08:47 30/09/2019 Trong Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam cũng như nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, đều xác đinh rõ phát triển thủy sản là một phân ngành kinh tế mũi nhọn của Hải Phòng.
Hạn chế khai thác nhỏ lẻ là một giải pháp tất yếu?
Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, trong bối cảnh diễn biến môi trường tự nhiên cũng như tác động mới có nhiều thay đổi, Hải Phòng cần thấy rõ được những cơ hội và thách thức, nhất là cân đối giữ bảo tồn và phát triển, trong đó có thủy sản vùng bờ.
Hải Phòng và lợi thế thiên phú
Theo các kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu hải sản, Nguồn lợi hải sản ở vùng ven biển Hải Phòng mang đặc điểm chung của nguồn lợi vịnh Bắc Bộ, đây là một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học cao.
Bờ biển Hải Phòng có chiều dài trên 125 km, nơi có gần chục cửa sông lớn đổ ra từ đất liền, tạo một vùng lợ ven biển gắn liền với nguồn thủy sản mà nhiều vùng bờ khác trong cả nước không có.
Quỹ đất ngập nước ven biển của thành phố tới 24,58 nghìn ha, bao gồm các vùng đất ngập triều với gần 20 nghìn hec-ta, ngoài ra, còn có các bãi bồi cát không ngập triều chắn ngoài cửa sông. Chưa kể tới 24 nghìn hec-ta mặt nước của những cửa sông, luồng lạch, tùng, áng, vùng, vịnh... mang lại lợi thế ưu đãi phát triển đa ngành và phát triển đa dạng sinh học.
Nhưng điều quan trọng nhất, chính yếu tố địa hải chất này đã tạo cho Hải Phòng một vùng bãi đẻ, bãi ương nuôi tự nhiên các loài hải sản, có mật độ phân bố thuộc diện cao nhất của cả vùng duyên hải Bắc Bộ. Những năm qua, khi nhu cầu tiêu thụ nguồn lợi hải sản tăng cao, thì việc khai thác lợi thế vùng bờ và vùng nước ven đất liền được chú trọng nhiều hơn, với các dạng hình ươm thích ứng.
Do đặc thù địa lý, nếu như các vùng ven biển như Cát Hải, Hải An, Dương Kinh chủ yếu được khoanh vùng nuôi trồng các loại tôm, cá, tu hài, rau câu... thì vùng bồi phía cửa sông Lạch Tray, Văn Úc và Thái Bình phần lớn được chia thầu, khai thác nguồn lợi tự nhiên, đáng kể nhất là các loại cá nước lợ, tôm trà, tôm rảo, các loại họ cua, rươi... và ươm nuôi nhuyễn thể.
Cần nhiều hơn những giải pháp khắc phục ô nhiễm vùng bờ
Được thiên nhiên ưu đãi như vậy, nhưng dường như Hải Phòng chưa thực sự trở thành một thương hiệu lớn, với vai trò là một trung tâm khai thác, chế biến thủy sản ven bờ của khu vực. Trong khi đó, các kết quả nghiên cứu gần đây cũng như thực tế đã cảnh báo, nguồn lợi hải sản của Hải Phòng đang ngày càng cạn kiệt, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng tựu chung tất cả đều xuất nguồn từ yếu tố con người.
Chẳng hạn việc sử dụng các công cụ, những sáng tạo mới để tăng sản lượng, thể hiện tính vô trách nhiệm của người đánh bắt như dùng lưới vét mắt nhỏ, thuốc độc cyanua, kích điện, “lờ bát quái”… không những tận thu cả những sinh vật còn quá nhỏ, mà còn “triệt” luôn cả đường sinh nở. Ở những vùng lợ cửa sông, diện tích bãi bồi bị chia nhỏ vô tội vạ, phục vụ cho các mục đích thuê thầu, còn ở các triền sông, triền biển, bãi cát bồi bị khai thác triệt để, cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh sản tự nhiên của sinh vật nước.
Lẽ ra, khi nguồn lợi tự nhiên bị suy kiệt, thì giải pháp bù trừ sẽ được tính đến nhờ việc nuôi tái tạo, nhưng việc thuần hóa các loài hải sản đã là chuyện khó, việc ươm tạo giống càng khó hơn. Quá trình phát triển các ngành kinh tế khác cũng đặt Hải Phòng vào một sự lựa chọn không dễ dàng..
Lo cho tương lai?
