Phát triển kinh tế biển tại Hải Phòng: Biến tiềm năng, lợi thế thành nguồn lực thực tế (Kỳ 1)

11:06 07/08/2024

Là một trong những trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước, trong nhiều năm qua, Hải Phòng đã có nhiều chuyển động, khởi sắc. Có thể nói, Hải Phòng đi lên nhờ biển và tương lai rất sáng sủa cũng từ biển. Thực hiện nghị quyết số 09 ngày 9- 2- 2007 của BCH Trung ương Đảng (khóa 10) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa 12 “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 36-NQ/TW), Hải Phòng đang có thêm nhiều dư địa, nhiều cơ hội bứt phát từ kinh tế biển

Kỳ 1:

                                                   Biến tiềm năng biển thành lợi thế phát triển

        Là thành phố Cảng biển lớn nhất phía bắc, có 125 km bờ biển và 2 huyện đảo Cát Hải, Bạch Long Vỹ, Hải Phòng có tiềm năng biển rất lớn. Lợi thế này được thành phố phát huy mạnh mẽ, tạo thành nguồn lực phát triển, mang lại những đổi thay rõ rệt cho thành phố.

                                                                   Rõ mô hình, rõ lộ trình

          Thực hiện NQ 09, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng  ban hành NQ 27 ngày 13- 4-2009 về chương trình hành động thực hiện Chiến lược biển tới năm 2020, kết hợp nhuần nhuyễn với thực hiện NQ 32, Kết luận 72 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ CNH- HĐH đất nước.

           Ngày 21-10-2021, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng ban hành kế hoạch số 238 với quyết tâm xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước. Đây là bước cụ thể hóa rất quan trọng nhằm thực hiện nghị quyết 02 ngày 2-8-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đề ra là xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trọng điểm của khu vực phía Bắc và cả nước về dịch vụ cảng biển và logistics, được định hướng, định lượng khá cụ thể và rõ nét.

          Theo đó, Hải Phòng tập trung  phát triển dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics tương xứng với tiềm năng, lợi thế, theo chiều sâu là chủ đạo để trở thành đầu mối trung chuyển quốc tế và trung tâm dịch vụ logistics hiện đại tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; có các cơ chế, chính sách có tính đột phá, môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước…; phấn đấu  đến năm 2025, Hải Phòng trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, với hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2025 đạt 15,1%/năm. Đến năm 2030, trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 600 triệu tấn. Đến năm 2045, tiếp tục gia tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics vào GRDP, góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới…

                                         Cảng biển là thế mạnh vượt trội của Hải Phòng trong phát triển kinh tế biển

          Hải Phòng đề ra 6 nhóm, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, tập trung vào nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông kết nối; phát triển dịch vụ phục vụ cảng biển và dịch vụ logistics; tạo lập nguồn vốn đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng biển Hải Phòng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ hiện đại…

          Điều mà người dân Hải Phòng quan tâm nhất là từ những mục tiêu, định hướng trên, thành phố đã chỉ rõ những dự án, công trình cụ thể. Trong đó có nhiều dự án lớn đang được nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm như đầu tư xây dựng các bến Cảng tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; rà soát, sắp xếp lại hệ thống bến cảng tại khu vực Đình Vũ; nghiên cứu xây dựng cảng nam Đồ Sơn; quy hoạch bến cảng Bạch Long Vĩ là bến cảng vệ tinh, đầu mối giao lưu với đất liền kết hợp phục vụ phát triển KTXH và QPAN; đầu tư cảng hàng lỏng và cảng tổng hợp tại đảo Cát Tráp (Cát Hải) và cảng Văn Úc tại cửa sông Văn Úc (Tiên Lãng); nâng cao năng lực của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho bãi,container tại khu vực Đình Vũ, Lạch Huyện, VSIP, Tràng Duệ, Tiên Lãng; kết nối các phương thức vận tải giữa đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường bộ và đường hàng không; đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu logistics gắn liền với các khu bến, bến cảng như trung tâm logistics Lạch Huyện, nam Đình Vũ, VSIP, Tràng Duệ, Tiên Lãng và đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông quan trọng…

