Phát triển kinh tế biển - Tiềm năng du lịch Hải Phòng

20:54 18/06/2019

Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Trung Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng xác định: Xây dựng du lịch biển có quy mô, tầm cỡ quốc gia, có vị trí trong khu vực…

Bến cá Đồ Sơn - Hải Phòng (Ảnh Trần Sơn)

Nằm ở vị trí trung tâm vùng duyên hải Bắc Bộ, đồng thời cũng là vùng đệm giữa vòng cung Đông Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng, Hải Phòng là nơi hội tụ của đa số các dòng sông phía Bắc đổ ra biển. Điều này đã hình thành cho Hải Phòng vùng bồi hơn 125 km bờ biển, có nhiều cửa sông lớn, bãi cát rộng, thuận tiện cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Cách đây hơn 15 năm, ngày 5-8-2003, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết 32-NQ/TW về “xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”, trong đó xác định: Hải Phòng cần tập trung mọi nguồn lực để trở thành “một trọng điểm phát triển kinh tế biển; một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại lớn của cả nước và trung tâm dịch vụ, du lịch, thuỷ sản, giáo dục và y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ”.

Như vậy, du lịch là một trong những mục tiêu phát triển chiến lược đã được Trung ương định hướng cho Hải Phòng, trên cơ sở những tiềm năng thực tế.

Nhìn từ góc độ tự nhiên, lợi thế cạnh tranh của du lịch biển Hải Phòng đã rất rõ. Trong đó, Cát Bà nổi tiếng với việc sở hữu quần thể gồm 367 đảo với kho lưu trữ sinh học tự nhiên vô giá, được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cát Bà có nhiều loài động thực vật tầm giá trị toàn cầu, tiêu biểu là 3.860 loài trên cạn và dưới nước, có tới 130 loài được đưa vào “sách đỏ”, đặc biệt voọc đầu trắng đặc hữu trên thế giới chỉ còn phân bố duy nhất ở Cát Bà.

Chưa kể hệ sinh thái quần đảo đá vôi thuộc diện lớn nhất Châu Á, tạo thành chuỗi kế tiếp những rừng nhiệt đới nguyên sinh, rừng ngập mặn, vùng triều, hồ nước mặn, rạn san hô... Điều quan trọng là, qua hàng chục nghìn năm tiến hóa, Cát Bà vẫn cơ bản giữ được tính nguyên thủy, tạo sức hút lý tưởng đối với du khách thập phương. 

Cũng như Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn thu hút khách nhờ được thiên nhiên ban tặng một địa thế lý tưởng, với dãy núi 9 ngọn kéo thành một bán đảo dài hơn 20km trên miền thềm lục địa, được ví như con rồng hướng ra biển, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình. Chính vì vậy, sự hấp dẫn của Đồ Sơn mang sắc thái đặc trưng thuần túy của du lịch biển, với mọi sự thưởng ngoạn đều gắn với biển.

Riêng bãi biển Đồ Sơn với những dải cát mịn, bằng phẳng, mà khoảng có thể khai thác thành bãi tắm đã tới gần 5km, là một trong những bãi tắm tiềm năng được đánh giá lớn nhất Việt Nam. Cách đây vài chục năm, khả năng khai thác đã tương đối triệt để, khi Đồ Sơn được chia làm 3 khu 1, 2 và 3, nhưng hiện nay do gặp vấn đề về môi trường nước, nên nguồn vốn tự nhiên này của Đồ Sơn bị bỏ phí phần lớn.

Vẻ đẹp chùa tháp Tường Long - Đồ Sơn (Ảnh Trần Sơn)

Mặc dù vậy, với những gì đang hiện hữu vẫn đủ để khẳng định Đồ Sơn là tổng thể của một khu du lịch phức hợp, bao gồm cả tự nhiên và văn hóa, lịch sử… Ngoài vẻ đẹp cảnh quan như đã nói ở trên, vùng đất Đồ Sơn chứa đựng rất nhiều nét văn hóa đặc sắc.

