Kiến An.
Ngày 27-10-1962, Quốc hội thông qua Nghị quyết hợp nhất tỉnh Kiến An và TP. Hải Phòng, từ đó Vĩnh Bảo thuộc TP. Hải Phòng với 29 xã. Đến năm 1986, thành lập thị trấn Vĩnh Bảo, huyện có 30 xã, thị trấn.
* Đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện
10:11 20/10/2024
18:35 17/10/2024
20:57 08/09/2024