Cùng với đó, Hải Phòng kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách hoàn thiện, nâng cấp, cải tạo các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường sắt Hà Nội- Hải Phòng có kết nối tới cảng Lạch Huyện; tuyến đường thủy nội địa hành lang số 1 (Quảng Ninh- Hải Phòng- Việt Trì); nâng cấp cầu Đuống… Thành phố cũng có chủ trương phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Công Thương đầu tư mở rộng hạ tầng kết nối trung tâm logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng.

            Như vậy, Hải Phòng đã xác định được các quy hoạch cần xây dựng, rõ mô hình kinh tế biển của thành phố cũng như hướng đi, lộ trình, cơ chế chính sách, cách làm cụ thể, rõ ràng để làm giàu từ biển, xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển của vịnh Bắc bộ và cả nước, một trọng điểm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Theo đó, Hải Phòng chủ trương kết hợp phát triển hài hòa giữa kinh tế vùng ven biển, kinh tế trên biển và kinh tế đảo với các quận, huyện trong đất liền, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển và bảo tồn… Hải Phòng xác định rõ kinh tế biển là động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH- HĐH theo tinh thần NQ45 của Bộ Chính trị, đảm nhận vai trò đầu tàu lôi kéo sự phát triển của các địa phương trong vùng.

                                                                 Hải Phòng mạnh lên từ biển

           Với lợi thế của thành phố Cảng biển, những  năm qua, từ chủ trương, chính sách đúng đắn của BCH Trung ương Đảng, các nghị quyết của Thành ủy Hải Phòng; kế hoạch của UBND thành phố và quyết tâm thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam, Hải Phòng đã thực sự mạnh lên, giàu lên từ biển.

           Theo thứ tự ưu tiên phát triển 6 ngành, lĩnh vực kinh tế biển được xác định tại các nghị quyết của Thành ủy, phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển được đưa lên hàng đầu. Vì thế, những năm qua đánh dấu bước phát triển vượt bậc của hệ thống cảng biển Hải Phòng cả về quy mô, sản lượng cũng như năng suất, công nghệ, kéo theo sự phát triển của dịch vụ cảng biển, đội tàu vận tải biển và một loạt ngành nghề khác liên quan tới biển.

          Về Hải Phòng hôm nay, đã nhận thấy rõ hình hài của một trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn nhất của cả nước. Ai cũng phải ngỡ ngàng trước sự sầm uất của hệ thống cảng biển với những con tàu lớn liên tục vào làm hàng, nhất là khi 2 bến cảng đầu tiên của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng hoàn thành vào tháng 5- 2018 thì liên tục có tàu với  sức chở hơn 6.000 TEU cập bến, đánh dấu bước ngoặt lớn về tính kết nối trực tiếp từ cảng biển Hải Phòng tới các châu lục mà không cần trung chuyển như trước. Có thể nói, lộ trình phát triển, hiện đại hóa, xây dựng cảng nước sâu duy nhất tại miền bắc đã được thành phố tập trung thực hiện trong hàng chục năm qua, coi đây là cốt lõi trong phát triển kinh tế biển của Hải Phòng. Từ sự phát triển của Cảng mà năng lực hàng hóa thông qua tăng rất nhanh, trung bình mỗi năm tăng hàng chục triệu tấn, năm 2023 đạt hơn 170.000 tấn; năm 2024 dự kiến đạt 190-200 triệu tấn. 