Đặc biệt nhất có lẽ là văn hóa tín ngưỡng, với những ngôi chùa cổ, điểm nhất ấn tượng có thể kể đến chùa Hang (Cốc Tự) nằm ở ngay khu 1, tựa vào một hang đá tự nhiên có chiều cao 3,5m, rộng 7m, xuyên theo hình thang sâu vào lòng núi.

Theo lịch sử Phật giáo Việt Nam, cách đây hơn hai nghìn năm, một nhà sư Ấn Độ đã chọn nơi đây làm để tịnh tâm tu hành và truyền bá đạo Phật, bởi vậy chùa Hang cũng chính là di chỉ ghi dấu nơi phát tích đầu tiên của nền Phật giáo tại Việt Nam.

Một điểm nhấn nữa phải kể đến chùa tháp Tường Long, ngôi chùa nằm trên đỉnh núi Rồng thuộc phường Ngọc Xuyên, được xây dựng từ thời nhà Lý. Theo truyền tích, năm Mậu Tuất 1058 vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển đã dừng chân ghé lại, trong giấc mộng vua gặp rồng vàng bèn cho xây một tòa tháp đặt tên là Tường Long.

Cũng liên quan đến phát triển dịch vụ biển, Hải Phòng tự hào là địa phương có huyện đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ nằm giữa vịnh Bắc Bộ. Bên cạnh giá trị đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh biển, đảo, Bạch Long Vỹ còn sở hữu hệ sinh vật biển phong phú.

Giá trị càng được khẳng định khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 2630/QĐ-TTg ngày 31-12-2013 về thành lập khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ. Cùng với đó, thời gian qua, thành phố đã tập trung đầu tư khá lớn cho huyện đảo, nhằm cụ thể hóa mục tiêu để Bạch Long Vỹ trở thành một tụ điểm du lịch, đồng thời là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của vịnh Bắc Bộ.

Chưa hết, vùng đất cửa biển Hải Phòng còn lưu giữ khá nhiều những di sản lịch sử, văn hóa có giá trị. Hiện toàn thành phố có 470 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích đặc biệt cấp quốc gia là khu danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà và đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Bảo).

Trong hàng trăm di tích khác cấp quốc gia và thành phố, nổi lên nhiều di sản vô giá như các lễ hội: chọi trâu (Đồ Sơn); đua thuyền rồng, vật cầu, minh thề (Kiến Thụy), hát đúm (Thủy Nguyên)… Đặc thù miền biển Hải Phòng cũng hình thành một nền văn hóa ẩm thực hấp dẫn, hội tụ đủ đặc sản cả 3 vùng nước mặn – ngọt – lợ.

Có thể nói, du lịch Hải Phòng đang trở mình mạnh mẽ với mục tiêu vươn ra biển lớn, sống với biển và làm giàu từ biển, khẳng định hướng đi đúng đắn là củng cố, phát triển kinh tế để làm nền tảng cho ổn định quốc phòng an ninh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài du lịch Hải Phòng chỉ quen với việc khai thác những gì có sẵn, nghĩa là phần lớn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, nên chưa thực sự tạo ra sự bứt phá cho ngành “công nghiệp không khói”. Cụ thể là hiệu quả kinh tế du lịch thấp, cơ cấu và tỷ trọng du lịch trong nhóm ngành dịch vụ còn nhỏ bé.

Kết cấu hạ tầng du lịch thiếu đồng bộ, chưa nhiều những điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm quy mô lớn, có sức hút. Sản phẩm du lịch mới chỉ dựa trên khai thác giá trị sẵn có, chưa độc đáo, hấp dẫn, bắt kịp xu hướng và nhu cầu thị hiếu của du khách.

Hy vọng trong tương lai gần, Hải Phòng sẽ hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW, tìm ra đáp số thiết thực giải bài toán trên,  xứng đáng không chỉ là trung tâm du lịch xanh của Việt Nam, mà còn là điểm đến hấp dẫn mang tầm quốc tế, hòa nhịp vào mục tiêu tăng trưởng xanh mà thành phố đang hướng tới.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông