09:55 08/11/2019 An ninh môi trường ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội là chủ đề của cuộc tọa đàm khoa học quốc tế do Viện Chính sách và Quản lý hợp tác với Viện Rosa Luxemburg (CHLB Đức) vừa được tổ chức tại Hải Phòng. Thông điệp từ tọa đàm nhấn mạnh yếu tố phát triển bền vững trong sự tăng trưởng “nóng”, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
An ninh môi trường là một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay, nhất là trong tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia và nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Khi các quốc gia đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường – hệ lụy của quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, việc điều chỉnh và tìm kiếm các giải pháp khắc phục là điều vô cùng cần thiết.
Vì vậy, tọa đàm là một hoạt động liên kết có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và mở rộng mạng lưới nghiên cứu, trao đổi tri thức trong và ngoài nước về vấn đề an ninh môi trường và phát triển bền vững tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Tham luận tại tọa đàm, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành - Ủy viên BCH TW Đảng - Thứ trưởng Bộ Công an và Thiếu tướng, GS.TS. Trần Minh Hưởng - Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân nhấn mạnh vấn đề an ninh phi truyền thống trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, an ninh môi trường nằm trong an ninh quốc gia, cần được sự quan tâm của không chỉ cộng đồng học thuật mà cả các nhà hoạch định chính sách hiện nay, không thể đánh đổi giữa kinh tế với các giá trị sinh thái và xã hội mà phải phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Trong các báo cáo của các diễn giả nước ngoài, các chuyên gia cảnh báo về việc khai thác, quản lý nguồn nước tại khu vực sông Mê Kông và sự phụ thuộc kinh tế từ các hoạt động khai khoáng tại Indonesia, dẫn đến các vụ cháy rừng lan rộng, ảnh hưởng toàn khu vực do khai thác rừng bừa bãi, tràn lan.
Hiện nay, ngoại trừ Singapore, các nước Đông Nam Á vẫn chỉ trả tiền cho dịch vụ phát triển đô thị bền vững, thay vì hành động với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật thực sự để bảo vệ môi trường. Những điểm yếu về các quy tắc, quy định và thực thi đang cản trở tiến bộ trong việc xây dựng một môi trường hợp nhất và bền vững hơn.
Singapore nổi bật trong việc bảo vệ vùng đất vật lý nhỏ bé của mình, nhưng ô nhiễm khí quyển thì không có ranh giới. Thông qua sự di chuyển của các khối không khí, chất lượng không khí của Singapore có thể bị ảnh hưởng từ các nguồn ô nhiễm gần đó.
Do đó, từ kinh nghiệm của các quốc gia đi trước trong việc bảo vệ môi trường, các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải đầu tư hơn nữa nguồn tài chính và kỹ thuật để quản lý và cải thiện mức ô nhiễm, suy thoái môi trường, cho dù công cuộc này tốn kém và đòi hỏi sự căn bản, bền bỉ. Ngoài ra, các chính phủ quốc gia ở Đông Nam Á cần tăng cường hợp tác khu vực, dựa trên đặc tính xuyên biên giới của các nguồn ô nhiễm. Khi vấn đề toàn cầu hóa do phương Tây và Trung Quốc tiếp tục tác động đến khu vực và khi đô thị hóa tăng tốc, các mối quan tâm và chương trình hành động vì môi trường bền vững chắc chắn cũng sẽ tăng tốc.
Việt Nam là quốc gia đông dân trong khu vực, trong đó gần 30% sống ở thành thị. Với quy mô đô thị hóa và mức độ công nghiệp hóa cao hơn, phát triển đô thị bền vững và bảo vệ môi trường đã nhận được sự quan tâm lớn hơn.
Từ năm 1988, nhiều thành phố của Việt Nam, đặc biệt thành phố Cảng Hải Phòng đã triển khai khái niệm “Ecocity”, nhằm xây dựng một “Thành phố xanh - sạch và đẹp”. Những nỗ lực của các thành phố đã tạo kết quả tích cực trong việc bảo đảm sức khỏe người dân.
Trần Hoàng tổng hợp