Theo một số đánh giá, vấn đề lớn nhất hiện nay mà nguồn lợi thủy sản vùng bờ Hải Phòng đang bị xâm hại có lẽ là ô nhiễm môi trường, nhất là khu vực các cửa sông có bị tác động từ nguồn dầu thải của các tàu ra vào cảng, nhiễm nguồn nước thải từ các khu công nghiệp.
Cùng với đó là ô nhiễm đục nước, kết quả của nạn phá rừng phòng hộ và xói lở, chỉ tính riêng vùng cửa sông Cấm, hàm lượng phù sa đã tăng cao trong vòng mấy chục năm qua. Trong khi đó, việc quy hoạch vùng bờ không phát huy được hiệu quả, đang rất manh mún giữa các dự án đầy mâu thuẫn của công nghiệp – dịch vụ - thủy lợi – nông nghiệp và thủy sản.
Đương nhiên, “trăm sông đều đổ ra biển”, ô nhiễm vũng bờ cũng chính là nguồn gây ô nhiễm cho cả vùng vịnh Bắc Bộ, ngư trường chính của Hải Phòng.
Khai thác xa bờ ở ngư trường Bạch Long Vỹ
Như vậy có thể thấy, nguồn lợi thủy sản vùng bờ Hải Phòng đang đứng trước những nguy cơ lớn, từ chính việc khai thác nội ngành đến các mâu thuẫn trong mục tiêu khai thác ngoại ngành khác.
Điều này đang đặt ra một bài toán nan giải giữa khai thác và bảo tồn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững mà thành phố đang phấn đấu. Những năm gần đây, nội dung này đã được lãnh đạo thành phố cùng các nhà khoa học đưa ra bàn thảo, đánh giá sâu sắc.
Nhiều hạn chế đã được chỉ rõ, nhưng nội dung được nhắc đến nhiều nhất chính là việc quy hoạch không gian vùng nước, vùng bờ cùng với các giải pháp về môi trường.
Theo lý thuyết, thì nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi hải sản đã được quy định trong luật Thủy sản và các văn bản quy phạm pháp luật khác, tuy nhiên trên thực tế thì việc thực thi chưa thực sự hiệu quả.
Ngành thủy sản đến nay vẫn chưa thoát khỏi hình bóng của một nghề thủ công, trình độ sản xuất nhỏ, qui mô hộ gia đình, phát triển tự phát theo cơ chế thị trường. Chính vì vậy, theo quan điểm của các nhà khoa học, giải pháp đầu tiên là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để cả hệ thống nhìn nhận tích cực hơn về sự cần thiết của bảo tồn nguồn lợi thủy sản vùng bờ.
Đồng thời Hải Phòng cần giảm bớt phương pháp khai thác nhỏ lẻ, để người dân tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước, không sử dụng chất nổ, hóa chất, điện năng để đánh bắt.
Các nhà khoa học cũng đề nghị lãnh đạo thành phố, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan nghiên cứu để có đánh giá đầy đủ về nguồn lợi hải sản của địa phương.
Phải chú trọng hơn đến việc nghiên cứu xác định các bãi đẻ, mùa vụ sinh sản, từ đó xác định cơ cấu nghề nghiệp và định lượng, định hướng khai thác phù hợp theo mùa vụ, bao gồm cả việc quy định việc cấm đánh bắt trong mùa sinh sản, song song với các giải pháp quản lý và tổ chức sản xuất.
Về nuôi trồng, quy hoạch theo sức tải môi trường, trong đó cùng với tôm cá phải kết hợp nuôi trồng nhóm đối tượng có khả năng cân bằng sinh thái như rong rêu và nhuyễn thế, kết hợp xây dựng các cơ sở cung cấp giống đầu vào…
Tuy nhiên để thực hiện được, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách cho ngư dân thích nghi với điều kiện mới, nhất là nguồn vốn và ứng dụng khoa học công nghệ. Và tất nhiên, phải bài bản về đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ khai thác, cũng như nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật.
Nhưng điều cần thiết trước mắt chính là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, cùng với các giải pháp bảo vệ môi trường mang tính vĩ mô, thì việc phân định giữa quy hoạch phát triển ngành thủy sản và các ngành kinh tế khác cũng cần được rõ nét, hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng gây tác hại lẫn nhau.
Đây sẽ là bước khởi đầu cho một giai đoạn mới, để Hải Phòng bảo đảm hài hòa giữa khai thác và bảo tồn nguồn lợi hải sản vùng bờ, hướng tới phát triển bền vững.
Hoàng Minh
10:11 20/10/2024
18:35 17/10/2024
20:57 08/09/2024