                                       Từ lợi thế cảng biển, các KCN ven biển của Hải Phòng phát triển mạnh mẽ

Cũng chính từ đó kéo theo sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và một loạt các dịch vụ kèm theo. Đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng; Hải Phòng- Vân Đồn- Móng Cái; cầu và đường Tân Vũ- Lạch Huyện; cầu Bạch Đằng; cầu Rừng, cầu Lại Xuân; cầu sông Hóa; cầu Dinh; cầu Quang Thanh;  Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và nhiều công trình khác liên tiếp mọc lên, tạo nên sự đồng bộ, hiện đại của các loại hình giao thông kết nối với cảng biển. Dịch vụ cảng ngày càng sôi động, đa dạng, hiện đại từ logistics tới vận tải, kho bãi…

Đặc biệt, vận tải biển vẫn là thế mạnh của Hải Phòng khi hiện có hàng trăm tàu biển đăng ký hoạt động,  cùng sự hồi phục mạnh mẽ của ngành đóng tàu.  Sự sầm uất của hệ thống cảng biển mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách mỗi năm, đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho hàng vạn lao động, trong đó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao từ trong và ngoài nước về làm việc.

           Công nghiệp biển, khu kinh tế, khu công nghiệp biển cũng là một thành tựu nổi bật của Hải Phòng trong thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Những năm qua là một bước nhảy vọt cả về quy mô cũng như chất lượng hoạt động, thu hút đầu tư. Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng BQL Khu Kinh tế Hải Phòng, dấu ấn đậm nét nhất là sự hiện diện và triển khai nhanh của các dự án lớn, trong đó có nhiều dự án trị  giá hàng tỷ USD. Đối với dự án FDI, chỉ riêng Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã đầu tư hơn 9 tỷ USD vào Khu CN Tràng Duệ. Tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) cũng đầu tư hơn 1,2 tỷ USD cho nhà máy sản xuất lốp xe Bidgestone tại Khu CN Đình Vũ. Ngoài ra còn rất nhiều dự án lớn khác của các nhà đầu tư tiềm năng như Pegatron; Regina Miracle; SK…

             Đối với dự án đầu tư trong nước, một hiện tượng lớn nhất, táo bạo nhất  là tại  Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải đã có sự xuất hiện của Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn Sungroup đang triển khai nhiều dự án phát triển du lịch tại Cát Hải.

  Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng BQL Khu Kinh tế Hải Phòng khẳng định, thu hút đầu tư vào các KCN, KKT Hải Phòng 5 năm qua đạt được những kết quả vượt bậc, góp phần thực hiện chủ trương, mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược biển. Lũy kế đến tháng 6- 2024, các KCN, KKT thu hút được 40,5 tỷ USD, trong đó có 561 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 26,8 tỷ USD; thu hút đầu tư trong nước đạt 13,7 tỷ USD. Từ năm 2021 đến nay, Hải Phòng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp; tổng thu hút của Hải Phòng đạt gần 13 tỷ USD (sau thành phố Hồ Chí Minh với gần 14 tỷ USD), đưa Hải Phòng trở thành địa phương nằm trong tốp 3 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 3 năm liên tiếp.

          Các dự án trong KCN, KKT đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm mới, chiếm hơn 60% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu, hàng năm nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 200.000 lao động.

           Thành tựu về phát triển kinh tế biển của Hải Phòng còn được thể hiện rõ nét ở nhiều ngành kinh tế, văn hóa xã hội khác như phát triển kinh tế thủy sản; du lịch; phát triển đô thị hướng biển về cả 3 hướng (Thủy Nguyên, Cát Hải, Đồ Sơn) với nhiều khu đô thị lớn, hiện đại liên tiếp mọc lên, mở mang tầm vóc, quy mô cho đô thị Hải Phòng. Lĩnh vực khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển có bước tiến khá dài với các viện nghiên cứu, trường đại học quốc gia và khu vực, bệnh viện y học biển, viện y học hải quân… 

Đặc biệt, 2 huyện đảo của Hải Phòng gồm Bạch Long Vỹ và Cát Hải được tập trung nguồn lực đầu tư phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội, giữ vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh. Trong một tương lai không xa, Cát Hải sẽ trở thành khu vực phát triển năng động nhất của Hải Phòng nhờ lợi thế biển đảo và các định hướng của Chiến lược biển Việt Nam tới năm 2045.

                                                                                                                              Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích